Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, theo kế hoạch được Chính phủ phê duyệt năm 2023, địa phương vay từ nguồn vay lại vốn nước ngoài của Chính phủ (ODA) và các nguồn vay khác là 27.200 tỷ đồng. Tuy vậy, hiện có nhiều địa phương xin trả lại vốn vay ODA. Cụ thể, tính đến hết tháng 8 năm nay có 27 địa phương đề nghị giảm dự toán vay với tổng số vốn hơn 5.500 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất trả phí cam kết, thì việc trả lại hàng nghìn tỷ đồng vốn ODA là một nghịch lý.
Vì sao trả lại vốn?
Trong tám tháng đầu năm 2023, các địa phương trả lại vốn vay ODA gồm: An Giang, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bến Tre, Bình Dương, Bình Thuận, Cà Mau, Cần Thơ, Đắk Lắk, Khánh Hòa, Kon Tum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Bình, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, TPHCM, Thanh Hóa, Trà Vinh, Vĩnh Phúc, Tây Ninh, Tiền Giang.
Các địa phương xin trả lại vốn vay xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nhiều địa phương xin điều chuyển chủ yếu do dự án đã kết thúc, hết thời hạn giải ngân hoặc không còn nhu cầu giải ngân, phần vốn tỉnh chưa phân bổ. Bên cạnh đó, chiếm phần lớn khoản tiền xin hoàn trả là do các dự án chưa hoàn thành thủ tục đầu tư.
Theo PGS, TS Đinh Trọng Thịnh, giảng viên Học viện Tài chính, vốn ODA được phân bổ theo nguyên tắc “dưới trình lên, trên bổ xuống”, dựa trên cơ sở đề xuất của bộ, ngành, địa phương và khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước. Chính vì vậy, nguyên nhân chủ quan vẫn là chính, nhất là trong khâu tổ chức thực hiện.
“Cùng một điều kiện, cơ chế chính sách như nhau, có những bộ, ngành, địa phương có kết quả giải ngân cao, nhưng lại có nơi giải ngân thấp, thậm chí có địa phương chưa giải ngân được đồng nào”, ông Thịnh đặt câu hỏi.
Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch vốn được thực hiện từ quý III năm trước, đủ thời gian để chuẩn bị cho các dự án nhận vốn của năm. Tuy nhiên việc trả lại kế hoạch vốn cho thấy một phần công tác chuẩn bị có vấn đề. “Việc chuẩn bị đầu tư các dự án của các bộ, ngành, địa phương rất sơ sài, cốt làm sao để xin được. Có hiện tượng một số địa phương chưa có nhu cầu vốn cấp bách bằng địa phương khác nhưng lại “xí phần” vốn ODA; giải phóng mặt bằng chưa xong cũng đề nghị Trung ương phân bổ vốn rồi… để đó”, ông Thịnh lý giải.
Hiệu quả sử dụng vốn vay bị giảm
Dù phần vốn trả lại sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chuyển cho các dự án mới, song việc các bộ, ngành, địa phương phải trả vốn vào cuối năm sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch các năm tiếp theo. Việc kéo dài thời gian giải ngân còn kéo theo nhiều hệ lụy. “Tính bình quân, một dự án ODA của Việt Nam sau 5 năm đã đắt gấp đôi so với dự toán ban đầu. Hay nói cách khác, Việt Nam đã mất đi một con đường, một cây cầu có trị giá đúng bằng con đường, cây cầu đó nếu xây dựng chậm tiến độ 5 năm”, ông Thịnh tính toán.
Cũng sốt ruột trước việc giải ngân các dự án sử dụng vốn ODA, tại phiên thảo luận tại nghị trường Quốc hội mới đây, đại biểu Lê Hữu Trí (đoàn Khánh Hoà) cho biết, nhiều dự án vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài giải ngân chậm, kéo dài thời gian thực hiện. Hằng năm, số chuyển nguồn ngân sách nhà nước lớn, thậm chí phát sinh thêm chi phí, gây lãng phí nguồn lực và giảm hiệu quả sử dụng vốn vay.
Trong khi ngân sách phải đi vay để bù đắp bội chi và phải chịu lãi suất trả phí cam kết, thì đây là một nghịch lý. Hiện nay và trong tương lai, việc huy động nguồn vốn vay ODA sẽ ngày càng khó khăn hơn với những điều kiện không thuận lợi về tài chính, lãi suất... “Vì vậy, việc huy động, phân bổ và sử dụng vốn ODA cần phải được xem xét kỹ lưỡng, bảo đảm hiệu quả sử dụng vốn, tránh lãng phí và tạo gánh nặng nợ công”, đại biểu Lê Hữu Trí khuyến nghị.
Cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm xây dựng dự án
Trên thực tế, Việt Nam đã “tốt nghiệp” sử dụng vốn vay ODA với lãi suất ưu đãi của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, song nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài vẫn là một nguồn lực quan trọng để đầu tư cho những công trình cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội trọng điểm.
Thời gian qua, Bộ Tài chính đã tổ chức nhiều cuộc họp với các bộ, ngành, địa phương, trên cơ sở đó báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và khuyến nghị các cơ quan chủ quản cần nghiên cứu kỹ về tính chất, điều kiện và các thủ tục của nguồn vốn đề nghị huy động ngay từ giai đoạn đề xuất sử dụng vốn ODA, vay ưu đãi, đánh giá tính phù hợp của nguồn vốn đề xuất với dự án dự kiến đầu tư, khả năng đáp ứng các điều kiện sử dụng vốn.
Trường hợp có những yếu tố không khả thi, đề nghị không đề xuất sử dụng (không huy động) để tránh lãng phí thời gian, kinh phí xây dựng dự án cũng như tạo gánh nặng nợ công khi vay vốn.
Để bảo đảm hiệu quả việc sử dụng vốn ODA, Bộ Tài chính cho hay, Chính phủ sẽ chỉ đạo cơ quan chủ quản dự án là các bộ, địa phương phải chịu trách nhiệm xây dựng dự án, dự kiến nguồn vốn huy động phù hợp với dự án và triển khai thực hiện, khắc phục tình trạng trả lại vốn như thời gian qua. Từng đồng vốn “quý báu” phải được sử dụng triệt để, đặc biệt trong bối cảnh chung trong nước và thế giới còn quá nhiều khó khăn như hiện nay.