Rú Chá mùa thay lá

Rú Chá là khu rừng ngập mặn duy nhất còn sót lại trong hệ thống đầm phá lớn nhất Đông Nam Á là phá Tam Giang - Cầu Hai (Thừa Thiên Huế). Từ cuối tháng 9 cho đến hết tháng 10 là mùa đẹp nhất trong năm ở khu rừng ngập mặn này bởi mùa thay lá, thu hút đông khách du lịch đến thưởng ngoạn khung cảnh thiên nhiên hoang sơ thơ mộng.
0:00 / 0:00
0:00
Rú Chá mùa thay lá

Cách trung tâm TP Huế khoảng 14 km về hướng đông, Rú Chá có diện tích khoảng 5 ha với chức năng ngăn mặn, bảo vệ nguồn lợi thủy sản và đất liền được xem như “lá phổi” xanh khu vực phía đông TP Huế. Theo giải thích của người dân, “rú” có nghĩa là rừng còn “chá” là loại cây đặc trưng nhất tại đây, chiếm đến hơn 90% diện tích. Thân cây chá bạc trơ gốc với đủ hình thù kỳ lạ là nét đặc trưng ở khu rừng ngập mặn này.

Những năm qua, rừng ngập mặn Rú Chá là điểm đến quen thuộc của nhiều du khách trong và ngoài nước, đặc biệt vào mùa thay lá. Đó là lúc lá toàn bộ cây chá ở nơi đây sẽ chuyển từ mầu xanh sang vàng đầy thơ mộng.

Thời điểm lý tưởng để ngắm rừng cây Rú Chá là vào lúc sáng sớm hoặc chiều tà. Nắng sớm mùa thu vừa lên hòa quyện vào sắc vàng của lá trên nền nước đẹp như một bức tranh thủy mặc. Đi dạo trên những con đường bê-tông uốn lượn xuyên qua khu rừng được bao bọc chung quanh bởi những bộ rễ với hình thù kỳ lạ, du khách sẽ có những trải nghiệm thú vị. Sau một chặng đi bộ dưới tán cây chá đan kín, leo từng bậc lên trên đỉnh của tháp canh là một vùng sông nước Tam Giang mênh mông hiện ra trước mắt. Rừng ngập mặn Rú Chá có một hệ sinh vật khá phong phú như cá, tôm, cua tạo điều kiện cho người dân nơi đây nuôi trồng thủy sản, khai thác, tạo kế sinh nhai.

Những ngày rừng cây Rú Chá chuyển mình, chuyển mầu cũng là những ngày mà người dân địa phương làm dịch vụ du lịch quanh đây kiếm được thêm thu nhập. Vợ chồng anh Vinh, chị Hạ, thường ngày chuyên nghề lưới cá nay chuyển qua chèo thuyền, kiêm cả “hướng dẫn” vì lượng khách đổ về tăng đột biến. Khách du lịch ghé đến đông khiến anh chị phải huy động cả gia đình phục vụ hậu cần cho khách. “Với khách trong nước thì tụi tui chèo thuyền chở đi chụp ảnh, phục vụ thức ăn nhẹ còn khách nước ngoài thì hướng dẫn họ bắt cá, dạy chèo thuyền và tìm hiểu về các loại cây nước lợ”, chị Hạ cho biết.