Nghịch lý phim hoạt hình Việt Nam

Trong 20 phim hoạt hình (PHH) dự Liên hoan phim Việt Nam (LHP) năm nay, có tới 19 phim thuộc về… Công ty cổ phần Hãng PHH Việt Nam. Đó là điều đáng buồn khi nhân lực làm PHH Việt Nam không thiếu, công ty làm PHH Việt Nam không ít, khá nhiều dự án tư nhân đang âm thầm hoạt động.

Một cảnh trong “Tàn thể tiền truyện” - Phim hoạt hình tư nhân duy nhất dự LHP năm nay.
Một cảnh trong “Tàn thể tiền truyện” - Phim hoạt hình tư nhân duy nhất dự LHP năm nay.

Đi từ những dự án nhỏ

“Tàn thể tiền truyện”, phim của Công ty dịch vụ văn hóa truyền thông Sáng Ý (DeeDee Aniamtion) là điểm nhấn cô đơn trong hạng mục PHH tại LHP năm nay. Dù phim từng giành giải nhất thể loại hoạt hình 2D tại LHP KHEM Animation Film Fest (Mỹ) năm 2018 và lọt vào chung kết kha khá LHP hoạt hình trên thế giới.

Tuần trước, phim hoạt hình “Bát Nàn” đã ra mắt trên fanpage và Youtube chính thức của nhà sản xuất. Phim có thời lượng hơn bốn phút, giới thiệu khái quát về Bát Nàn - một nữ tướng của Hai Bà Trưng trong cuộc khởi nghĩa chống quân Đông Hán. Tạo hình Bát Nàn được xem là khá lạ với các mô típ hoạt hình ở Việt Nam. Đây là phần đầu tiên trong series PHH ngắn giới thiệu sáu nữ tướng tiêu biểu thời kỳ đó là: Bát Nàn, Ả Chạ, Hồ Đề, Lê Chân, Phật Nguyệt và Thánh Thiên. Sáu phim này do DeeDee Animation Studio, Trigger Media, Đạt Phi Media phối hợp thực hiện. Đặng Hải Quang, đạo diễn phim, đại diện DeeDee Animation nói rằng, để làm được mấy phút phim này, 30 - 40 con người đã phải mất mấy tháng trời.

Ở Việt Nam, đó là những dự án ít ỏi mà hoạt hình được “ké phần” để đến với đông đảo công chúng. Tất nhiên, đó cũng vẫn là các dự án phim ngắn - một hướng đi phổ biến mà đa phần các hãng phim cả tư nhân lẫn Nhà nước đang phải hướng tới. Colory Animatio - một hãng PHH 3D cũng thực hiện các dự án nhỏ dài dưới 10 phút phát trên kênh Youtube chính thức. Những dự án này đã đạt những thành công bước đầu như Giải nhất trong Lễ hội làm phim Việt - Hàn 2016, hay Giải thưởng phim YxineFF 2011.

“Ở Việt Nam làm hoạt hình chỉ mong được 5 triệu đồng/phút là đã cao rồi. Nhưng cả nhóm 30 người một tuần là được 7 - 8 phút phim. Chỉ có giá đó thì… “chết đói”, Quang tâm sự. Giá làm phim cho các dự án thuê riêng chỉ ở Đông - Nam Á cũng đang vào mức 3.500 USD/phút. “Mục tiêu của bọn tôi là Cartoon network, Disney channel, Netflix. Nhưng mà bây giờ lưng không tới đất cật không tới giời”. Quang và cộng sự đã gõ cửa khá nhiều nhà sản xuất và đa phần đều thẳng thắn chối từ.

Nguồn nhân lực làm PHH ở Việt Nam luôn được đánh giá cao. Thậm chí, ở Việt Nam có nhiều đơn vị tư nhân còn tham gia trong các dự án lớn trên thế giới theo dạng làm outsource (được thuê làm từng phần). Tất nhiên, với kiểu làm đó thì chỉ là gia công và nhận tiền, chứ tên trên bảng giới thiệu không bao giờ được xuất hiện. Chẳng hạn như Colory Animation lấy các dự án làm thuê với Nhật Bản, Singapore để làm nguồn thu nhập chính. Hay bộ PHH Pháp “Mèo Oggy và những chú gián tinh nghịch” cũng được một công ty hoạt hình Việt Nam gia công. Hoặc các dự án nổi tiếng như “Bakugan”, “Star Wars”… cũng đều có bàn tay các họa sĩ Việt.

Giấc mơ phim hoạt hình ra rạp

Mặc dù hoạt hình luôn có một lượng khán giả ổn định. Trong số các phim đạt doanh thu cao nhất ở các rạp Việt Nam luôn có PHH. Hãng PHH Việt Nam là đơn vị duy nhất trong số các hãng phim cổ phần hóa đang tự kiếm được tiền từ nguồn phim chiếu. Trang Youtube của đơn vị này hiện đã có 247 nghìn lượt theo dõi, phim nhiều lượt xem nhất lên tới 28 triệu lượt.

Nhưng ngay cả anh cả và có lợi thế như hãng này cũng chưa từng ra đời một dự án hoạt hình dài chiếu rạp, dù mỗi năm cũng 16 - 17 phim ngắn. Càng không thể mong có phim đặt hàng như Nhà nước đang làm với các phim điện ảnh khác vì vướng Luật Điện ảnh chưa có quy định với PHH.

Nếu nói phim chiếu rạp, cho đến nay mới chỉ có “Monta trong giải ngân hà kỳ cục”. Nhưng đây là một phim ngắn nhiều tập và cũng chỉ được giới thiệu ba tập đầu ở hệ thống rạp CGV. Bản thân Đặng Hải Quang mong đợi về một dự án phim dài, nhưng đó là việc đang quá tầm tay: “Tìm nhà đầu tư lớn thì dự án của mình quá nhỏ, các nhà đầu tư tầm trung thì khó chi tiền cho mình”.

Colory Animation cũng ấp ủ một dự án hoạt hình dài chiếu rạp “Dưới bóng cây - Hành trình trở về” đã nhiều năm nay, nhưng đến giờ vẫn mới trình làng các phần nhỏ lẻ. Dù về chất lượng, Colory được đánh giá là đơn vị hoạt hình làm chuyên nghiệp không thua quốc tế.

Vậy nên, mặc dù người thì đi làm thuê, nhưng rạp trong nước vẫn cứ để những “Frozen”, “Kungfu Panda”, “Incredibles”… làm mưa, làm gió. Dù nhiều PHH quốc tế được chiếu ở Việt Nam cũng chỉ ở chất lượng trung bình, trung bình kém. Điều hơn duy nhất, là họ có một nền công nghiệp chuyên nghiệp đủ để đưa phim ra rạp mà không có vướng mắc nào.