Nghề nông nơi đất chật người đông (Kỳ 1)

Đồng bằng sông Hồng đất chật người đông, xưa nay người nông dân vốn đều phải xoay xở với chuyện ruộng đồng. Tốc độ công nghiệp hóa, đô thị hóa của cả vùng nhiều năm nay ngày càng nhanh, diện tích đất sản xuất nông nghiệp theo đó cũng ít đi đáng kể, vậy mà sản lượng nông sản người nông dân làm ra vẫn cao lên, chất lượng hơn. Cùng với các định hướng, chính sách, đầu tư cho phát triển nông nghiệp, tiến bộ về khoa học - kỹ thuật, con người nơi đây là một yếu tố quan trọng góp phần đem lại nhiều thành tựu cho nông nghiệp đồng bằng Bắc Bộ. Đồng đất đồng bằng sông Hồng được coi là có nhiều nông dân yêu đồng ruộng, chịu thương chịu khó, năng động sáng tạo bậc nhất.
0:00 / 0:00
0:00
Mùa gặt trên đồng lúa xã Nam Cường, Nam Trực, Nam Định.
Mùa gặt trên đồng lúa xã Nam Cường, Nam Trực, Nam Định.

Kỳ 1: Thách thức xưa và nay

Vào những năm 30 thế kỷ trước, khi nghiên cứu về châu thổ Bắc Kỳ (nay là đồng bằng sông Hồng), nhà nghiên cứu địa lý người Pháp Pierre Gourou đã từng lo ngại vùng đất này không nuôi nổi lượng người sống trên đó. Nhưng lo ngại ấy đã không bao giờ trở thành hiện thực bởi sự cần cù, chịu khó cũng như sức thông minh, sáng tạo của những người nông dân.

Đất chật người đông

Không phải ngẫu nhiên Pierre Gourou có những dự đoán như vậy. Đồng bằng châu thổ sông Hồng tuy màu mỡ do được bồi đắp bởi hai con sông: sông Hồng và sông Thái Bình, nhưng đây cũng là vùng đông dân bậc nhất thế giới. Theo con số thống kê năm 2019, dân số đồng bằng châu thổ sông Hồng xấp xỉ 22 triệu người, mật độ dân số là 1.450 người/km2.

Đất chật người đông, ruộng đất manh mún là đặc trưng nông nghiệp, nông thôn cả vùng, nhưng cả thời kỳ dài người nông dân liên tục gặt hái thành tựu trong sản xuất.

Ông Nguyên Sinh Tiến, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nam Định nhớ lại: Sau năm 1975, tỉnh Hà Nam Ninh lúc bấy giờ là vùng chuyên trồng lúa, sản lượng xấp xỉ 1 triệu tấn/năm. Năm 1991, tỉnh Hà Nam Ninh được tách ra thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình. Một thời gian ngắn sau đó tỉnh Nam Hà đạt được sản lượng xấp xỉ 1 triệu tấn lúa/năm. Đến năm 1996, tỉnh Nam Hà lại một lần nữa được tách ra làm hai tỉnh Hà Nam và Nam Định. Lần này, cũng chỉ một thời gian ngắn sau đó tỉnh Nam Định lại đạt được sản lượng xấp xỉ 1 triệu tấn/năm. Con số này giữ ở mức gần như ổn định đến tận ngày nay.

Như vậy là những dự đoán bi quan nhất đã không bao giờ trở thành hiện thực. Câu chuyện về sản lượng lúa gạo, lương thực có lẽ đã là xưa cũ. Sản xuất nông nghiệp hiện nay đang hướng đến mặt giá trị, chất lượng hơn là sản lượng. Bên cạnh đó, nông nghiệp đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức mới.

Kinh tế - xã hội phát triển nhanh, ở các vùng có truyền thống sản xuất nông nghiệp, người nông dân bản chất vẫn còn yêu cây lúa, thương cây lúa. Nhưng thật sự thu nhập từ cây lúa không còn cao so với mức sống hiện tại. Công nghiệp, giao thương, khoa học-kỹ thuật… phát triển, đem lại rất nhiều công việc khác tuy giản đơn nhưng cho thu nhập cao và ổn định hơn cây lúa rất nhiều.

Ở đồng bằng Bắc Bộ, có thể nhìn vào sự phát triển của tỉnh Bắc Ninh, một trong những địa phương phát triển nhanh và mạnh nhất miền bắc, để thấy vị trí khiêm nhường của sản xuất nông nghiệp. Trước đây, khi đến Bắc Ninh không khó bắt gặp những cánh đồng lúa mênh mông. Nhưng ngày nay, những cánh đồng đó đang dần nhường chỗ cho các khu công nghiệp. Anh Lâm Thanh Sơn, Trưởng phòng Doanh nghiệp, Ban quản lý Các khu công nghiệp Bắc Ninh tự hào: “Tỉnh sẵn sàng tiếp nhận lao động từ các tỉnh khác, học hết lớp 7 cũng được, miễn là đủ tuổi. Nếu chưa có nghề thì về đây sẽ đào tạo. Thu nhập tối thiểu hằng tháng phải từ bảy triệu đồng trở lên”.

Còn người cứ sinh sôi còn đất đâu có sinh ra. Công nghiệp hóa, đô thị phát triển, nên ở đồng bằng Bắc Bộ diện tích đất canh tác tính bình quân trên đầu người hiện nay đã thu hẹp, khác xa với thời mà ông Pierre Gourou thực hiện nghiên cứu của mình. Tỉnh Thái Bình, nơi vẫn còn nhiều diện tích đất trồng lúa, hiện tại trung bình cũng chỉ còn 0,2ha ruộng cho một hộ với bốn nhân khẩu.

Diện tích canh tác không còn nhiều, hiệu quả sản xuất nông nghiệp không cao, nhiều nông dân đã bỏ đồng ruộng lại phía sau. Tại tỉnh Nam Định, có năm nông dân bỏ tới 3.000ha ruộng. Tỉnh Hải Dương cũng không còn nhiều đất lúa, mỗi năm cũng có đến 200-300ha ruộng bỏ không. Các tỉnh trọng điểm về trồng lúa thì tỷ lệ bỏ ruộng lại càng cao. Một số người không bỏ hẳn ruộng nhưng mỗi năm chỉ cấy một vụ cho có để giữ đất (đất không canh tác trong vòng 12 tháng có thể bị thu hồi). Đất ruộng vẫn được coi là một thứ tài sản của người nông dân. Nhiều người đang giữ ruộng như một thứ của để dành, phòng khi không còn việc để làm sẽ quay lại. Hoặc đơn giản hơn, họ chỉ đang hy vọng nhận được khoản đền bù ổn thỏa nếu ruộng vào quy hoạch đô thị.

Nông nghiệp mất vị thế

Nghị quyết 34/NQ-CP đã xác định: Để bảo đảm nguồn cung lương thực, cần sử dụng linh hoạt quỹ đất lúa, nâng cao hiệu quả sử dụng đất lúa, giữ ổn định 3,5 triệu ha đất trồng lúa, hàng năm sản xuất ít nhất 35 triệu tấn lúa, làm nòng cốt bảo đảm an ninh lương thực quốc gia, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến, dự trữ và xuất khẩu. Như vậy trong khoảng thời gian từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, diện tích đất canh tác đất nông nghiệp cơ bản được xác lập và không còn giảm nhiều.

Tuy nhiên, yêu cầu giữ ổn định một diện tích đất lúa, bảo đảm an ninh lương thực đôi khi cũng đặt ra những “giới hạn” mới cho từng địa phương. Một số nơi có sự thắc mắc tại sao địa phương khác được công nghiệp hóa nhiều hơn, được chuyển đổi đất ruộng sang thành khu công nghiệp nhiều hơn… Rõ ràng, việc chuyển đổi sang công nghiệp mang lại nhiều lợi thế, từ đó thay đổi bộ mặt của cả địa phương. Việc bảo đảm an ninh lương thực là cực kỳ cần thiết. Nhưng việc nhìn nhận nó trên khía cạnh khu vực hay trên phạm vi quốc gia cũng là một điều cần nhìn nhận đánh giá. An ninh lương thực và an ninh kinh tế là hai quyền mà mỗi người dân, mỗi địa phương đáng được thừa nhận một cách công bằng.

Tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế của các tỉnh vẫn đang giảm dần về mức tối thiểu. Ở một số tỉnh đồng bằng sông Hồng tỷ trọng của nông nghiệp thậm chí xuống dưới 5%. Tỉnh Nam Định, một trong những tỉnh có truyền thống với cây lúa, tỷ trọng nông nghiệp năm 2021 là 17,9%. Hơn 10 năm trước, con số này là 40%. Tỉnh Hưng Yên, một trong những tỉnh giáp ranh Hà Nội, tỷ trọng nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chỉ còn xấp xỉ 7-8%. Trong quy hoạch của tỉnh, đến năm 2025 tỷ trọng nông nghiệp giảm xuống chỉ còn 6%.

Xu hướng tỷ trọng nông nghiệp giảm dần đều diễn ra ở tất cả các địa phương đồng bằng Bắc Bộ. Mức độ suy giảm phụ thuộc vào đặc điểm riêng của từng địa phương. Có một khoảng cách đáng kể về đời sống người dân giữa các tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp cao và những tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp thấp. Tỉnh Bắc Ninh thuộc nhóm 5 tỉnh có thu nhập bình quân đầu người cao nhất cả nước và cũng là địa phương có tỷ trọng nông nghiệp thấp nhất trong các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người của Bắc Ninh đạt 5,44 triệu đồng/người/tháng.

Nếu tính riêng trong nông nghiệp, tỷ trọng của cây lúa so với các cây trồng khác hay chăn nuôi cũng đang ngày càng suy giảm. Nông dân Hưng Yên mỗi năm sản xuất hai vụ lúa, chỉ đóng góp xấp xỉ 10% trong giá trị nông nghiệp toàn tỉnh. Giá trị sản xuất nông nghiệp hằng năm của Hưng Yên khoảng 14 nghìn tỷ đồng thì chăn nuôi đã xấp xỉ 5.000 tỷ đồng, thủy sản xấp xỉ 1.000 tỷ đồng.

Ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng, cây lúa không còn là cây đi đầu của ngành nông nghiệp nói chung. Nhưng nhắc đến nông nghiệp đồng bằng sông Hồng không thể bỏ qua cây lúa. Vốn dĩ nó đã trở thành biểu tượng, đi vào văn hóa của vùng đất cũng như con người nơi đây. Cùng với đà suy giảm của cây lúa cả về giá trị cũng như mức độ ảnh hưởng trong nông nghiệp, liệu đã đến lúc chúng ta bắt đầu tự đặt câu hỏi: Phải chăng nông nghiệp đồng bằng châu thổ sông Hồng đang mất dần đi vai trò của mình? Phải chăng cây lúa đang mất đi vị thế vốn có? Nên chăng phải chuyển mình sang một hướng phát triển mới?

Tiến sĩ Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu thị trường và thể chế nông nghiệp, trong một buổi nói chuyện đã đưa ra một so sánh đáng suy ngẫm: Nông thôn Việt Nam chiếm 70-80% địa bàn, dân số 60%. Đô thị nhỏ hơn hẳn nhưng đóng góp 70% GDP, 75% giá trị sản xuất công nghiệp, 75% giá trị xuất khẩu. Chúng ta đang đứng trước một sự mất cân đối trầm trọng. Một bên địa bàn mênh mông, dân số khổng lồ nhưng mọi thứ đều rẻ. Bên còn lại địa bàn hẹp, kinh tế sôi động nhưng mọi thứ đều đắt.

(Còn nữa)