Theo PGS, TS Tăng Chí Thượng, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh đã được nhiều nước trên thế giới triển khai thành công. Người cần cấp cứu không chỉ có bệnh nhân nặng, chấn thương, tai nạn nghiêm trọng mà cả những trường hợp nội khoa như mệt, khó thở cần bác sĩ đến kịp thời. Xe được trang bị hai “tủ thuốc” với đầy đủ các loại thuốc, trang thiết bị cần thiết cho một ca cấp cứu khẩn cấp như thuốc an thần, dung dịch truyền, thuốc chống loạn nhịp tim, bộ đặt nội khí quản, ống bóp, kim tiêm, máy sốc điện, máy đo điện tim… Năm 2018, toàn thành phố có 28 trạm cấp cứu vệ tinh thì đến nay số trạm cấp cứu vệ tinh đã lên đến 31 trạm, trong đó có sáu trạm cấp cứu xe hai bánh. “TP Hồ Chí Minh đông dân nhất trên cả nước, có nhiều biến động về dân số dẫn đến gia tăng số tai nạn giao thông, tai nạn lao động, thương tích, bệnh truyền nhiễm, lại thường xuyên ùn tắc giao thông dẫn đến việc xe cấp cứu không tới kịp thời, nhiều trường hợp đã không tận dụng được thời gian vàng để cứu sống người bị nạn, nên đó là lý do để Sở áp dụng mô hình cấp cứu ngoại viện bằng xe hai bánh nhằm phục vụ tốt hơn trong công tác cấp cứu người dân tại nhà hoặc tại hiện trường”.
BS Nguyễn Khắc Vui, Phó Giám đốc BV Đa khoa Sài Gòn cho biết, mô hình cấp cứu bằng xe hai bánh mà BV đang áp dụng bước đầu được người dân hưởng ứng vì tính tiện lợi và nhanh chóng. Theo thống kê, trong tổng số 67 cuộc gọi cấp cứu 115 của người dân trên địa bàn quận 1 được tổng đài chuyển đến, có 26 lần BV điều xe cấp cứu hai bánh đi cấp cứu. Trong đó, có nhiều ca bác sĩ cấp cứu tại chỗ, bệnh nhân không cần phải nhập viện và 17 ca BV điều động cùng lúc cả xe hai bánh và bốn bánh (bác sĩ đi xe cấp cứu hai bánh đến trước để kịp sơ cứu trong khi chờ xe cứu thương đến để chuyển bệnh nhân về BV điều trị). Số lượt đi cấp cứu ngoại viện đã tăng 30% so giai đoạn trước đây khi chỉ dùng xe cứu thương đi cấp cứu. “Trong vòng từ năm đến mười phút, xe cấp cứu hai bánh đã có thể tiếp cận được người bệnh, điều mà xe cấp cứu truyền thống có những hạn chế nhất định không thể làm được. Đây là mô hình cần thiết và tiện lợi cho những trường hợp khẩn cấp, phù hợp với đường phố đông đúc, nhiều ngóc ngách, đặc biệt là những người bệnh ở hẻm sâu, hẻm nhỏ hay kẹt xe”, BS Vui cho biết.
Theo lãnh đạo một số BV, việc tiếp cận người bệnh cần cấp cứu trong thời gian nhanh nhất sẽ mang lại cơ hội cứu chữa thành công, giảm thiểu các tai biến nguy hiểm. Tuy nhiên trong bối cảnh tần suất cấp cứu ngoại viện tăng cao, số cuộc gọi cần cấp cứu lớn, địa bàn chằng chịt cộng với tình trạng kẹt xe thường xuyên là nỗi ám ảnh cho việc điều xe cấp cứu. Do đó, mô hình cấp cứu ngoại viện bằng xe hai bánh rất cần được nhân rộng trên toàn thành phố để đáp ứng nhu cầu người bệnh và thích hợp với địa hình của địa bàn. Bên cạnh một số ưu điểm, hạn chế hiện nay đối với xe cấp cứu hai bánh là chưa có còi hụ hay đèn chớp ưu tiên. Chính vì thế, việc đề xuất, kiến nghị cho xe cấp cứu hai bánh được quyền ưu tiên như cấp cứu truyền thống là điều cần thiết.
Phát triển mạng lưới các trạm cấp cứu vệ tinh 115 và loại hình xe cấp cứu hai bánh chuyên dụng, xây dựng hệ thống điều hành mạng lưới cấp cứu thông minh là những hoạt động đang được Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cùng các BV tiếp tục đầu tư. Được biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tham mưu UBND thành phố xem xét cho phép bổ sung cơ số xe cứu thương thêm đối với các BV tham gia làm trạm cấp cứu vệ tinh. Đồng thời, kiến nghị Bộ Y tế cho phép các trường đại học mở mã ngành Paramedic (cấp cứu ngoại viện) để có thêm nguồn nhân lực chuyên trách cấp cứu ngoài BV.