ĐỒNG CHÍ ĐOÀN MINH HUẤN, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY NINH BÌNH |
Biến di sản thành tài sản, nguồn lực hóa tài nguyên tạo thế mạnh
Năm Giáp Thìn 2024 có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tỉnh Ninh Bình để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ cả nhiệm kỳ 2020-2025, khi nhiều chỉ tiêu những năm chống dịch Covid-19 (và chịu ảnh hưởng suy thoái kinh tế toàn cầu) chưa đạt được, phải dồn lại cuối nhiệm kỳ. Dự báo tình hình năm 2024, tỉnh Ninh Bình tiếp tục còn nhiều khó khăn. Càng khó khăn thì Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình càng phải có quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt.
Bứt phá đi lên từ khó khăn, tìm cơ hội trong thách thức, biến tiềm năng thành tiềm lực, biến di sản thành tài sản, “nguồn lực hóa” các tài nguyên văn hóa, thiên nhiên và con người phục vụ cho phát triển là phương châm hành động nhất quán của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Ninh Bình.
Tạo sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân, Ninh Bình tập trung huy động mọi nguồn lực, giải phóng mọi tiềm năng, thế mạnh cho phát triển, lấy du lịch làm mũi nhọn, lấy phát triển công nghiệp văn hóa làm đột phá, lấy công nghiệp cơ khí ô-tô làm động lực, lấy nông nghiệp sinh thái làm trụ đỡ.
Kế thừa những thành tựu đã được tạo dựng sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Ninh Bình nỗ lực tìm tòi, khai phá những hướng đi mới, bảo đảm cho phát triển nhanh và bền vững; nhất là kinh tế sáng tạo, kinh tế di sản, kinh tế thể thao, kinh tế đô thị, công nghiệp văn hóa…; gắn với thúc đẩy liên kết vùng và các con đường di sản, đối tác công-tư, cơ cấu lại vai trò chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội trong mô hình phát triển mới.
Ninh Bình hướng tới xây dựng Hoa Lư - Ninh Bình thành đô thị di sản thiên niên kỷ, đưa tỉnh đến năm 2030 về cơ bản đạt tiêu chí thành phố trực thuộc Trung ương. Tỉnh tập trung phục dựng, bảo tồn, phát huy di sản Cố đô Hoa Lư, các giá trị độc đáo, tiềm năng nổi trội, lợi thế riêng có, phát huy sức mạnh mềm thông qua mạng lưới các đô thị di sản sở hữu danh hiệu UNESCO.
Bằng quyết tâm mới, khí thế mới, động lực mới, dựa trên nền tảng truyền thống lịch sử-văn hóa của vùng đất Cố đô Hoa Lư, năm Giáp Thìn 2024, tỉnh Ninh Bình chắc chắn sẽ tạo được sự bứt phá mạnh mẽ trong hành trình thực hiện khát vọng vươn lên.
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN ĐÌNH TRUNG, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY ĐẮK LẮK |
Mở rộng không gian phát triển cho tiểu vùng Trung Tây Nguyên
Nghị quyết số 23-NQ/TW, ngày 06/10/2022 của Bộ Chính trị về “Phương hướng phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Tây Nguyên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, có ý nghĩa rất quan trọng và thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước ta đối với Vùng Tây Nguyên, đáp ứng nguyện vọng của các đảng bộ, chính quyền và nhân dân các tỉnh Tây Nguyên trong bối cảnh phát triển mới.
Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ quan trọng cho tỉnh Đắk Lắk là Tiểu vùng Trung Tây Nguyên tập trung phát triển năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến các sản phẩm nông, lâm sản, đặc biệt là sản xuất, chế biến, xuất khẩu cà-phê; phát triển các trung tâm dịch vụ thương mại, trung chuyển hàng hóa.
Không gian phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Lắk gắn với các tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên theo hành lang Quốc lộ 26, 29 và tuyến cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột. Về tổ chức mạng lưới đô thị Vùng Tây Nguyên dựa trên ba trung tâm đô thị động lực, trong đó thành phố Buôn Ma Thuột là đô thị trung tâm Vùng…
Căn cứ Nghị quyết số 23-NQ/TW, cùng với Kết luận số 67-KL/TW, ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Chương trình hành động của Chính phủ về thực hiện Kết luận số 67-KL/TW, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã ban hành Chương trình số 37-CTr/TU, ngày 18/4/2023 để triển khai thực hiện chủ trương trên, trong đó đề ra các giải pháp quan trọng xây dựng và phát triển tỉnh Đắk Lắk trên cơ sở khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh, kết hợp hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường gắn chặt với việc bảo đảm quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bảo đảm phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của cả nước, với hệ thống quy hoạch quốc gia và phù hợp chiến lược quốc gia về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, thích ứng biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia trong việc triển khai, xây dựng Quy hoạch tỉnh Đắk Lắk thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm cụ thể hóa các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh đã đề ra.
Xuất phát từ tình hình nội tại, tỉnh Đắk Lắk còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức làm ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh.
Vì vậy, trong thời gian tới, cùng với nội lực của địa phương, Đắk Lắk mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, sự đồng hành, hỗ trợ của các ban, bộ, ngành Trung ương để tiếp tục thực hiện công cuộc đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trong giai đoạn tiếp theo.
PHẠM ĐẠI DƯƠNG, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY, TRƯỞNG ĐOÀN ĐBQH TỈNH PHÚ YÊN |
Để người dân được sống ấm no và hạnh phúc
Xây dựng và phát triển quê hương Phú Yên giàu mạnh và bền vững là ước mơ và thành quả lao động của bao thế hệ cha ông. Ngày nay, trách nhiệm của chúng ta là phải hiện thực hóa được ước mơ bởi vì chúng ta đang sở hữu điều kiện và cơ hội vàng, trong một giai đoạn phát triển tiến bộ và đầy triển vọng của đất nước.
Nuôi dưỡng niềm tin
Thật vui mừng khi du khách đến Việt Nam, đặt chân lên vùng đất Phú Yên, đều có chung nhận định, đó là “an hòa”. Hòa ở đây là người dân bản địa thân thiện, mến khách, hiền lành. Hòa ở đây chính là an ninh, an toàn của một địa phương trong một quốc gia thái hòa.
Quảng trường Tháp Nghinh Phong (Tuy Hòa, Phú Yên) được trao giải Cảnh quan đô thị châu Á 2023. (Ảnh: VIỄN DUY) |
Để có những giá trị được kết tinh thành chữ “An”, chữ “Hòa” đó, là nỗ lực của nhiều thế hệ đi trước. Những không gian và sản phẩm văn hóa đậm đà hương sắc Phú Yên là sự kiến tạo và giữ gìn của nhiều đời, tích lũy gom góp cho con cháu hôm nay và mai sau. Như Lễ hội cầu ngư của ngư dân các huyện Tuy An, Sông Cầu, gắn liền với nghề cá, vừa nuôi sống con người, vừa vươn xa theo dấu chân hành trình mở cõi của người xưa. Hay Hội thơ Nguyên tiêu - Núi Nhạn, thể hiện khí chất, tinh thần của con người Phú Yên, hăng say lao động và lạc quan yêu đời.
Sống trong một vùng đất bình yên, có núi rừng hùng vĩ, có ruộng đồng bát ngát, có biển cả mênh mông, chúng ta thật may mắn và hạnh phúc. Hãy nuôi dưỡng niềm tin vào một ngày mai tươi đẹp hơn, hãy vun đắp ước mơ về một Phú Yên giàu có, người dân được sống trong no ấm và an hòa.
Biến ước mơ thành giá trị thực
Chỉ có hành động mới hiện thực hóa được ước mơ. Ước mơ không thể bất ngờ thành hiện thực mà là sự vận động hằng ngày, xuất hiện qua công việc, bằng quyết tâm và nỗ lực lao động thường trực, với những sáng tạo không ngừng.
Cán bộ, công chức làm việc chuyên nghiệp, chuyên môn cao, đúng pháp luật, phục vụ người dân, doanh nghiệp có hiệu quả, có trách nhiệm. Việc công vụ làm tốt từng ngày, giải quyết từng hồ sơ, xử lý từng thủ tục nhanh gọn, tiết kiệm thời gian và tiền bạc cho người dân, tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực hiện các dự án phát triển sản xuất, kinh doanh.
Xây dựng chính quyền điện tử hoàn chỉnh, để quan hệ Nhà nước - Công dân được thực hiện trên các nền tảng, ứng dụng hiện đại. Người dân, doanh nghiệp được thụ hưởng sản phẩm hành chính tiến bộ, không gian hành chính lành mạnh, không bị nhũng nhiễu. Bộ máy hành chính chuyên nghiệp và liêm chính sẽ thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài đến Phú Yên, cùng người dân Phú Yên xây dựng quê hương giàu đẹp.
Từng doanh nghiệp kinh doanh ở Phú Yên, không buôn gian bán lận, cung cấp sản phẩm chất lượng, giá cả trung thực, sẽ thu hút được nhiều du khách đến địa phương.
Cùng với chính quyền hành động là hành động của mỗi người dân. Công dân Phú Yên chấp hành các quy định của pháp luật, tránh xa việc xấu, các tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng văn minh, tiến bộ. Từng gia đình nuôi dạy con cái thành đạt, là công dân hữu ích.
Mỗi gia đình biến ước mơ hạnh phúc no ấm của riêng mình thành hiện thực, thì sẽ có một cộng đồng hạnh phúc, ấm no thật sự. Những điều đó chính là hành động để biến ước mơ thành hiện thực.
Bệ phóng vững chắc để vươn xa, bay cao
Những việc nêu trên sẽ làm được dựa trên nền tảng vững chắc mà chúng ta đã xây dựng được trong năm 2023 và những năm trước. Năm 2023, Phú Yên đạt tăng trưởng kinh tế của tỉnh (GRDP) 9,16%, vượt kế hoạch giao, đứng trong tốp 10 tỉnh, thành phố cả nước có mức tăng trưởng tốt nhất. Đó là thành quả quan trọng, làm bàn đạp để tỉnh tiếp tục tăng trưởng, vươn lên những vị trí cao hơn trong bảng xếp hạng tăng trưởng hằng năm.
Một điểm sáng khác, xếp hạng kết quả thực hiện Bộ chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường năm 2022, Phú Yên xếp thứ 28/63. Điều đáng ghi nhận ở đây, đó là trong một năm, Phú Yên vượt lên 33 bậc về chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường. Chúng ta tin rằng, chính quyền quyết tâm hành động, mỗi người dân đều tham gia gìn giữ thiên nhiên bằng hành động cụ thể, chắc chắn Phú Yên sẽ là địa phương vượt lên tốp đầu về bảo vệ môi trường trong những năm tới.
Đặc biệt, bước vào năm mới, chúng ta được đón nhận tin vui bằng sự kiện lớn, đó là Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tỉnh Phú Yên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng trở thành trung tâm kinh tế biển của vùng duyên hải Trung Bộ.
Nền tảng đã có, con đường đã rõ, mục tiêu vạch ra rất cụ thể, chỉ còn bắt tay hành động và hành động quyết liệt. Mỗi người, với “tư duy toàn cầu, tầm nhìn quốc gia và hành động địa phương” phải “7 dám”: “dám nghĩ; dám nói; dám làm; dám chịu trách nhiệm; dám đổi mới, sáng tạo; dám đương đầu với khó khăn, thử thách; và dám hành động vì lợi ích chung” như chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đồng thời, phải hành động với tinh thần “Làm hết việc, không phải làm hết giờ làm việc”.
Có như thế, chúng ta mới hun đúc ý chí, ước mơ vươn lên, không chịu tụt hậu. Mỗi cán bộ, đảng viên, mỗi người con Phú Yên cùng hành động, tạo thành sức mạnh tổng hợp. Có như thế, chúng ta mới phát triển tỉnh nhà phồn thịnh, người dân có cuộc sống bình an, no ấm và hạnh phúc, trong một đất nước Việt Nam yên vui, thái hòa.
ĐỒNG CHÍ LÊ TIẾN CHÂU, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ THÀNH ỦY HẢI PHÒNG |
Động lực quan trọng tạo dựng tương lai của thành phố Cảng
Năm 2023, với sự chung sức, đồng lòng và sự quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thành phố, Hải Phòng luôn nằm trong tốp đầu của cả nước về phát triển kinh tế-xã hội với tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 10,34%, duy trì chín năm liên tục ở mức hai con số; thu nội địa ước đạt 42.500 tỷ đồng đạt mục tiêu đề ra, tăng 3,65% so với năm 2022; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả lịch sử với 3,5 tỷ USD, vượt 1,75 lần so với kế hoạch, gấp 1,4 lần so với năm 2022.
Cùng với đó, thành phố cũng tập trung thực hiện đạt kết quả tích cực các nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm, đặt nền móng cho sự phát triển của thành phố trong tương lai…
Năm 2024 rất quan trọng, quyết định sự thành công trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 16, cũng như hiện thực hóa mục tiêu xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng theo Nghị quyết số 45 của Bộ Chính trị.
Theo đó, thành phố tiếp tục nắm bắt cơ hội, tập trung nguồn lực để tiếp đà tăng trưởng GRDP mạnh mẽ với mục tiêu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP 11,5% - 12,0% so với năm 2023; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 106,7 nghìn tỷ đồng; sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 190 triệu tấn; kim ngạch xuất khẩu đạt 33 tỷ USD; thu hút 9,1 triệu lượt khách du lịch; hoàn thành xây dựng 48 xã nông thôn mới kiểu mẫu; thu hút từ 2 đến 2,5 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài; 94% số dân tham gia bảo hiểm y tế; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,38%...
Cùng với đó, Hải Phòng tập trung cao độ hoàn thành hai nhiệm vụ quan trọng là đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án thành lập Khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng cùng với chủ trương thành lập Khu kinh tế phía nam thành phố. Đây sẽ là “cú huých” quan trọng đối với sự phát triển của thành phố Cảng trong giai đoạn tới.
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN HỒNG LĨNH, ỦY VIÊN TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ TỈNH ỦY ĐỒNG NAI |
Chú trọng nâng cao chất lượng cuộc sống người dân
Trong năm 2024, dự báo nền kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Đồng Nai nói riêng sẽ phải tiếp tục đối mặt rất nhiều khó khăn, thách thức, tỉnh tiếp tục tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, đó là thực hiện các giải pháp đồng bộ, tạo sự chuyển biến tích cực, mạnh mẽ các mục tiêu, nhiệm vụ đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 11 đề ra.
Tỉnh Đồng Nai sẽ tiếp tục thực hiện việc thay đổi mô hình tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư có chọn lọc; thúc đẩy phát triển các trụ cột kinh tế của tỉnh; xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh; chú trọng giải pháp để vừa tăng trưởng kinh tế bền vững, vừa bảo vệ môi trường hiệu quả, thực hiện phục hồi môi trường và tiến tới kiểm soát hiệu quả; tăng cường chỉ đạo thực hiện nghiên cứu và ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số vào thực tiễn sản xuất và đời sống; siết chặt kỷ luật hành chính, kỷ cương công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, tinh thần và thái độ phục vụ của đội ngũ cán bộ, nhất là ở các cơ quan hành chính nhà nước.
Một góc Khu công nghiệp Amata tỉnh Đồng Nai. (Ảnh: BÁO ĐỒNG NAI) |
Đối với nhiệm vụ chăm lo mục tiêu phát triển con người, hướng đến phát triển bền vững, lãnh đạo các cấp phải nỗ lực chứng minh đây là vùng đất mà người dân sống hạnh phúc nhất.
Điều này đặt ra yêu cầu các cấp ủy, chính quyền cần phải quan tâm chỉ đạo, lãnh đạo, điều hành nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo; thúc đẩy các hoạt động rèn luyện thể chất, hoạt động thể thao, góp phần nâng cao thể trạng, sức khỏe và giá trị tinh thần của người dân; nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa; nâng cao chất lượng hệ thống y tế cơ sở, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân; thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số để phục vụ người dân hướng tới xã hội số, chính quyền số và phát triển kinh tế số.
Tỉnh chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho người lao động gắn với yêu cầu phát triển nguồn nhân lực của tỉnh, chú trọng đến vấn đề học nghề và việc làm cho giới trẻ.
ĐỒNG CHÍ NGUYỄN VĂN HIẾU, ỦY VIÊN DỰ KHUYẾT TRUNG ƯƠNG ĐẢNG, BÍ THƯ THÀNH ỦY CẦN THƠ |
Thời cơ, vận hội mới cho vùng đất Chín Rồng
Thời cơ lớn mà thành phố Cần Thơ có được trong nhiệm kỳ 2020-2025 là đón nhận các Nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị, của Quốc hội… cho sự phát triển thành phố Cần Thơ nói riêng và vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung. Phát huy vai trò, vị trí là trung tâm của vùng đồng bằng sông Cửu Long, Cần Thơ ưu tiên đầu tư xây dựng trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của vùng đồng bằng sông Cửu Long; đầu tư xây dựng hệ thống logistics hàng không, cảng sông, trung tâm logistics cấp vùng tại Cần Thơ. Cùng với đó, đầu tư các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố (Ô Môn, Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ, Thới Lai, Khu công nghiệp hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản, Vườn ươm công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc); phát triển Trung tâm điện lực Ô Môn phù hợp quy hoạch năng lượng quốc gia.
Cần Thơ quan tâm việc đầu tư hệ thống giao thông đồng bộ, đường thủy, đường hàng không, đường sắt nhằm tạo sự kết nối thuận lợi giữa thành phố Cần Thơ và các tỉnh trong vùng, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là tuyến đường cao tốc theo trục dọc (Trung Lương-thành phố Cần Thơ-Cà Mau), trục ngang (Châu Đốc-thành phố Cần Thơ-Sóc Trăng).
Tập trung thực hiện ba khâu đột phá và tám nhiệm vụ, giải pháp đã được xác định từ đầu nhiệm kỳ, Cần Thơ đặt trọng tâm vào thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là đối với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung. Tăng cường huy động và sử dụng có hiệu quả nguồn lực đầu tư của xã hội, thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp trong nước…
Thành ủy Cần Thơ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp trong công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.