Khánh Hòa nỗ lực giữ đà tăng trưởng bền vững

Có thể nói, Khánh Hòa đang có thế và lực tốt nhất từ trước đến nay. Tỉnh đang triển khai nhiều nhóm giải pháp quyết liệt nhằm giữ đà tăng trưởng bền vững, phấn đấu hoàn thành 26 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra, hướng tới mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030.
0:00 / 0:00
0:00
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân (thứ hai từ phải sang) kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ khánh thành đường cao tốc Nha Trang-Cam Lâm.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân (thứ hai từ phải sang) kiểm tra công tác chuẩn bị cho lễ khánh thành đường cao tốc Nha Trang-Cam Lâm.

Phóng viên Báo Nhân Dân có cuộc trao đổi cùng đồng chí Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa chung quanh nội dung này.

Từng tham gia giữ các chức vụ lãnh đạo tỉnh qua nhiều nhiệm kỳ, đồng chí có thể chia sẻ suy nghĩ, cảm tưởng của mình khi làm Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa nhiệm kỳ 2021-2026?

Đồng chí NGUYỄN TẤN TUÂN: Có thể nói, đó là những trải nghiệm chưa từng có. Đại dịch Covid-19 đã gây chấn động dữ dội trong phát triển kinh tế-xã hội, đời sống nhân dân.

Năm 2020, lần đầu tiên, kinh tế Khánh Hòa tăng trưởng âm, với mức -10,5%, thuộc nhóm các tỉnh tăng trưởng âm sâu nhất cả nước. Tỉnh triển khai nhiều giải pháp tích cực, chủ động, nhưng, tăng trưởng kinh tế năm 2021 vẫn âm, với mức -5,58%.

Thực hiện có hiệu quả “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, tỉnh đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát triển dịch vụ, du lịch và kinh tế biển; thúc đẩy phát triển kinh tế số, với các giải pháp tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để khơi thông các nguồn lực cho phát triển; xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng quan trọng, nhất là các dự án giao thông.

Song song đó, tỉnh dành nhiều tâm huyết tập trung lập quy hoạch và xây dựng lại hàng loạt quy hoạch của tỉnh nhằm tạo đà để phát triển kinh tế-xã hội trong tương lai; trọng tâm là việc triển khai lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; lập Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040 và Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Khánh Hòa đã phục hồi mạnh mẽ. Từ chỗ có 2 năm liên tiếp tăng trưởng âm, năm 2022 kinh tế Khánh Hòa có mức tăng trưởng đột phá: GRDP tăng 20,7%, là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế dẫn đầu cả nước. Và đây cũng là lần đầu tiên Khánh Hòa có mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng như vậy.

Nhiều người nói, 2022 là năm để lại nhiều dấu ấn sâu sắc trong tiến trình phát triển kinh tế-xã hội của Khánh Hòa, ý kiến của đồng chí?

Đồng chí NGUYỄN TẤN TUÂN: Đúng vậy! Năm 2022, trên cơ sở tổng kết, đánh giá 10 năm thực hiện Kết luận số 53-KL/TW, ngày 24/12/2012 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách mới, vượt trội nhằm khơi thông tiềm năng, giải tỏa những khó khăn, vướng mắc, góp phần quan trọng để Khánh Hòa bứt phá, phát triển lên tầm cao mới.

Tiếp đến, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 55/2022/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với tỉnh Khánh Hòa về quản lý tài chính, ngân sách nhà nước; phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, đất đai, môi trường; tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư công; phát triển Khu kinh tế Vân Phong và phát triển kinh tế biển tại tỉnh Khánh Hòa.

Hai Nghị quyết này như hai cánh cửa mở ra hướng phát triển mới cho Khánh Hòa.

Tiếp tục đà tăng trưởng, năm 2023, GRDP của tỉnh tăng 10,35%, đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và duyên hải miền trung, xếp thứ 4 cả nước.

Từ thực tiễn phân tích ở trên, có thể nói, Khánh Hòa đang có thế và lực tốt nhất từ trước đến nay. Tỉnh đang cố gắng khắc phục một số mặt hạn chế như cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng nhưng còn chậm; trình độ phát triển của tỉnh chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế… hướng tới mục tiêu năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, theo tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị.

Đồng chí có thể nói rõ hơn những giải pháp để Khánh Hòa có thể đạt được mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030?

Đồng chí NGUYỄN TẤN TUÂN: Tỉnh đang tập trung công tác quản lý quy hoạch, nhất là Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được phê duyệt.

Theo đó, tập trung phát triển các vùng kinh tế-xã hội theo hướng: Phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh; phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng, có vai trò hỗ trợ các vùng trọng điểm; phát triển nhanh và bền vững vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa.

Cùng với đó, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh, tiềm năng, trong đó lựa chọn khoa học và công nghệ hiện đại là động lực tăng trưởng và dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế.

Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; phát triển hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số làm cơ sở để Khánh Hòa phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ chính ra Biển Đông, có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ, các vùng, miền trong cả nước và quốc tế.

Thưa đồng chí, vừa rồi Hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa khóa XVIII đánh giá thế nào về tình hình phát triển kinh tế-xã hội địa phương từ đầu nhiệm kỳ đến nay?

Đồng chí NGUYỄN TẤN TUÂN: Tỉnh ủy thống nhất đánh giá, giai đoạn 2021-2023, tăng trưởng GRDP toàn tỉnh đạt bình quân 7,62%/năm, trong khi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra là 7,5%. Tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) trong GRDP đạt 52,81%, trong khi Nghị quyết Đại hội đề ra là 40%.

Theo số liệu của Tỉnh ủy, trong 26 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh khóa XVIII đề ra, dự báo tới cuối nhiệm kỳ sẽ có 23/26 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra, trong đó có 11 chỉ tiêu khả năng vượt Nghị quyết Đại hội, gồm tất cả các chỉ tiêu về kinh tế và xây dựng Đảng; còn 3/26 chỉ tiêu cần tiếp tục nỗ lực vượt bậc để đạt được.

Như vậy, những việc gì được tập trung đầu tư thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ?

Đồng chí Nguyễn Tấn Tuân: Về kinh tế-xã hội, tỉnh sẽ tổ chức sơ kết các Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về 4 chương trình phát triển kinh tế-xã hội trọng điểm; có kế hoạch, lộ trình, giải pháp cụ thể để phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu dự báo là khó đạt được theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XVIII từ nay đến cuối nhiệm kỳ, đó là các nội dung xây dựng nông thôn mới, tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội, tỷ lệ che phủ rừng…

Trong quá trình thực hiện, tỉnh sẽ chú trọng ban hành các giải pháp tổng thể để phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng trưởng xanh, bảo vệ môi trường; xây dựng Đề án phát triển bền vững trong bối cảnh chuyển đổi xanh giai đoạn 2023-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!