Thương về Ngã Bảy

Thành phố Ngã Bảy (tỉnh Hậu Giang) mới hình thành chừng 5 năm nay. Nhưng khu vực phố xá Phụng Hiệp (thị trấn của Cần Thơ cũ), nơi khai sinh thành phố này lại có từ lâu đời. Khi nói tới Phụng Hiệp là ai cũng nhớ đến chợ nổi Ngã Bảy. Người dân miền tây đều thuộc câu hò: “Gặp em Ngã Bảy ơ hò/Dòng sông bảy ngã tìm em ngả nào”. Vì thế thành phố Ngã Bảy được thành lập trên đầu mối bảy con sông và giữ nguyên tên chợ như một dấu ấn không thể quên.
Hoạt cảnh “Tình anh bán chiếu” trong đêm lễ hội TP Ngã Bảy.
Hoạt cảnh “Tình anh bán chiếu” trong đêm lễ hội TP Ngã Bảy.

Sông Ngã Bảy chảy về bảy ngã

Vùng đất Ngã Bảy có Quốc lộ 1A và dòng sông Cái Côn cùng đi qua chính giữa thành phố. Vùng sông nước lắm cá tôm nhưng cũng từng đầy hiểm nguy và rủi ro với thiên tai, cướp bóc. Khi con sông Cái Côn được đào dẫn nước từ Hậu Giang dẫn vào mới đem lại một hơi thở mới cho cuộc khai hoang nơi này. Đặc biệt sau đó người ta cho đào thêm những phân lưu dòng chảy lấy nước ngọt từ sông Côn đưa về đồng ruộng. Để nối thông đường thủy với các tỉnh, 7 con kênh được mở rộng cho thuyền bè đi lại. Hầu hết những con kênh này đều nằm xen kẽ nối với sông Cái Côn trên đất làng Phụng Hiệp (chính là quận Phụng Hiệp xưa). Thời đó giao thông chính vùng Đồng bằng sông Cửu Long đều là đường thủy. Xa nhất là đường sông (kênh Quan Lộ) từ Ngã Bảy dẫn về tận TP Cà Mau (dài 140 km). Một số kênh khác dẫn về Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, và Rạch Giá cùng dài từ 40 tới 60 cây số.

Chính vì thế người Pháp đã đặt tên cho thị xã Phụng Hiệp ngày đó là “Kinh đô sông nước” hay là thành phố “Ngôi sao” bởi có công trình đường thủy dọc ngang lớn nhất vùng miền Tây Nam Bộ. Công trình bảy sông với bảy ngã về các tỉnh đã được hoàn thành năm 1915. Đây cũng chính là thời gian tính mốc cho sự hình thành chợ nổi Ngã Bảy tại đây. Hệ thống sông nước ở Phụng Hiệp khai mở nếp sống văn hóa thương hồ trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Đặc biệt là sinh hoạt đờn ca tài tử. Những đoàn thuyền chở nông sản khắp nơi về đây họp thành chợ sớm nhất so nhiều nơi. Mỗi khi triều lên sông nước mênh mang điệp trùng sóng vỗ tạo nên cảnh quan bến sông kẻ chợ ngày đêm: “Sông Tiền sông Hậu cùng nguồn/Thuyền bè tấp nập bán buôn dập dìu”. Càng ngày chợ càng lớn và được mở rộng tới cả nghìn thương hồ tạo nên chợ đầu mối cho các huyện trong tỉnh. Nhiều đêm các thuyền bè phải dừng chân tại bến sông Ngã Bảy đợi khi nào bán hết hàng mới rời đi. Người dân quanh vùng Phụng Hiệp như Đại Thành và Tân Thành cũng ăn theo khi tham gia buôn bán và làm dịch vụ thương hồ.

Vậy cũng đã hơn trăm năm vật vã mưu sinh trên sông nước dân thương hồ gắn bó cuộc đời với ngọn nguồn sông Hậu. Không chỉ riêng việc kiếm đồng tiền bát gạo mà còn mối quan hệ giữa thương hồ với người dân Phụng Hiệp cũng trở nên gắn bó. Những mối tình đã nảy sinh và Ngã Bảy còn là nơi hò hẹn, đợi chờ của những chàng trai cô gái. Câu hò điệu hát đã gửi trao qua tháng ngày thương nhớ: “Hẹn em chỉ một bến yêu/Bảy sông, Bảy Ngã, bảy chiều gió bay/Thuyền anh vượt xoáy nước đầy/Tìm em nghiêng sóng vững tay căng buồm” (Mai Đỗ). Cùng với chợ nổi, thành phố cũng đã hình thành một chợ lớn (trên bờ sông) tạo nên cảnh quan một chợ đầu mối sầm uất khắp các vùng. Đồng thời Ngã Bảy chính là trung tâm giao thông đường bộ quan trọng với trục đường 1A đi qua thành phố.

Thương về Ngã Bảy ảnh 1

Hình ảnh thành phố Ngã Bảy.

Vẫn còn đó Ngã Bảy với “Tình anh bán chiếu”

Chúng tôi đứng trên cầu Phụng Hiệp nhìn về khu chợ nổi mới đang chìm trong bóng mây trôi cùng những cánh hoa lục bình tím ngắt. Những con thuyền nơi bến cũ ghếch mái chèo buồn tênh như một lời chào dè dặt trong nỗi niềm ẩn giấu. Mọi điều hiện lên ánh mắt của người hướng dẫn viên. Cô nói chính ngôi chợ lớn Ngã Bảy trên bờ sông đã tạo nên gương mặt mới cho thành phố làm lu mờ hình ảnh chợ nổi Phụng Hiệp bấy lâu nay. Chợ nổi Ngã Bảy đã dịch chuyển về khu mới trên sông Cái Côn cách xa thành phố chừng ba cây số. Nhưng du khách lại luôn có sự háo hức trở lại 7 nhánh sông của thành phố hình ngôi sao này. Bởi chính nơi đây đã gắn bó với hình ảnh hàng trăm thuyền hàng tấp nập ngày đêm và đặc biệt là câu chuyện ra đời của bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu”. Bản vọng cổ này nổi tiếng với giọng hát của NSND Út Trà Ôn cùng với dòng sông Phụng Hiệp và Ngã Bảy thân thương. Cũng đã gần 70 năm qua mỗi khi nói tới những bờ kinh Ngã Bảy là ai cũng nhớ tới chuyện tình anh bán chiếu sáng tác của ông tổ cải lương Viễn Châu (1924-2016).

Chúng tôi được dẫn tới xóm Rẫy nơi diễn biến của câu chuyện tình bên sông. Có biển chỉ dẫn nói về một doi cát mà tác giả Viễn Châu đã đi thuyền từ Cà Mau về đây dừng chân bên chợ nổi. Ông viết câu chuyện về một cô gái xinh đẹp trên bờ kinh Ngã Bảy với anh bán chiếu ở Cà Mau đưa hàng lên chợ nổi. Anh bán chiếu mang lòng tương tư cô gái khi nhận lời dệt chiếu hoa cho người mình yêu. Nhưng khi chiếu dệt xong cô gái đã đi lấy chồng để lại nỗi muộn sầu tê tái cho anh chàng bán chiếu. Lời ca vọng thể hiện nỗi lòng vương vấn của người bán chiếu khi mối tình đã đem lại sự khổ đau cho mình. Thực ra đây là câu chuyện tưởng tượng của tác giả Viễn Châu khi ông nhìn thấy một người đàn ông ôm đôi chiếu hoa nhìn theo hình bóng cô dâu trong một lễ cưới đang diễn ra trên sông. Đôi mắt người bán chiếu có nỗi buồn u ám tâm can trên gương mặt ngỡ ngàng. Vậy là người nghệ sĩ đã trổ những câu cải lương đầu tiên trên kênh Ngã Bảy. Với giọng điệu tự sự qua 6 câu vọng cổ, tác giả kể lại câu chuyện tình đơn phương đẫm nước mắt này.

Sau này có dịp, tác giả Viễn Châu tâm sự, bản vọng cổ “Tình anh bán chiếu” là một sáng tác kịp thời để trả nợ theo hợp đồng với hãng đĩa Hoa Hồng. Họ đặt ông viết một bản vọng cổ mới độc quyền riêng cho nghệ sĩ cải lương trẻ Út Trà Ôn mới nổi khi đó (1959). Quả nhiên, ngay lập tức nghệ sĩ Út Trà Ôn đoạt giải nhất trong cuộc thi và bản vọng cổ này được liên tục phát trên đài trong nhiều năm. Sau này hàng chục nghệ sĩ cải lương nổi tiếng qua các thế hệ đều thể hiện tài năng diễn xuất qua “Tình anh bán chiếu”. Cũng chính từ bản cải lương này mà phong trào đờn ca tài tử của thành phố Ngã Bảy liên tục phát triển.

Có thể nói tới nay, người dân Phụng Hiệp ai cũng có thể lên dây đàn và cất lời ca: “Hỡi ôi con sông Phụng Hiệp chảy ra bảy ngã, thì lệ của tôi sao nó cũng lai láng tuôn dòng/Sông sâu bên lở, bên bồi/Tình anh bán chiếu trọn đời không phai”.

Bảy dòng ước hẹn

Mới đây, cuối tháng 6/2024, tỉnh Hậu Giang đã tổ chức một lễ hội tại thành phố Ngã Bảy với chủ đề “Những dòng sông nhớ”. Đó là những “Ngày hội du lịch và xúc tiến đầu tư” cho thành phố “Ngôi sao” này. Đặc biệt chương trình nghệ thuật đã lấy chủ đề “Tình anh bán chiếu” được tổ chức quy mô như một điểm nhấn cho lễ hội. Có lẽ hai chữ “Ngôi sao” và “Tình anh bán chiếu” đáng được tôn vinh là thương hiệu của thành phố Ngã Bảy. Đồng thời lễ hội cũng là dịp để chào mừng kỷ niệm 20 năm thành lập thị xã và 5 năm công nhận thành phố. Tuy nhiên niềm tự hào lại được đóng đinh cho mảnh đất này nhân dịp 110 năm hình thành vùng đất Ngã Bảy. Đó chính là những dòng sông nhớ bảy ngã yêu thương của những người con quê hương Hậu Giang.

Trong kế hoạch ít năm tới Hậu Giang sẽ chuyển vị trí chợ nổi Ngã Bảy trở lại chốn cũ, tại rốn giao lưu giữa các kênh kế bên trung tâm thành phố. Đường phố được mở rộng và những khu nhà cao tầng đang hình thành nhưng ánh sáng văn hóa trăm năm vẫn còn đó luôn soi sáng cho hiện tại. Những câu hò sông nước cùng những bản đờn ca tài tử trong những ngôi nhà vườn đầy hoa trái sẽ là nòng cốt cho nền tảng du lịch nơi Ngã Bảy. Hình ảnh: “Tôi vác đôi chiếu bông từ dưới ghe lên xóm Rẫy/Chiếc áo nhuộm bùn đã lấm tấm giọt mồ hôi” (hoạt cảnh diễn trong đêm lễ hội) vẫn như đang hiển hiện trên kênh Cái Côn. Dòng sông nhớ ấy sẽ tồn tại với thời gian và là ánh sáng cho thành phố Ngã Bảy hình “Ngôi sao” rực rỡ.