Thắng cảnh nổi bật hàng đầu của Trùng Khánh mà chắc chắn ai đến đây cũng sẽ không bỏ qua là thác Bản Giốc (xã Đàm Thủy), nằm giữa biên giới Việt Nam - Trung Quốc. Bản Giốc đẹp hùng vĩ và xanh mát quanh năm, vào mùa thu được tô điểm thêm với những sóng lúa vàng óng ả. Sông Quây Sơn uốn lượn in bóng trời xanh mây trắng, núi non trùng điệp và làng mạc yên bình nên thơ. Khoảng cuối tháng 10, những vườn dẻ xanh um ở các xã Chí Viễn, Đình Phong, Phong Châu, Khâm Thành, Ngọc Khê... bắt đầu chín rộ và cũng là lúc rộn ràng các tour nhặt hạt dẻ. Trên tuyến đường từ thị trấn Trùng Khánh đến thác Bản Giốc có hàng chục vườn dẻ mở cửa đón khách vãn cảnh, xem thu hoạch hạt dẻ, chụp ảnh, thưởng thức món ăn từ hạt dẻ. Hạt dẻ khá phổ biến ở miền xuôi, song không nhiều người biết rằng thức quà nhỏ nhắn tròn trịa ấy sinh trưởng trên những cây thân gỗ cao thẳng tắp, tán xòe rộng, có những cổ thụ thân vài người ôm mới xuể. Lúc còn xanh, quả dẻ có lớp vỏ ngoài xù xì như quả chôm chôm, khi chín vỏ sẽ ngả mầu vàng cháy. Cách thu hoạch cũng thú vị, quả dẻ chín sẽ tự rụng xuống đất, hoặc chủ vườn dùng sào tre móc cành rung cho quả rụng, rồi mới đi nhặt những trái đã nứt lộ hạt dẻ nâu sậm, bóng bẩy. Hạt dẻ Trùng Khánh nổi tiếng to đều, ngọt, ngậy, róc vỏ nhờ hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Trong tiết thu dịu mát, mỗi người tự tay nhặt hạt dẻ rồi tự nướng tại vườn, nếm vị bùi thơm và nóng hổi sẽ là giây phút tận hưởng đầy cảm xúc. Ngoài hạt dẻ nướng, người Cao Bằng còn chế biến hạt dẻ Trùng Khánh thành bánh hạt dẻ, cốm hạt dẻ, chân giò hầm hạt dẻ, rượu hạt dẻ... và nhiều món ngon độc đáo khác.
Chuyến du ngoạn Trùng Khánh mùa thu còn có thể nối dài bằng nhiều điểm tham quan hấp dẫn như động Ngườm Ngao, hồ Bản Viết, làng đá cổ Khuổi Ky, cánh đồng xã Phong Nậm, khu bảo tồn vượn Cao Vít, thác Thoong Cót, thác Cò Là... với vẻ đẹp non nước hữu tình và bản sắc văn hóa dân tộc Tày, Nùng đặc trưng.