Theo Japan Times, Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ người già cao nhất trên thế giới. Các số liệu thống kê của Bộ Nội vụ nước này cho thấy, vào thời điểm cuối năm 2018, số lượng người từ 65 tuổi trở lên là 35,88 triệu người, chiếm 28,4% dân số. Viện Nghiên cứu Dân số & An sinh xã hội quốc gia Nhật Bản ước tính, số người từ 65 tuổi trở lên sẽ chiếm 30% dân số vào năm 2025 và lên tới 35,3% dân số vào năm 2040.
Trước tình hình đó, ngày 4-2 vừa qua, Chính phủ nước này đã thông qua dự luật khuyến khích các doanh nghiệp cho người lao động làm việc đến 70 tuổi. Các quy định trong dự luật không có tính bắt buộc, song khuyến khích các công ty lựa chọn một trong năm phương án: tăng tuổi nghỉ hưu của các lao động; bỏ quy định tuổi nghỉ hưu; cho phép người lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu; giao khoán một số công việc cho những người đến tuổi nghỉ hưu nhưng muốn tiếp tục làm việc; bố trí họ làm việc cho một số dự án nhân đạo mà các doanh nghiệp này đang triển khai.
Chính phủ Nhật Bản dự kiến trình dự luật trên lên Quốc hội thông qua trong thời gian sớm nhất. Trong tương lai, Chính phủ Nhật Bản dự định bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng người lao động cho đến 70 tuổi.
Japan Times cho biết, trước khi chính phủ thông qua dự luật kể trên, nhiều công ty, doanh nghiệp tại Nhật Bản đã tự tăng độ tuổi nghỉ hưu của các nhân viên nhằm đáp ứng nhu cầu công việc. Kể từ tháng 4-2019, Chính phủ Nhật Bản đã công bố chính sách cấp thị thực mới cho người lao động là người nước ngoài nhằm thu hút những người trong độ tuổi lao động tới nước này làm việc.
Quyết định mới đây của Chính phủ Nhật Bản đã nhận được những đánh giá tích cực từ phía người dân. Tuy nhiên, các nhà chức trách cho rằng vẫn cần tính toán kỹ do lo ngại nhiều khó khăn mà những lao động cao tuổi có thể đối mặt trong quá trình làm việc.