Người có duyên với du lịch đường sông

“Khách nước ngoài mê vùng sông nước TP Hồ Chí Minh và dòng Mê Công, họ luôn nhớ sẵn trong đầu khi qua du lịch Việt Nam. Du lịch đường sông hoàn toàn dựa vào “nguồn vốn tự nhiên”, là cấu trúc, vẻ đẹp thơ mộng, hiền hòa của các dòng sông, đời sống văn hóa của người dân, di tích lịch sử ven sông. Tôi chỉ khéo léo “chiều” khách trong cách ứng xử, kể tường tận những câu chuyện của ông bà mình để lại cho họ nghe. Thế là “ăn” trọn gói luôn”.
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh.
Bà Liêu Thị Mỹ Hạnh.

Đó là đoạn mở đầu chia sẻ của bà Liêu Thị Mỹ Hạnh, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Les Rives, TP Hồ Chí Minh, hoạt động lĩnh vực du lịch lữ hành quốc tế, lấy đường sông ở TP Hồ Chí Minh và một số tuyến ở Đồng bằng sông Cửu Long làm chủ lực. Bà Hạnh tâm sự: “Làm du lịch đường sông có cái khó của nó, chỉ cần gãy một lá chân vịt, phải thay mới trị giá 130 triệu đồng, thay máy mới là 600 triệu đồng. Địa hình trên sông có vô vàn chướng ngại vật có thể va vào bất cứ lúc nào. Đợt dịch Covid-19, đội ca-nô ngưng hoạt động, nhưng tiền tỷ phải chi ra. Em là phận nữ “trôi” theo những dòng sông để phát triển, cũng tâm tư lắm đó”.

Những vị khách đặc biệt

Như đã hẹn, 7 giờ sáng tôi có mặt tại bến tàu Bạch Đằng, Quận 1, TP Hồ Chí Minh để đi theo ca-nô với bà Hạnh. Quan sát thấy nhiều đoàn khách du lịch quốc tế bước xuống bến tàu, nhìn bề ngoài có vẻ giàu có. “Khách đi đường sông đủ các nước trên thế giới, nhiều nhất vẫn là khách đến từ châu Âu, Mỹ, Canada, Australia. Nhóm khách “Tây ba-lô” ít khi tham gia tuyến này, vì chi phí hơi cao, từ 2 - 3,2 triệu đồng/người”, ông Cù Văn Anh, với kinh nghiệm 28 năm làm thuyền trưởng lái ca-nô đường sông chia sẻ khi chưa rời cảng.

Công ty Les Rives chở khách du lịch bằng đường sông thăm địa đạo Củ Chi và một số điểm quanh thành phố, xa hơn chút đỉnh thăm Khu sinh quyển Cần Giờ, tuyến xa xuống Long An, Tiền Giang, Bến Tre… Ông Anh giới thiệu tiếp: “Sáng hôm nay, anh sẽ được đi xuyên tỉnh với nhóm khách, ca-nô sẽ lướt qua dòng “Mê Công con” đến “Mê Công mẹ” (sông nhỏ, lớn) ghé vô chợ nổi Tân Phong, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, coi mấy “anh hai” làm du lịch xứ miệt vườn. Chờ đón đoàn khách châu Âu đi du lịch bằng tàu lớn bên Campuchia sang, chở về thành phố”.

Ngồi trên ca-nô có một hướng dẫn viên du lịch quốc tế, xếp hạng kỳ cựu và thầy của hàng trăm hướng dẫn viên du lịch. Ca-nô chạy gần đến bến Nhà Rồng, anh hướng dẫn giới thiệu: “Đây là bến cảng ghi dấu năm 1911, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bước chân lên chiếc tàu vận tải làm phụ bếp để sang Pháp, hành trình bôn ba khắp thế giới tìm đường cứu nước. Những dãy nhà kho đầu xa kia được xây dựng từ thời kỳ Pháp thuộc, bây giờ vẫn còn giữ nguyên. Hệ thống cảng ở đây quá nhỏ, không đủ sức “gánh” một thành phố năng động, đầu tàu kinh tế cả nước Việt Nam. Tàu lớn đã chuyển về cảng Hiệp Phước và Cái Mép - Thị Vải…”.

Vừa vi vu sông nước, vừa được nghe câu chuyện lịch sử, vừa nhìn thấy toàn cảnh hiện vật, khách Tây rất hào hứng. Bà Hạnh kể: “Có những lần “bí mật” đón thái tử, bộ trưởng, tỷ phú ở vùng Trung Đông, nổi tiếng xứ dầu mỏ, họ chỉ đi du lịch bình thường. Trước khi đi, người của đại sứ quán của họ xuống gặp tôi đưa ra vấn đề: tuyệt đối không được tiết lộ thông tin cho báo chí biết. Nói thật lòng, tôi rất có cảm xúc được phục vụ những vị khách này ngay chính trên dòng sông quê hương mình”.

Người có duyên với du lịch đường sông ảnh 1

Khách du lịch quốc tế du ngoạn trên sông Sài Gòn.

“Điểm huyệt” tăng trưởng doanh thu

Cô gái trẻ Liêu Thị Mỹ Hạnh, quê miệt vườn Bến Tre, năm 1995, đặt chân đến đô thị phồn hoa Sài Gòn để học đại học, ra trường gắn bó với ngành dệt may khá lâu. Đùng một cái, có người nước ngoài mời về hợp tác làm du lịch đường sông ở đô thị lớn, giữ chức vụ giám đốc công ty. Quá áp lực với công việc mới toanh, toàn giao dịch quốc tế. Hạnh đã chủ động đề nghị không nhận lương 2 tháng đầu tiên, coi như thử việc. Với ý chí, đam mê, Hạnh nỗ lực học hỏi, tìm kiếm thị trường, quan hệ tốt với mọi người. Lúc mới hoạt động công ty chỉ có 2 chiếc ca-nô nhỏ, nữ giám đốc đã khéo léo vượt qua trở ngại ban đầu, tạo được tăng trưởng tốt.

“Cứ 2 tháng đóng mới thêm chiếc ca-nô từ tăng doanh thu, không mấy chốc công ty có 17 chiếc, trong đó có mấy chiếc thế hệ mới trị giá 4 tỷ đồng/chiếc. Ban đêm tôi phải đi học thêm tiếng Anh, rồi sang Thailand học thạc sĩ chuyên Quản trị du lịch nhà hàng khách sạn do Trường đại học Bangkok cấp bằng. Năm 2023, công ty đã đón 16 nghìn khách, năm 2024, dự kiến sẽ đón 28 nghìn khách. Với đà này, năm 2025 sẽ tăng trưởng 25% so năm nay”, bà Hạnh tóm tắt “vạn sự khởi đầu nan” và kinh doanh thuận lợi.

Thành tích của một công ty đón khách quốc tế sử dụng dịch vụ đắt tiền trên sông nước TP Hồ Chí Minh như thế này, là cả chuỗi câu chuyện đầy tính nhân văn. Bà Hạnh áp dụng vận hành công ty, từ giám đốc đến thuyền trưởng lái ca-nô, hướng dẫn viên… đều phải thật sự đoàn kết, yêu thương lẫn nhau bằng những hành động cụ thể. “Công ty hoạt động lĩnh vực dịch vụ, phân khúc thị trường khách chính là châu Âu, Mỹ, Canada, Australia… Cụ thể hơn nữa là khách có khả năng chi tiêu cao. Khách bước chân xuống ca-nô sẽ cảm thấy được phục vụ một cách chuyên nghiệp nhất, mọi hành động, cử chỉ toát lên tình người, chạm đến trái tim của du khách, thì mới ok”, bà Hạnh chia sẻ.

“Bắt khách” rất giỏi

Ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Du Ngoạn Việt và Công ty Tân Hồng (TP Hồ Chí Minh) đánh giá về bà Hạnh: “Tôi làm du lịch hơn 40 năm, những năm gần đây công ty tôi đấu thầu trực tiếp với các hãng tàu du lịch biển thế giới, để giành quyền đưa đón khách tại các cảng biển Việt Nam. Thấy em Hạnh làm du lịch và “bắt khách” rất giỏi, lượng khách quốc tế đến với công ty sử dụng du lịch đường sông ở TP Hồ Chí Minh và cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long, gần như có quanh năm, doanh thu cao. Hiện nay, du lịch đường sông chưa có công ty nào lớn mạnh và làm ăn chuyên nghiệp như công ty của Hạnh”.

Theo “triết lý” của bà Hạnh, phục vụ “chạm đến trái tim” của khách là một hành trình không dễ dàng chút nào, đòi hỏi tập thể công ty phải kiên trì thực hiện dài lâu. Chính những vị khách đã được phục vụ tốt, về đất nước họ sẽ kể chuyện cho bạn bè, người thân của họ về những giá trị văn hóa, di tích lịch sử, đời sống người dân, cung cách phục vụ của công ty du lịch… Bà Hạnh tâm sự: “Thông thường những vị khách giàu có chẳng có thời gian đâu mà đi viết bình luận, cảm nhận ở trang điện tử của công ty tôi. Nhưng vì chúng tôi phục vụ “chạm đến trái tim”, họ xúc động đã bỏ thời gian viết bình luận rất dài, kể tỉ mỉ giống như một phóng viên mô tả cả hành trình. Những người khách khác đọc lại những bình luận của khách đi trước, thế là họ đặt chỗ cho hành trình sang Việt Nam du lịch. “Điểm huyệt” tăng trưởng doanh thu nó nằm ở chỗ này”.

Một nguyên tắc “vàng” là không để cho khách buồn và bực bội khi đang du ngoạn trên sông nước. Người hướng dẫn viên du lịch, phục vụ trên ca nô luôn để ý tất cả khách, sẵn sàng đến hỏi ngay: “Ông, bà cần cái gì để chúng tôi phục vụ”. Đôi khi có những vị khách “tính trẻ con”, tị nạnh, họ nhìn thấy hành động gì đó của người khách ở bên cạnh, sinh ra khó chịu. Người phục vụ phải tinh tế cư xử khéo léo để thuận lòng, vui vẻ với mọi người đi suốt hành trình. Trường hợp “khó quá” không giải quyết được, nhắn tin báo ngay cho giám đốc công ty hoặc điều hành ở cảng biết. Tàu vừa cập cầu đã có chuyên gia hòa giải chờ sẵn đón khách, có thể tách đoàn cho đi xe riêng để có thời gian tìm ra nguyên nhân mấu chốt của vấn đề và hóa giải ngay lập tức.

Bà Hạnh đưa ra cam kết với khách du lịch, dù chỉ 1 khách cũng cho ca-nô xuất bến chạy theo lịch trình khách đã mua: “Mình phải có cam kết chắc như “đinh đóng cột” với khách, rồi các thức ăn nhẹ trên ca-nô cũng cam kết do công ty tự tổ chức làm lấy, an toàn thực phẩm, mang tính đậm chất miền quê. Kiểu như thế này mấy khách Tây thích thưởng thức, ăn vô là ghiền ngay. Mạng xã hội đầy rẫy, họ cứ đăng hình ảnh lên tua tủa, vô tình là kênh quảng cáo hiệu quả cho công ty mình”.