Đưa câu chuyện “Ngoại giao cây tre” của Việt Nam ra thế giới
TRỊNH THỊ MỸ HÂN, tốt nghiệp ngành Truyền thông quốc tế tại Học viện Ngoại giao, đã tạo nên một dấu mốc đáng tự hào khi công bố nghiên cứu của mình trên tạp chí quốc tế uy tín Discourse & Society. Thành tựu này không chỉ phản ánh năng lực nghiên cứu xuất sắc của Hân mà còn góp phần quảng bá hình ảnh và chính sách đối ngoại đặc sắc của Việt Nam, “Ngoại giao cây tre”, ra cộng đồng học thuật quốc tế.
Dưới sự hướng dẫn tận tâm từ Tiến sĩ Vũ Tuấn Anh, Trưởng khoa Truyền thông và Văn hóa đối ngoại, bài nghiên cứu của Hân tập trung phân tích diễn ngôn về chính sách ngoại giao cây tre Việt Nam. Đây là một khái niệm giàu ý nghĩa, lần đầu được cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giới thiệu vào năm 2021, nhằm khái quát đặc điểm đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, đa phương hóa của Việt Nam.
Hân đã dành sáu tháng, từ tháng 12/2022 đến tháng 5/2023, để hoàn thiện nghiên cứu này. Với nguồn dữ liệu từ 66 bài báo điện tử của các cơ quan báo chí chính thống, cô đã kết hợp khéo léo giữa lý thuyết học thuật về diễn ngôn chính trị với bối cảnh văn hóa, lịch sử và chính trị Việt Nam. Niềm vui và bất ngờ lớn nhất đến vào tháng 11/2023 khi tạp chí thông báo bài báo của cô được chấp thuận xuất bản. Bài viết với tiêu đề “Nationalism in Discursive Legitimation: An analysis of the Vietnamese Communist Party’s “bamboo diplomacy” discourse on digital journalism” (Tạm dịch: Chủ nghĩa dân tộc trong quá trình xây dựng tính chính danh thông qua diễn ngôn: Phân tích diễn ngôn về “ngoại giao cây tre” của Đảng Cộng sản Việt Nam trên báo chí điện tử) nhận được đánh giá cao từ những người phản biện và Tổng biên tập của tạp chí - Giáo sư Teun van Dijk, học giả hàng đầu thế giới về phân tích diễn ngôn. Họ nhấn mạnh rằng đây là một nghiên cứu mới mẻ, có ý nghĩa ứng dụng cao trong phân tích chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Hiện tại, Mỹ Hân theo học chương trình Thạc sĩ Chính sách công tại Viện Nghiên cứu Chính trị Paris (Sciences Po) với học bổng Emile Boutmy danh giá. Trải nghiệm thực tập tại Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam đã định hướng Hân theo đuổi con đường nghiên cứu và xây dựng chính sách công.
“Tôi mong muốn áp dụng những kinh nghiệm quốc tế để thiết kế các chính sách và dự án phát triển bền vững, đặc biệt trong lĩnh vực chuyển đổi số tại Việt Nam” - cô chia sẻ.
Thức cả đêm chờ email thông báo bài nghiên cứu được chấp thuận đăng
![]() |
Doãn Mạnh Hùng theo đuổi ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu có đóng góp tích cực vào nghiên cứu về truyền thông ở Việt Nam. |
DOÃN MẠNH HÙNG, vừa tốt nghiệp Học viện Ngoại giao năm nay, với bài báo khoa học, cũng là sản phẩm tốt nghiệp của mình, được đăng tải trên Asian Journal for Public Opinion Research - tạp chí thuộc nhóm Q2 trong hệ thống Scopus.
Bài nghiên cứu của Hùng xoay quanh đề tài phân tích phản ứng của độc giả báo chí đối với vấn đề bạo lực học đường, một ý tưởng xuất phát từ thời gian thực tập và cộng tác ở một tòa soạn báo điện tử lớn. Nhận thấy sự đa dạng và phức tạp trong các bình luận độc giả về chủ đề phức tạp này, Hùng quyết định khai thác dữ liệu đó cho công trình nghiên cứu khoa học. Với sự hướng dẫn của giảng viên Lê Vũ Điệp, Hùng đã triển khai nghiên cứu trong vòng ba tháng, tổng hợp hơn 4.300 bình luận từ 36 bài báo đăng tải từ tháng 9 đến tháng 12/2023. Phương pháp phân tích chủ đề (thematic analysis) được Hùng lựa chọn để rút ra các đặc điểm chung từ khối lượng dữ liệu khổng lồ.
Quá trình thực hiện bài báo không hề dễ dàng. Việc thu thập và phân loại các bình luận là thử thách lớn nhất, chiếm tới hai phần ba thời gian nghiên cứu. Hùng đã phải làm thủ công để thống kê, dịch, và đọc đi đọc lại hàng nghìn bình luận nhằm rút ra những đặc điểm chung. Có những lúc nản chí, Hùng nghĩ đến việc từ bỏ, nhưng lòng quyết tâm và ý thức trách nhiệm đã giúp cậu vượt qua. “Nghĩ đến công sức đã bỏ ra, tôi biết mình không thể dừng lại giữa chừng”, Hùng chia sẻ. Quá trình bình duyệt bài nghiên cứu diễn ra trong ba vòng, và kéo dài gần tám tháng. Dù gặp sự cố ở vòng đầu tiên khi phản hồi từ tạp chí rơi vào hộp thư “rác”, Hùng vẫn kịp xử lý bài trong thời gian ngắn và tiến đến các vòng tiếp theo. Sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nội dung và hình thức đã giúp bài báo được chấp nhận với rất ít chỉnh sửa. Ngày 29/11/2024, ngay trước thời điểm tạp chí xuất bản, Hùng nhận được thông báo bài nghiên cứu chính thức được đăng.
Cảm xúc khi biết tin bài báo được chấp nhận là niềm vui khó tả. Trên trang cá nhân, Hùng đặt điện thoại ghi lại hình ảnh bản thân ngồi thức cả đêm để chờ email của ban biên tập tạp chí, và òa khóc ngon lành khi đọc được dòng chữ “bài nghiên cứu đã được tạp chí chấp thuận đăng”!
Doãn Mạnh Hùng tốt nghiệp loại xuất sắc với GPA 3.74/4.0. Hùng đặt mục tiêu theo đuổi chương trình thạc sĩ nghiên cứu truyền thông tại châu Âu, với ước mơ trở thành một nhà nghiên cứu có đóng góp tích cực vào lĩnh vực này ở Việt Nam. Thành công từ bài báo quốc tế đầu tiên là bước đệm vững chắc để Hùng tiến xa hơn trên con đường học thuật và sự nghiệp.
Nữ sinh với niềm đam mê nghiên cứu lịch sử
![]() |
Nguyễn Thị Thái Bình trải qua gần chín tháng liên tục để hoàn thiện nghiên cứu cho đề tài “Cuộc chiến chống cướp biển Barbary của nước Mỹ ở khu vực Địa Trung Hải (1801-1805)”. |
NGUYỄN THỊ THÁI BÌNH, sinh năm 2003, là sinh viên năm cuối ngành Sư phạm Lịch sử, Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng. Với niềm đam mê lịch sử, Bình đã có được thành tích đáng nể khi cùng các giảng viên hướng dẫn công bố bài báo khoa học quốc tế trên tạp chí World Journal of Social Sciences and Humanities. Bài báo có tiêu đề “The Barbary Pirate States of the Mediterranean in the XVI-XIX Centuries” (Cướp biển Barbary vùng Địa Trung Hải trong thế kỷ 16-19).
Bắt nguồn từ ý tưởng của Tiến sĩ Nguyễn Văn Sang, Phó Trưởng phòng Khoa học và hợp tác quốc tế của Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng, cũng là người hướng dẫn, Bình và một bạn đồng môn là Trần Tấn Nghĩa đã thực hiện đề tài “Cuộc chiến chống cướp biển Barbary của nước Mỹ ở khu vực Địa Trung Hải (1801-1805)” - một chủ đề mới mẻ và đầy thử thách, đứng từ góc độ tiếp cận ở Việt Nam. Bài báo được công bố là dựa trên kết quả nghiên cứu từ đề tài này mà Bình đã trải qua gần chín tháng liên tục dành cho việc phân tích tài liệu, viết bài và hoàn thiện nghiên cứu.
Thách thức lớn nhất mà Bình gặp phải là sự khan hiếm tài liệu tiếng Việt. Để khắc phục, cô phải tự dịch toàn bộ nguồn tài liệu học thuật nước ngoài - từ sách lịch sử Mỹ, lịch sử quan hệ quốc tế, đến các nghiên cứu về cướp biển Barbary. Quá trình này đòi hỏi sự kiên nhẫn và kỹ năng tổng hợp thông tin, trong khi bản thân Bình còn thiếu kinh nghiệm nghiên cứu. Những khó khăn không ít lần khiến cô nản lòng, nhưng cũng là động lực để cô quyết tâm hoàn thiện đề tài, coi đó là bước tiên phong trong lĩnh vực chưa được khai phá tại Việt Nam.
Bình chia sẻ, việc nghiên cứu không chỉ giúp cô hiểu sâu hơn về lịch sử mà còn phát triển tư duy logic, kỹ năng phân tích và viết học thuật. Niềm vui và động lực to lớn với Bình là luôn nhận được sự đồng hành, động viên của thầy hướng dẫn cũng như các thầy cô trong Khoa Lịch sử, Trường đại học Sư phạm Đà Nẵng.
Thành quả cuối cùng thật ngọt ngào: bài báo không chỉ được công bố quốc tế với rất ít yêu cầu chỉnh sửa, mà còn nhận được Giải nhất Giải thưởng Khoa học và Công nghệ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dành cho sinh viên năm 2023.
“Những thành quả bước đầu này tiếp thêm ngọn lửa say mê trong việc nghiên cứu khoa học, đặc biệt là thêm niềm tin và tình yêu cho bộ môn Lịch sử vốn có tiếng là “khó nhằn”, và cho nghề sư phạm mà em theo đuổi” - Bình tâm sự.