Nghề nông nơi đất chật người đông (kỳ 2)

Trên cánh đồng xã Đồng Sơn (Nam Trực, Nam Định), bà Vũ Thị Thanh có vẻ rụt rè khi được hỏi về thu nhập từ cây lúa: “Làm lúa chỉ đủ ăn thôi chú ạ. May mà còn sức khỏe nên cũng gắng gượng nuôi được các con ăn học nên người”. Nghe vậy, người đàn ông đứng cạnh chợt phá lên cười: “Bà ấy giấu đấy, thu nhập nhà bà ấy thuộc loại “khủng” ở cái xã này”. Người đàn ông đó là ông Đỗ Khắc Dũng, Chủ tịch HĐQT HTX nông nghiệp Nam Thành. Nói về làm nông nghiệp trên địa bàn, khó có ai có thể vượt qua được ông.
0:00 / 0:00
0:00
Trồng cây cảnh giúp nhiều hộ dân xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cải thiện cuộc sống.
Trồng cây cảnh giúp nhiều hộ dân xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình cải thiện cuộc sống.

Kỳ 2: Nông hộ chuyển mình

Sống ổn nhờ cây lúa

Nhìn thấy vẻ mặt thắc mắc từ phía mọi người, ông Dũng giải thích thêm: Bà Thanh đang đứng ra nhận thầu lại ruộng của các hộ khác. Suốt một mùa vụ, người chủ ruộng hầu như không phải nhúng tay vào bất cứ công đoạn nào. Nếu có chăng thì thỉnh thoảng ra thăm đồng. Hết vụ, tuỳ theo giá thị trường và diện tích ruộng, mỗi hộ sẽ nhận về số tiền nhất định từ bà Thanh. Sản phẩm làm ra cũng sẽ được HTX Nam Thành đứng ra bao tiêu hết.

Bà Thanh hiện đang nắm trong tay hơn 10ha ruộng lúa chất lượng cao. Năm vừa rồi tuy bị nạn lúa ma, nhưng thu nhập vẫn ổn. Khéo léo không tiết lộ số tiền lãi mỗi vụ, nhưng một tay bà Thanh gần như nuôi cả nhà. Chồng bà trước đi chiến trường K, giờ chỉ ở nhà nhận lương thương binh và trông cháu. Sáu đứa con của bà (năm gái, một trai) đều có điều kiện theo đại học, cao đẳng, bốn đứa giờ đã ở thành phố. Nắng chiều hòa cùng ánh vàng đồng lúa phản chiếu lên gương mặt bà, người phụ nữ 65 tuổi này dường như ít nếp nhăn hơn so với những người khác ở nông thôn!

Ngược lại với bà Thanh, gương mặt ông Nguyễn Văn Tân (thôn Đỗ Xuyên, xã Hoàng Hoa Thám, huyện Ân Thi, Hưng Yên) lại nhằng nhịt vết nhăn. Nhưng có vẻ như những nếp nhăn đó không phải đến từ nỗi lo toan. Nó đến từ những nụ cười to, sảng khoái thường trực trên khuôn mặt ông. Ân Thi là huyện trọng tâm trồng lúa hiếm hoi còn sót lại của Hưng Yên. Hai vợ chồng ông Tân năm nay cấy gần 4ha ruộng lúa của cả mình lẫn các hộ khác. Chỉ vào sân phơi thóc, nơi cả đàn gà nuôi đang nhẩn nha lựa thóc mà chẳng ai buồn đuổi, ông cười hề hề: “Ruộng ở đâu bỏ, tôi cấy đến đấy. Mà tôi tự làm lấy hết, tôi mua cả máy cấy, máy phun thuốc, máy cày… về làm. Vụ này tính sơ sơ cũng được 150 triệu đồng, sang vụ mùa năng suất cao hơn thì chắc còn “ấm êm” nữa”.

Thôn Đỗ Xuyên còn nổi tiếng với nghề bắt chuột. Chuột đồng vào vụ ăn lúa chín, thời điểm này đang vào chính vụ “chuột” (tháng 9-10 âm lịch). Ông Tân say sưa: “Cả tháng nay tôi ăn thịt chuột đều. Cái món này cứ phải luộc, chấm muối chanh là nghiện nhất. Đàn ông thôn này đến vụ là đi bắt chuột, tay nào bèo bèo mỗi vụ cũng đút túi 15-20 triệu đồng. Mỗi năm chỉ được một vụ chuột từ tháng này đến hết tháng 11. Trước tháng này thì chuột dễ dính thuốc chuột, còn sau tháng 11 thì chuột bắt đầu gầy. Chỉ vào đống bẫy xập hàng chục chiếc buộc sau xe máy trong sân, ông Tân gợi ý: “Các chú cứ ngồi đây tí, tôi ra đồng đến tầm chập tối là có bữa hoành tráng…”. Trời chiều đã muộn, chúng tôi vẫn xin phép ra về. Thật sự đến tận giờ có lẽ thịt chuột vẫn chưa phải là khẩu vị của số đông!

Ước mơ sinh sôi

Chuyển sang xã Đồng Thanh (huyện Vũ Thư, Thái Bình) với nghề cốm gia truyền. Ngày trước người làm cốm ở đây phải thức thâu đêm giã cốm bằng tay, bây giờ máy móc đã hoàn toàn thay thế.

Cơ sở làm cốm của vợ chồng anh Hoàng Đình Nhẫn, chị Lương Thị Hồng (năm nay đều đã gần 50 tuổi) mỗi tháng sản xuất gần 70 tấn cốm bán khắp nơi. Ít người biết rằng bánh cốm đặc sản Hàng Than, hay cốm làng Vòng ở Hà Nội phần lớn làm từ cốm nguyên liệu của nhà anh. Anh Nhẫn tự lái chiếc xe tải nhỏ, cứ vài ngày lại chở ba - bốn tấn cốm về Hà Nội bỏ mối. Đều đều mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập 20-30 triệu đồng. Cơ sở này thu hút đến 150 lao động làm việc lúc nông nhàn, thu mua 150 tấn thóc nếp mỗi tháng. Theo anh Nhẫn, bà con trồng lúa nếp làm cốm hiệu quả cao hơn 20% so lúa thường, đem lại thu nhập 5-10 triệu đồng/người/tháng. Con số này ở nông thôn không hề nhỏ.

Làm lúa trên diện tích bình quân chia theo đầu người, theo hộ, quả thật rất khó giàu. Nhưng để làm giàu trên một diện tích canh tác hạn chế vẫn còn nhiều con đường khác.

Cũng ở huyện Vũ Thư (Thái Bình), xã Hồng Phong có nghề trồng dâu nuôi tằm. Điều đặc biệt ở đây là người ta nuôi tằm không phải để lấy tơ mà để lấy… kén cắt ra con nhộng. Nắng chiều sắp tắt, hai vợ chồng ông Phạm Văn Ngọc, bà Nguyễn Thị Ngọc đang nhanh tay hái nốt đám lá dâu. Gia đình có 7-8 sào ruộng dâu (1 sào Bắc Bộ = 0,036ha), mỗi năm tính ra cũng được 6-7 tạ kén. Giá thu mua kén của thương lái 100-110 đồng/kg. Ông chỉ việc nuôi tằm đến lúc ra kén là bán lại. Dân thương lái thu kén rồi tự cắt kén (kén cắt lấy nhộng rồi không thể lấy tơ được nữa) lấy nhộng đem về các thành phố lớn tiêu thụ.

Người ta nói “nuôi lợn ăn cơm nằm, nuôi tằm ăn cơm đứng”, ông Ngọc lại nghĩ khác. Nuôi tằm bây giờ ít rủi ro vì tằm kỵ ngày nóng nhưng giờ đã có điều hòa, một tháng hai lứa đều đều. Ông Ngọc tủm tỉm: “Mà các chú không biết đâu, cái phân con tằm cũng có giá nhé. Mấy tay trồng lan mua được cái này thì sướng phải biết! Còn ruộng dâu phía dưới đánh luống trồng rau bắp cải cực tốt. Có năm giá bắp cải lên cao, nhẹ nhàng cũng thu về 1-1,5 triệu đồng/sào, tương đương trồng lúa”.

Nói đến trồng rau, không thể không nhắc đến huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. Người Cẩm Giàng trồng rau nổi tiếng cả nước, sau này còn đi sang các tỉnh khác thuê đất trồng rau, màu. Hơn 10 năm trước họ ghé qua vùng đất bãi xã Cao Đức (huyện Gia Bình, Bắc Ninh). Trong lán nghỉ dựng cạnh cánh đồng ngoài bãi của xã Cao Đức, ông Nguyễn Văn Khỏe ngồi bên ấm nước chè kể chuyện: “Trước người Hải Dương về đây thuê đất, thuê người trồng cà rốt. Họ không thuê người nói nhiều và ăn trầu đâu. Sau dần dà chúng tôi cũng học theo cái nghề của họ… Giờ ở đây ai cũng mong có thêm đất làm màu”.

Ông Khỏe hiện tại đang canh tác trên 2ha đất bãi (chủ yếu là đất thuê). Mỗi năm trồng một vụ cà rốt, hai vụ dưa. Riêng cà rốt thu 8 triệu đồng/sào/vụ (chưa trừ chi phí). Ông nói từ đầu đến cuối, nói say sưa về cà rốt. Ấy vậy mà khi được hỏi thu nhập một năm ông lại cười khì: “Đương nhiên là trồng màu hơn trồng lúa nhiều chứ. Có thế tôi mới nuôi được các con ăn học nên người”.

Cây trồng nông nghiệp không chỉ để ăn. 10 năm gần đây cây trồng để chơi đôi khi thay đổi bộ mặt địa phương “chóng mặt”. Đi dọc đường làng Cổ Quán (xã Hồng Việt, huyện Đông Hưng, Thái Bình), có một đường rẽ nhánh to gấp đôi đường chính. Con đường bê-tông có cả cột đèn led chiếu sáng, rộng gần 8m dẫn vào khu nhà của ba anh em ông Nguyễn Quang Lưu. Căn nhà ba tầng của ông Lưu nằm chính giữa, bên cạnh là một hồ nước nhỏ, bờ kè xi-măng xinh xắn, giữa hồ có cả đài phun nước điệu đà!

Ông Lưu vốn là cựu chiến binh Vị Xuyên, giải ngũ về quê làm nông nghiệp, tâm sự: Cái nghề cây cảnh này xuất hiện ở làng Cổ Quán chả biết từ bao giờ. Trước đây cả làng chỉ trồng cây giống, nhưng hiện tại mạnh cả về cây thế. Có người cho rằng nghề cây cảnh truyền về từ Phụng Công, Cửu Cao, Hưng Yên. Có người nói từ nơi khác. Nhưng điều đó cũng chả quan trọng. Thương lái những vùng trồng cây cảnh nổi tiếng như Nam Điền bây giờ vẫn thường qua nhà ông lấy phôi cây cảnh. Có những thời điểm họ mua phôi me cảnh của ông đến cả triệu đồng một phôi, đắt hơn cả cây thành phẩm (đã tạo thế) ông bán ra thị trường tỉnh khác. Mối lái Hà Nội thì thường về đặt ông làm cây thế mini. Do có khiếu thẩm mỹ, lại thâm niên trong nghề, cây cảnh ông làm có những nét riêng, rất đắt hàng. Nhưng tạo dáng cây cảnh mini mất nhiều công nên ông chỉ làm vài chục cây mỗi đợt bán cho vui. Chủ yếu vườn cây gần ba mẫu đối diện bên kia đường trồng cây giống, bán vào phía nam.

Tuy chưa phải là đã già, người đàn ông sinh năm 1967 này có vẻ đã không bận tâm nhiều về tiền. Ông rủ thêm mấy người bạn trước cùng đơn vị về làm chung. Nhà có bốn cô con gái, hai cô đã lấy chồng và hai chàng rể cũng bắt đầu theo nghiệp bố vợ.

Ông Lưu xoay nhẹ chén chè nóng trên tay: “Tôi bây giờ bắt đầu nghĩ đến việc mỗi năm phải bớt chút thời gian đi du lịch cho sướng”. Người bạn cựu binh ngồi cạnh vui vẻ châm chọc: “Mỗi năm trừ chi phí lãi tầm một tỷ đồng, mà ông làm cái nghề này cũng gần 30 năm rồi. Nhà toàn con gái thì kiếm tiền làm gì nữa?”.

Dòng sông Thái Bình, sông Hồng vẫn bên lở bên bồi mà đã cạn, vắng phù sa. Thế nhưng những ước mơ mới vẫn sinh sôi và được nuôi dưỡng “lớn khôn” từng ngày. Nếu nói đất đai là hữu hạn thì bàn tay, khối óc của con người nơi đây dường như vô hạn.

(Còn nữa)