Đó là những người từng dành phần lớn thời gian của cuộc đời mình để gắn bó với cao nguyên này. Có lẽ vì vậy trong lòng họ nảy sinh một nhu cầu vừa thân thuộc, vừa sang trọng, lãng mạn. Điều họ cần chính là một không gian hoài niệm. Trong không gian ấy, bạn bè tôi được “tắm mình” trong dòng sông ký ức để trở về với những năm tháng không bao giờ trở lại.
Cứ mỗi buổi hàn huyên như thế, bạn bè tôi lại hồi cố về lịch sử của Đà Lạt trong không gian hoài niệm mênh mang. Câu chuyện dẫn về với thuở sơ khai xứ Thượng mờ mây và heo hút. Ngày đó, La Ngư Thượng giữa miền sơn cước như sơn nữ ngủ quên giữa mặt đất ngập tràn hoa dại dưới tán rừng cổ sinh. Thế rồi, một ngày kia, nàng bừng tỉnh giấc vươn vai đứng dậy và không mấy lâu sau đã trở thành một đô thị độc đáo, mang bản sắc riêng. Lịch sử có những biến động, từ đô thị nghỉ dưỡng của chế độ thực dân, từ “thủ đô Hoàng triều cương thổ” của Vua Bảo Đại, từ nơi ăn chốn chơi xưa, Đà Lạt lại trở về vẹn nguyên trong lòng Tổ quốc.
Ở Đà Lạt mà thấy nhớ Đà Lạt, ai đó đã thốt lên như thế. Trong câu chuyện “trà dư tửu hậu”, chúng tôi vẫn thường phác thảo một giả thiết: Tại sao không có ai nhanh tay tạo lập một không gian hiện hữu để giữ lấy những gì của Đà Lạt xưa cho những người hiện tại trân trọng lưu giữ những cảm xúc quá khứ?
Trong không gian ấy, những bạn bè, những người thân, những kỷ niệm ùa về ngập dòng tâm tưởng. Cũng trong không gian ấy, những buổi sớm mai hay lúc chiều về, mỗi người có thể tụ bên nhau cùng ly cà-phê tỏa khói ngắm mặt hồ tĩnh lặng và nghe rì rào thông hát. Những cụ già cao tuổi chọn làm nơi hồi ức về thuở ban đầu gian khó lập nghiệp cùng gió núi, mây ngàn. Lớp trung niên với mái tóc ngà sương bay bổng về những tháng ngày oai hùng nhưng đầy tinh thần lãng mạn và hào hoa xưa cũ, còn bạn trẻ hậu sinh sẽ gặp lại hình ảnh Đà Lạt thời cha ông để thỏa mãn sự khao khát tìm kiếm lịch sử, văn hóa của xứ sở mình đang sống.