10 buổi trải nghiệm chuyên sâu và miễn phí là nỗ lực của chuyên gia nghiên cứu và bảo tồn linh trưởng Bùi Văn Tuấn - tay máy có tiếng trong giới nhiếp ảnh động vật hoang dã, với nghệ danh Tuấn Ba Gấu, cùng các cộng sự. Họ thành lập công ty lữ hành HiVOOC chuyên tour sinh thái với mục tiêu tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng, góp phần nâng cao giá trị tài nguyên thiên nhiên Việt Nam và quảng bá ra thế giới.
Voọc ơi, mình đi đâu thế?
Là người đam mê thế giới tự nhiên đồng thời cũng là phụ huynh của hai bạn nhỏ, Giám đốc HiVOOC Bùi Văn Tuấn (sinh năm 1986) cho biết, chuỗi sự kiện lấy cảm hứng từ tên một chương trình truyền hình thực tế được đông đảo người xem yêu mến. “Voọc ơi, mình đi đâu thế?” hướng đến sự kết nối và tương tác giữa cha mẹ và con cái, giữa khách du lịch và khoa học gia, giữa con người và thiên nhiên… qua hành trình theo dấu các cá thể voọc chà vá chân nâu Sơn Trà.
Voọc chà vá chân nâu còn có tên gọi voọc ngũ sắc, voọc chà vá chân đỏ… là loài đặc hữu của vùng Đông Dương, chủ yếu phân bố ở Việt Nam, Lào và một phần nhỏ đông bắc Campuchia. Tại Việt Nam, bán đảo Sơn Trà được xem là nơi có quần thể lớn, dễ quan sát nhất trên thế giới với số lượng khoảng 1.300 cá thể voọc. Mầu sắc nổi bật, dáng vẻ dễ thương khiến voọc chà vá chân nâu được mệnh danh “nữ hoàng linh trưởng”. Anh Tuấn chia sẻ thêm, voọc chà vá chân nâu chỉ ăn thực vật, tính hiền lành và thân thiện, thường sống theo từng gia đình nhỏ, tận tụy chăm sóc con cái. Chúng ít khi kêu ồn ào như các loài khỉ, không hát vào mỗi buổi sáng như vượn và hiếm khi đánh nhau.
Là chuỗi hoạt động đặc thù và chuyên nghiệp nhưng “Voọc ơi, mình đi đâu thế?” được tổ chức hoàn toàn miễn phí. Bên cạnh đó, chương trình nhận được sự ủng hộ, đồng hành của Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng, Tổ chức bảo tồn thiên nhiên quốc tế LVDI cùng nhiều đối tác, nhà hảo tâm tại Đà Nẵng.
Chương trình đã đi đến số thứ 8 và buổi nào cũng là một kỷ niệm đẹp đẽ, khó quên đối với tất cả thành viên tham gia. Không chỉ các em nhỏ mà cả người lớn cũng ngạc nhiên, thích thú khi chứng kiến những khoảnh khắc hiếm thấy: voọc vắt vẻo trên cành nhai lá cây, hay gia đình voọc tung tăng chuyền cành qua đường mà không hề tránh né những “khán giả” tò mò xa lạ. Đồng hành cùng nhóm khách là các hướng dẫn viên đặc biệt, như chuyên gia người Pháp Jean Ramière, nhà nghiên cứu và tác giả nhiều cuốn sách về chim, thú hoang dã tại Pháp. Anh hiện sinh sống tại thành phố Hội An (Quảng Nam), tham gia một số dự án nghiên cứu khoa học và cứu hộ động vật hoang dã.
Trong khoảng 3 giờ đồng hồ, những bước chân nhẹ nhàng tản bộ trong mầu xanh mướt mát, lắng nghe những kiến thức, những câu chuyện của thiên nhiên qua cách kể hóm hỉnh, dễ hiểu của các chuyên gia và đội ngũ hỗ trợ. Dù địa bàn rất rộng, thời tiết biến đổi mỗi ngày, song du khách có thể “yên tâm” với tỷ lệ gặp voọc là 100%. HiVOOC có các cán bộ hiện trường như anh Nguyễn Hoàng, Nguyễn Hữu Thọ… là dân địa phương yêu núi rừng, yêu voọc, đam mê công việc dẫn khách đi ngắm voọc. Họ nắm được tập tính loài voọc, khảo sát và xác định địa điểm bầy voọc thường tụ tập, rồi hướng dẫn khách di chuyển cũng như quan sát sao cho ít tác động nhất đến môi trường tự nhiên. Các thiết bị như ống nhòm chuyên dụng, máy quay được trang bị để mọi người ngắm nhìn từ xa.
Chị Thân Thị Thư, một du khách trải nghiệm cho biết, dù đã lên Sơn Trà nhiều lần để hóng mát, dã ngoại, nhưng khi biết thêm những kiến thức bổ ích, cần thiết về đa dạng sinh học ở Sơn Trà thì chị và các bạn đều thấy thêm yêu và tự hào về quê hương. Theo thống kê, có tới hơn 1.300 loài thực vật, 500 loài động vật trên cạn và hơn 800 loài động vật biển ở Sơn Trà. Đây là con số rất đáng chú ý về sự đa dạng của khu bảo tồn thiên nhiên nằm giữa lòng thành phố du lịch sôi động hàng đầu miền trung. Chị Lê Thị Trang, một thành viên HiVOOC, bày tỏ niềm vui khi chương trình tạo được hiệu ứng mạnh mẽ chỉ sau vài buổi đầu tiên, thu hút hàng trăm gia đình ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế đăng ký tham dự.
Các gia đình tham gia một tour trải nghiệm thiên nhiên, ngắm voọc Sơn Trà. Ảnh: HiVOOC |
Đi để biết, biết để yêu
Gắn bó với Đà Nẵng, mê voọc lâu năm, anh Bùi Văn Tuấn cho rằng, các giá trị đa dạng sinh học của bán đảo Sơn Trà nói riêng, của nhiều khu bảo tồn thiên nhiên và vườn quốc gia khắp Việt Nam nói chung, cần được nâng tầm qua các dịch vụ du lịch và giáo dục phù hợp, tạo nguồn lực lâu dài cho hoạt động bảo tồn. 17 năm qua, với chuyên môn Thạc sĩ Sinh thái học, anh Tuấn tham gia hàng trăm dự án nghiên cứu, bảo tồn các quần thể linh trưởng quý hiếm. Tại Đà Nẵng, hơn 10 năm trước, anh là một trong những tình nguyện viên tiên phong làm cầu dây cho voọc chà vá chân nâu Sơn Trà. Đó là những sợi dây nối từ tán rừng này sang tán rừng khác, giúp các cá thể voọc đi qua đường giao thông một cách an toàn.
Trước dịch Covid-19, Bùi Văn Tuấn làm tour du lịch chụp ảnh voọc Việt Nam và đón lượng khách đáng kể là chuyên gia, nhiếp ảnh gia, nhà quay phim người nước ngoài. Tour bắt đầu từ ngắm voọc đầu trắng ở đảo Cát Bà (Hải Phòng), đến voọc quần đùi trắng ở Ninh Bình, sau đó tới voọc xám Nghệ An, rồi voọc gáy trắng Phong Nha-Kẻ Bàng (Quảng Bình), thăm voọc chà vá chân nâu Sơn Trà (Đà Nẵng) xong là đến voọc chà vá chân xám Quảng Nam, cuối cùng tour kết thúc với loài voọc bạc Đông Dương ở Kiên Giang. Biến cố dịch bệnh buộc tour du lịch độc đáo này tạm ngưng, song anh Tuấn vẫn không ngừng nghiên cứu cũng như đau đáu với ý tưởng mở tour tìm hiểu voọc Việt Nam dành cho du khách người Việt.
Ông Phan Minh Hải cũng cho biết thêm là ngành du lịch thành phố đã xây dựng đề án quản lý và khai thác bán đảo Sơn Trà trong đó có tour ngắm voọc kết hợp tour bảo vệ động thực vật, đồng thời xây dựng hình ảnh voọc chà vá chân nâu trở thành linh vật biểu tượng cho du lịch Đà Nẵng.
Sáng lập và điều hành HiVOOC như một doanh nghiệp dựa vào cộng đồng, anh Tuấn mời được nhiều chuyên gia uyên bác và tâm huyết cùng chung tay. Đó là chị Lê Thị Trang - chuyên gia giáo dục bảo tồn, anh Jean Ramière - chuyên gia về rắn và chim, anh Trần Ngọc Toàn - chuyên gia về thực vật… Mỗi số “Voọc ơi, mình đi đâu thế?” đều có từ 1-3 chuyên gia dẫn dắt, chia sẻ kiến thức từ thực tế, trả lời câu hỏi của khách, tổ chức các trò chơi nhỏ hoặc bài khảo sát. Thời gian tới, chương trình sẽ còn tiếp nhận thêm một số chuyên gia là giảng viên đại học, thành viên viện nghiên cứu hoặc tổ chức bảo tồn thiên nhiên. Bên cạnh loạt tour không thu phí, HiVOOC tổ chức cả các tour du lịch thông thường và đã phục vụ nhiều cơ quan, trường học, nhóm khách du lịch trong và ngoài nước có nhu cầu tham quan, tìm hiểu thiên nhiên. Có thể kể đến trong tháng 6 có hơn 40 gia đình từ Hà Nội đã tham gia workshop “Trải nghiệm Sơn Trà”. Tháng 7, 90 thanh, thiếu niên cũng từ Hà Nội đến tham gia “Voọc ơi, mình đi đâu thế?” phiên bản trại hè dã ngoại thu phí. Khách du lịch Đức, Hà Lan, Singapore… biết đến chương trình qua mạng xã hội, giới thiệu của bạn bè và tìm đến ngày càng nhiều. Lợi nhuận của các tour có trả phí này được trích lại cho Quỹ HiVOOC để tiếp tục thực hiện và lan tỏa các hoạt động giáo dục bảo tồn, đào tạo năng lực cho các thành viên mạng lưới bảo tồn.
Phó trưởng Ban quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng Phan Minh Hải đánh giá “Voọc ơi, mình đi đâu thế?” là chương trình bổ ích không chỉ cho lứa tuổi thanh niên, thiếu nhi mà cả những người trưởng thành, giúp người dân thêm hiểu biết và yêu Sơn Trà với nhiều giá trị quý giá cần được gìn giữ và phát huy. Yêu Sơn Trà, ông Hải phấn khởi khi nhiều khách đặt tour đến Sơn Trà ngắm động vật hoang dã, chụp ảnh voọc.
“Voọc ơi, mình đi đâu thế?” khép lại vào cuối tháng 8, song cũng mở ra những hướng đi đầy hy vọng. Anh Tuấn, chị Trang, anh Jean… cùng toàn thể ê kíp HiVOOC vẫn đang nỗ lực từng ngày để tận dụng kinh phí, điều chỉnh tour với nhiều trải nghiệm và cảm xúc hơn cho du khách, để nói đến thành phố biển Đà Nẵng là người ta nhớ ngay đến xứ sở của “nữ hoàng linh trưởng” voọc chà vá chân nâu. Họ cũng dự kiến vào mùa hè sang năm, cuộc phiêu lưu vào thế giới loài voọc sẽ được phát triển dài ngày hơn và phạm vi xa hơn, chẳng hạn như đi dọc các khu bảo tồn và vườn quốc gia trên cả nước.