Nghề nông nơi đất chật người đông (kỳ 3)

Trong chuyến khảo sát ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng, có một thực tế chúng tôi nhận thấy, nhóm nông dân năng động, sáng tạo, gắn bó với ruộng đồng hầu hết đều đã ở tuổi xế chiều. Sự dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị, từ nông nghiệp sang công nghiệp và các ngành nghề khác dường như đang cho thấy nghề nông không còn hấp dẫn người trẻ. Tuy vậy, trên đồng đất màu mỡ vẫn có những mô hình, cách làm, hướng đi thích ứng với thực tế đầy thách thức.
0:00 / 0:00
0:00
Anh Phương và vườn dưa lưới trong nhà kính.
Anh Phương và vườn dưa lưới trong nhà kính.

(Tiếp theo và hết)

Kỳ 3: Tìm hướng phát triển

Cây lúa và mô hình liên kết

Đi dọc con đường đất gọn gàng nằm giữa cánh đồng xã Đông Quan, huyện Đông Hưng (tỉnh Thái Bình), hai bên gần như không có bóng dáng một ngọn cỏ. Bên kia là hàng cà nhỏ trồng xen bờ đất, phía còn lại là đồng lúa chín vàng ươm, trải dài hút tầm mắt.

Chị Nguyễn Thị Nga, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Bình nhìn bao quát một vòng khung cảnh cánh đồng rồi tâm sự với chúng tôi: “Nếu người bình thường nhìn vào con đường này sẽ gần như vô cảm. Thậm chí còn thấy quá đỗi bình thường vì đó còn không phải là một con đường bê-tông theo chuẩn nông thôn mới. Nhưng những ai thật sự gắn bó với đồng ruộng sẽ cảm nhận được vẻ đẹp trong đó. Cái cách người nông dân chăm chút từng tấc đất, tận dụng từng bờ ruộng mới thấy hết người nông dân vẫn còn yêu đồng đất, yêu cây lúa đến nhường nào”.

Với người nông dân Bắc Bộ, cây lúa đã đi vào truyền thống văn hóa từ ngàn đời, trở thành một thứ hồn cốt. Nhiều thế hệ lớn lên cùng cây lúa đến nay vẫn hằng ngày trăn trở cùng cây lúa, tìm đường đi cho cây lúa trong thời kỳ mới.

Ở Nam Định có nhiều hơn một doanh nghiệp tích tụ được diện tích ruộng lên đến 300ha (mô hình liên kết sản xuất). Ở quy mô nhỏ hơn, một số cá nhân tích tụ ruộng được từ vài ha đến vài chục ha. Ông Đỗ Khắc Dũng, Chủ tịch HTX Nam Thành, xã Đồng Sơn, huyện Nam Trực, chỉ vào cánh đồng rộng trước mặt cho biết: “Làm nông bây giờ nhàn lắm. Tất cả mọi khâu đều có sự tham gia của máy móc, từ mạ khay đến phun thuốc rồi đến gặt, đập, sấy… Một số hộ không muốn làm có thể giao đất cho HTX, hoặc cá nhân khác theo mô hình liên kết sản xuất. Đến cuối vụ chỉ việc nhận tiền dựa trên diện tích ruộng. Tuy không nhiều, chỉ khoảng 1-1,2 triệu đồng/sào/vụ, nhưng chẳng phải làm gì và có thời gian đi làm việc khác”.

Huyện Trực Ninh là địa phương có diện tích trồng lúa lớn của tỉnh Nam Định. Trước đây có những thời điểm diện tích lúa lên đến gần 8.000 ha, hiện nay ổn định ở khoảng 7.000ha. Trong 800ha đang áp dụng mô hình liên kết sản xuất, có gần 300 ha của Công ty CP Vật tư kỹ thuật nông nghiệp Trực Ninh. Anh Lê Văn Thanh, chủ doanh nghiệp cho biết: “Lúa áp dụng mô hình này năng suất tăng trung bình 5%, chất lượng cũng tăng từ 5-10%”. Không chỉ có diện tích trồng lúa lớn, doanh nghiệp còn tự phát triển đầu ra cho sản phẩm lúa, gạo. Ba nhãn hàng mang thương hiệu doanh nghiệp đã có trên thị trường, tiêu thụ ổn định trong chuỗi cửa hàng nông sản sạch của Thành Nam Foods là Quỳnh Thanh 7, Quỳnh Thanh 9999, Quỳnh Thanh ST25. Theo anh Thanh, công ty của anh lãi khoảng 400-500 nghìn đồng/vụ/sào (năm 2021). Con số này nếu nhân với 300ha, có lẽ doanh nghiệp của anh không phải nghĩ ngợi quá nhiều về tương lai.

Chưa thể kết luận rằng “Mô hình liên kết sản xuất” đã là đáp án cuối cùng. Nhưng cái cách Nam Định đang sử dụng mô hình này đáng để chúng ta phải suy ngẫm. Cây lúa rồi sẽ có một lối đi riêng.

Nông nghiệp công nghệ cao

Người trẻ bây giờ nhìn nhận đã khác và có nhiều lựa chọn hơn các thế hệ đi trước. Ở cái tuổi tạm được coi là trẻ trong nhóm nông dân chúng tôi tiếp xúc, anh Lê Văn Việt ở xã Hồng Hưng, huyện Gia Lộc đang ở tuổi 40 sung sức. HTX Xuyên Việt của anh nổi tiếng không chỉ ở Hải Dương với mô hình nuôi cá kiểu mới. Người đàn ông thế hệ 8x áp dụng công nghệ độc đáo “sông trong ao” cho ra sản lượng cá gấp đôi so với truyền thống. HTX Xuyên Việt do anh đứng đầu liên tục gặt hái được nhiều thành công từ ngày thành lập. Công nghệ nuôi cá “sông trong ao” đã được chuyển giao cho các tỉnh, thành phố khác, thậm chí còn cho các quốc gia khác như Thailand, Malaysia…

Ao, hồ nuôi cá theo công nghệ “sông trong ao” chung quanh được kiên cố hóa bằng gạch, bê-tông. Cá không phải thả trong khắp ao mà lại thả trong bể nhỏ hơn xây trong lòng ao. Cùng với đó là hệ thống máy quạt nước tạo sóng, sục khí, hút chất thải đáy… Các hệ thống này hoạt động liên tục 24/24 giờ tạo ra dòng chảy liên tục. Cá trong bể hình thành thói quen vận động liên tục và bơi ngược dòng. Mật độ nuôi cá có thể cao gấp 10-15 lần so với thông thường mà cá vẫn bảo đảm săn chắc, khỏe mạnh.

Về một trại cá của HTX Xuyên Việt thôn La Xá, xã Dân Chủ, huyện Tứ Kỳ, trại rộng 5ha với nhiều ao hồ lớn nhỏ được xây dựng hiện đại. Mỗi hồ nuôi một loại cá khác nhau nhưng chỉ có một người trông coi duy nhất. Bác Nguyễn Văn Chúng, 62 tuổi, trước đây làm nhà nước, nay về hưu làm tại trại cá này. Bác cho biết: “Trại này chủ yếu nuôi rô phi (nhập giống từ Thailand về). Năm nay đang thử nghiệm nuôi cá tra. Trại cá nằm ngay sát sau Công ty may Babeeni Việt Nam. Cả hai đều có diện tích như nhau. Một bên thì sôi động tấp nập hàng nghìn công nhân may, một bên trầm lắng lạ thường với chỉ duy nhất một người trông coi. Chúng tôi giật mình suy nghĩ về sự khác biệt công nghệ cao và “công nghệ chân tay”.

Xã Tống Trân (huyện Phù Cừ, Hưng Yên) có một ông chủ “Tây học” về làm nông dân. Nghe “Tây học” có vẻ sang trọng nhưng trong trường hợp này đúng và hợp đến lạ kỳ. Anh Bùi Văn Phương, Chủ tịch HĐQT HTX sản xuất cung ứng rau quả, cây dược liệu An Thịnh Phát, từng có thời gian dài bôn ba ở nước ngoài. Khoảng những năm 2000, anh Phương có mặt ở Lybia làm lao động nông nghiệp. Từ năm 2005-2013, anh tiếp tục chuyển qua Séc trồng rau trong nhà kính cho một chủ doanh nghiệp người Việt Nam. Về nước với một số vốn nhất định cùng hiểu biết nông nghiệp, anh Phương bắt tay ngay vào việc.

Ban đầu cây “làm giàu” được anh chọn là cây chuối. Đến năm 2016, sau một trận bão, anh Phương “mất cả chì lẫn chài”. Không nản chí, anh thế chấp căn nhà vay vốn đầu tư trồng dưa lưới trong nhà kính. Mỗi năm dưa lưới chủ lực chỉ được một vụ, thời gian còn lại có thể trồng loại cây khác. Cây ớt chuông cho năng suất tốt lại cũng là loại cây mới, ít có sự cạnh tranh đã được lựa chọn. Trước đây, lợi nhuận của HTX có thể lên đến 50% mỗi vụ. Nhưng kể từ sau dịch Covid-19, giá cả các loại vật tư tăng lên khủng khiếp, lợi nhuận hiện tại chỉ còn 30-40%!

Có sự lăn lộn, có cả trả giá cho sai lầm, anh Phương giờ đây có thể đứng vững. Một vài kinh nghiệm anh chia sẻ mà không phải ai cũng thấm thía: “Vườn ngày nào cũng phải làm, nhưng buổi sáng bao giờ cũng bắt đầu từ vườn non, sau mới dần chuyển sang vườn già...”. Hóa ra chỉ riêng việc đó đã hạn chế lây lan bệnh cho các vườn non, vì vườn già bao giờ cũng nhiều khả năng mang mầm bệnh hơn.

Dưa lưới thật sự nhiều, nổi tiếng và trồng tập trung nhất ở huyện Gia Lộc (Hải Dương). Ở đó trồng quy mô và chuyên nghiệp hơn hẳn, nhưng doanh nghiệp của anh Phương cũng không “ngại” cạnh tranh. Anh Phương nói về cách tiếp cận thị trường: “Họ có lợi thế nhưng cũng đi kèm những điểm yếu. Thời điểm họ thu hoạch không chủ động được giá cả đầu ra. Thu hoạch trong một khoảng thời gian ngắn, sản lượng nhiều rất dễ dẫn đến tình trạng một thời điểm xuất ra nhiều hàng nên không được giá. Tôi đi theo hướng thu hoạch, bán ra vào dịp ngày rằm, mồng một… hướng vào nhu cầu thị trường, hàng bán ra luôn được giá”.

Hai mô hình nuôi cá “sông trong ao” và trồng dưa lưới là hai điển hình trong nông nghiệp công nghệ cao. Một lĩnh vực bắt đầu manh nha hình thành và có những bước đi vững chắc ở Bắc Bộ. Việc tìm tòi, nhân rộng những mô hình tương tự hứa hẹn chắp cánh cho nông nghiệp, nông thôn.

Thách thức vẫn còn đó

Trong suốt cả chuyến đi, chúng tôi nhiều lần được nghe thấy những cụm từ: “ly nông nhưng không ly hương”, “kinh tế nông nghiệp”, “chuỗi giá trị nông nghiệp”… Cách áp dụng tại mỗi địa phương khác nhau và đem lại những giá trị khác nhau. Tuy nhiên, vẫn còn không ít thách thức đang đặt ra đối với nông nghiệp nơi đây. Diện tích đất nông nghiệp vẫn đang bị đe dọa giảm dần, ô nhiễm môi trường đang hiển hiện khắp mọi nơi, đầu tư cho nông nghiệp còn xa mới đạt được mức như mong đợi… Nông nghiệp, nông thôn không có sức hấp dẫn với phần nhiều những người trẻ tuổi, trong khi đó sự “năng động”, “sáng tạo”, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ hiện đại trong nông nghiệp lại đòi hỏi suy nghĩ, sức làm và cả sự dũng cảm của những người trẻ tuổi…

Chuyện đồng đất là câu chuyện muôn thuở của người nông dân đồng bằng Bắc Bộ. Chừng nào người nông dân còn yêu đồng đất thì đất sẽ không phụ lòng người. Những điển hình nông dân làm nông nghiệp giỏi, mô hình sản xuất kiểu mới đang xuất hiện. Hiện thực đó đang mở ra hy vọng, trong một ngày không xa chắc chắn vùng đất nơi đây sẽ thật sự chuyển mình góp phần quan trọng vào sự phát triển của đất nước.