Ngóng văn học trinh thám Việt khởi sắc

Hội Nhà văn Việt Nam vừa phối hợp hai công ty sách Liên Việt và Linh Lan… tổ chức tọa đàm “Văn học trinh thám hiện đại - Giao thoa Đông và Tây”. Sự kiện đã thu hút nhiều văn nghệ sĩ và bạn đọc, nhất là những người trẻ.
0:00 / 0:00
0:00
Buổi tọa đàm đưa ra nhiều ý kiến gợi mở cho văn học trinh thám.
Buổi tọa đàm đưa ra nhiều ý kiến gợi mở cho văn học trinh thám.

Tín hiệu khả quan

Trong tọa đàm, nhà văn trinh thám Na Uy Oystein Torsrud và nhà văn Di Li đã đưa ra một số nhận định về văn học trinh thám trên thế giới, đặc tính cũng như những khác biệt văn hóa làm nên thành công của mỗi nền văn học. Với độc giả Việt Nam, các sách trinh thám có một chỗ đứng quan trọng, dù không phải lúc nào cũng nổi bật.

Theo nhà văn Di Li, văn học trinh thám là thể loại văn học giả tưởng, huy động gần như 100% trí tưởng tượng. Ngay cả các tư liệu vụ án có thật mà tác giả sử dụng cũng chỉ đóng vai trò bổ trợ, còn trí tưởng tượng vẫn là chất liệu phóng tác chính. “Trước đây, không chỉ số lượng tác giả trinh thám Việt Nam mà lượng người đọc truyện trinh thám cũng không nhiều. Ngay cả các tác phẩm trinh thám nổi tiếng thế giới cũng không nằm trong số những cuốn sách bán chạy trong nước”, nhà văn Di Li chia sẻ.

Trong khi đó, nhà văn trinh thám Đức Anh cho rằng, văn học trinh thám Việt Nam tồn tại như một “mạch nước” chảy ngầm, nhen nhóm từ những năm 1930 của thế kỷ trước với những tên tuổi như Phạm Cao Củng, Thế Lữ cho tới một số tác phẩm thiếu nhi có yếu tố trinh thám của Nguyễn Nhật Ánh hay một số truyện trinh thám của NXB Công an nhân dân. Hiện nay, văn học trinh thám Việt Nam vẫn còn rất non trẻ so nền văn học trinh thám thế giới.

Nhưng hai nhà văn Việt Nam vẫn lạc quan khi khẳng định thực tế dường như đã thay đổi cùng với sự phát triển đô thị, công nghệ hiện đại. Độc giả đã quan tâm nhiều hơn tới thể loại trinh thám này thông qua các kênh truyền thông quảng bá. Đời sống công nghiệp đã thay đổi thị hiếu, khiến lượng người đọc trinh thám gia tăng, tỷ lệ thuận với số lượng nhà văn trinh thám.

Chở văn học trinh thám chất liệu “nội”

Ngày nay, yếu tố trinh thám trở thành công cụ đắc lực để các nhà văn, nhà làm phim trinh thám truyền tải những giá trị nhân văn theo cách riêng độc đáo của thể loại mình. Các kỹ thuật xây dựng nhân vật, cốt truyện của văn học trinh thám hiện đại đều rất đặc sắc, dễ áp dụng cho các thể loại hư cấu khác, để các tác giả có thể khai thác mạnh mẽ cho nghiệp vụ của mình. Nhiều năm trở lại đây, các nhà văn trinh thám hiện đại của Mỹ hay

Bắc Âu đã đưa vào các yếu tố công nghệ 4.0. Bởi vậy, kỹ thuật hình sự, giám định pháp y và công nghệ trở thành điển hình của trinh thám hiện đại.

Nhà văn Oystein Torsrud chia sẻ: “Ở Na Uy, chỉ có số ít người thành công bán được nhiều triệu bản truyện trinh thám ở đất nước chỉ có khoảng 5 triệu người. Như một số người tôi biết, họ phải gửi bản thảo tới NXB tới 84 lần mới được in, hoặc có người phải mất tới 20 năm mới trở thành tác giả nổi tiếng”. Đồng quan điểm này, nhà văn Di Li chia sẻ, cô cũng phải nghiên cứu nhiều lĩnh vực như kỹ thuật hình sự, giám định pháp y, luật pháp và công nghệ. Bởi vậy nhiều khi để viết được tác phẩm 500-600 trang thì thời gian nghiên cứu đòi hỏi phải mất vài năm. Mặc dù vậy, một tác phẩm trinh thám hay không sa đà quá nhiều vào yếu tố công nghệ, giám định pháp lý… mà vẫn phụ thuộc chủ yếu là những cái kết bất ngờ, nhiều nút thắt kịch tính và cao trào.

Đề cập những thủ pháp viết truyện trinh thám, nhiều độc giả góp ý rằng, các tác giả không nên tiếp tục viết theo ngôn ngữ mang hơi hướng văn học dịch. Thay vào đó, hãy sử dụng ngôn ngữ đời thường, tế nhị và nhiều ẩn ý. Thậm chí, không ít độc giả trẻ còn yêu cầu hãy đem tới bối cảnh truyện những làng quê, ký ức thời bao cấp, những bí ẩn thời chiến, không gian thuần Việt… Lắng nghe những góp ý này, nhà văn Di Li và nhà văn Đức Anh đều đồng tình cho rằng, với tư cách những người sáng tác truyện trinh thám, chúng tôi tin rằng, đó là con đường hợp lý để phát triển văn học trinh thám bằng năng lực, chất liệu nội địa cộng thêm sự học hỏi cấu trúc, kỹ thuật của phương Tây.