Nồng hậu thương hiệu “Thành Sầu”
Ông Tướng Văn Thành là người Dao quần trắng, về tái định cư ở thôn Đồng Tý khi thủy điện Thác Bà được xây dựng trên sông Chảy những năm 1970. Ban đầu khi mới về đây, ông cũng như những hộ khác đều xuất phát từ nghề nông và đánh bắt cá tôm trong lòng hồ. Sau bao năm bươn chải, cuộc sống khó khăn mà không có nhiều thay đổi, năm 2008, ông Thành cùng vợ là Lý Thị Sầu quyết định mở cửa ngôi nhà sàn ba gian của gia đình, đón khách du lịch đến theo mô hình du lịch cộng đồng, trở thành người đầu tiên áp dụng mô hình nghỉ tại nhà dân (homestay) ở Đồng Tý.
Ba việc đầu tiên được ông đầu tư khi mở homestay là xây mới công trình vệ sinh; mua thêm chăn, gối đệm mới và cuốc thêm đất vườn trồng rau sạch, nuôi gà, lợn, thả cá. “Người Dao trọng chữ tình, chữ tín, quý mến bạn bè nên lúc nào trong suy nghĩ mình cũng phải tiếp đón khách như chính bạn bè, người thân”, ông luôn đối với khách bằng sự chân thành, nên khách đến với homestay của ông một lần, người này lại giới thiệu cho người khác, cứ thế đã hơn mười năm nay đủ khẳng định thương hiệu “Thành Sầu” - ghép tên hai vợ chồng mà thành, dù không cần quảng cáo nhiều.
“Tiếng lành đồn xa”, gia đình Thành - Sầu được nhiều người biết đến. Nhận thấy nếu chỉ đến để ngắm cảnh, ở nhà sàn thì chưa đủ sức hấp dẫn để giữ chân du khách, ông vận động bà con thành lập đội văn nghệ thôn Đồng Tý, phục dựng lễ Cấp sắc của đồng bào Dao thành những tiết mục ngắn, có thể diễn xướng và truyền tải ý nghĩa, cái hay, cái đẹp cho đông đảo người xem. Đội văn nghệ biểu diễn các bài hát Dao, nhảy sạp, đàn hát giao lưu giúp du khách đến gần hơn với những nét văn hóa độc đáo của người Dao.
Từ thành công của các hộ gia đình làm du lịch nhỏ lẻ, năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp UBND tỉnh Yên Bái triển khai đề tài nghiên cứu, đánh giá thực trạng và đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả loại hình du lịch nghỉ nhà dân tại vùng đông hồ Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Cùng bắt tay với hơn 100 hộ trong thôn, tỉnh hỗ trợ đặt biển chỉ dẫn, đa dạng các hoạt động du lịch khám phá, phát quang đường sá, dọn vệ sinh môi trường để thu hút khách du lịch. Từ đó đến nay, hàng chục nghìn lượt khách đến vùng đông hồ Thác Bà, nơi đây trở thành một điểm đến hấp dẫn của Yên Bái. Tháng 4 năm ngoái, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Thác Bà đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án quy hoạch mang lại làn gió mới với hy vọng đưa đời sống nhân dân nâng cao hơn.
Năm 2006, ông Thành được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng thôn. Năm 2009, ông lần đầu được tặng bằng khen làm kinh tế giỏi của Hội nông dân và sau này còn nhiều bằng khen, chứng nhận khác. Nhưng có một thứ chứng nhận không ghi trên giấy mà ông tự hào hơn cả, đó là tình cảm nồng hậu và bạn bè khắp nơi mà ông được quen biết từ ngày mở homestay. Ông từng đón rất nhiều du khách châu Âu, từ những nước mà mới nghe tên ông còn xa lạ như Pháp, Bỉ, Thụy Điển... và giờ khi cơ sở lưu trú đã có tiếng thì lượng khách nước ngoài tìm đến ông đông dần lên theo thời gian. Nhờ vậy Trưởng thôn Tướng Văn Thành đã mua thêm một ngôi nhà sàn ba gian, sức chứa cả vài chục người.
“Đó là lúc mình thay đổi suy nghĩ nhiều lắm, phải đi nhiều mới biết nhiều, học hỏi được cái hay, cái mới. Mình cũng đi Hà Nội nhiều lần, xuống đó gọi điện có người quen đón chở đi thăm thú, học các món ăn, cách làm hay về để làm homestay”, ông chia sẻ về quyết tâm ở thời điểm cất thêm gian nhà sàn mới. Từ hai bàn tay trắng cùng tinh thần ham học hỏi, người đàn ông Dao ở tuổi 40 đã thành công, trở thành một điển hình kinh tế giỏi ở địa phương. “Không có gì đặc biệt đâu, bà con ở đây ai cũng thế, đón khách đến bằng thực lòng của người Dao, nhiều người đến năm này, năm sau lại dẫn thêm bạn bè đến, năm sau lại có thêm bạn bè của bạn bè”, đó là “bí kíp” ông chủ homestay Thành Sầu bật mí cho chúng tôi.
Thế hệ thứ hai bên lòng hồ
Ngày mở homestay khi hai con còn nhỏ, đến nay con gái, con trai của họ đều đã dựng vợ, gả chồng. Tướng Văn Hiệp là con trai của Trưởng thôn Tướng Văn Thành. Sáu năm trước, tôi gặp Hiệp khi em mới học phổ thông, còn bẽn lẽn đứng ra chào khách. Cậu trai bản ngày nào nay đã có vợ, vợ em là Lý Nam, cô gái nhanh nhẹn và xinh đẹp như mọi phụ nữ người Dao. Vừa nấu ăn trong bếp, Hiệp khoe rằng em đang đi ở rể nhà vợ theo tục của người Dao, gọi là “tzấu làng”. Theo phong tục của đồng bào Dao, ở rể là điều may mắn, là phúc lớn của gia đình khi đón được chàng trai về ở rể là thành viên chính của gia đình.
Chưa có việc làm, Hiệp cũng còn nhiều trăn trở: “Em ở với bố mẹ vợ làm việc bố mẹ giao, khi nào nhà bên này có việc mới về. Người dân ở đây chủ yếu vẫn làm nông, cấy lúa, chăn nuôi. Còn em muốn mời thêm nhiều khách du lịch đến đây để có nhiều việc làm, hai vợ chồng mới cưới còn khó khăn lắm, có việc làm mới có thêm thu nhập”. Khi có khách, Hiệp đưa khách đi ngắm cảnh lòng hồ. Chiếc thuyền sắt chở được 30 khách đóng mất hơn 40 triệu đồng, là tài sản của gia đình để phục vụ du khách tham quan. Không cứ là khách trong nước, người nước ngoài đã đến Yên Bái đều thích thú với cảnh quan bình yên, xanh trong của vùng. Nước hồ xanh biếc, trong lòng hồ bà con đặt lưới nuôi cá, tôm cải thiện. Với diện tích hơn 15.900 ha, hồ Thác Bà còn có hơn 1.300 đảo nổi lớn nhỏ.
Từ năm 2001, tỉnh thực hiện dự án trồng cây tràm Úc phủ xanh các đảo nổi trong lòng hồ. Theo đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái, đây cũng là nơi cá tôm về trú ngụ, sinh sản vào mùa nước dâng, các loại cò và chim chóc từ khắp nơi cũng kéo về đây sinh sống, hình thành hệ sinh thái đa dạng. Nhờ đó các rừng tràm trên đảo nổi trở thành địa điểm cắm trại trải nghiệm được du khách hết sức thích thú. Tuy nhiên, việc khai thác du lịch hồ Thác Bà còn hạn chế, chưa có nhiều sự kiện, hoạt động để tăng giá trị, tăng thu nhập cho bà con.
Nhà nghiên cứu xã hội người Anh Lisa Garsson hiện làm việc ở Hà Nội bày tỏ niềm yêu thích với các nét văn hóa độc đáo của người Dao ở Yên Bái. “Họ nấu những món ăn ngon và luôn ăn tối cùng chúng tôi. Đoàn chúng tôi có 28 người, Hiệp đã đưa chúng tôi đến một hòn đảo tuyệt đẹp trên hồ để bơi lội. Chỉ tiếc là tôi còn muốn trò chuyện nhiều hơn với mọi người trong làng nhưng gặp khó khăn vì ngôn ngữ khác biệt. Nếu nói được ngoại ngữ như người thiểu số ở vùng Sa Pa (Lào Cai)… trẻ em ở đây sẽ có được cơ hội việc làm tốt hơn với mô hình độc đáo như thế này”, Lisa nói.
Lời của Lisa làm tôi nhớ đến Hương Dự, em bé người Dao 13 tuổi có giọng hát trong như nước lòng hồ. Hương Dự là một trong những thành viên của đội văn nghệ đã thu hút sự chú ý của mọi người trong buổi tối giao lưu đốt lửa trại. Em kể, từ những buổi đi hát cùng các cô, các chị đội văn nghệ, từ đó tiếng hát em được nhiều người biết đến, em còn được mời tham gia hội thi hát ở huyện, ở tỉnh. Dự còn nói: “Em thuộc nhiều bài hát lắm nhưng vẫn thích học tiếng Anh và hát bài hát tiếng Anh. Nhiều em bé Hà Nội lên đây hát tiếng Anh rất giỏi, em thích lắm”.
Cách đây sáu năm khi đến nhà sàn Thành Sầu, câu chuyện bên mâm cơm chiều của chúng tôi xoay quanh băn khoăn của ông Thành khi ông muốn xuống Hà Nội học hỏi thêm các mô hình mới. Còn nay, cầm smartphone nhưng chưa biết cách làm sao để liên lạc với những người khách từng đến nghỉ nhà sàn, hai cha con đều muốn có thể đưa nhà sàn Thành Sầu, thôn Đồng Tý được định vị trên bản đồ google map, vừa để nhiều người biết đến, vừa để chỉ đường cho các đoàn khách dễ dàng tìm đến nơi. Ngoại ngữ để giao tiếp và công nghệ thông tin để kết nối, là những điều hai thế hệ làm du lịch nơi đây đang cần hỗ trợ, để phát huy lợi thế du lịch của viên ngọc hồ Thác Bà.