Sóc Trăng hiện thực hoá khát vọng phát triển

Sóc Trăng là tỉnh hội tụ đủ tiềm năng, lợi thế để phát triển về kinh tế - xã hội, nhất là về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, kinh tế biển và ven biển.
0:00 / 0:00
0:00
Lễ khởi công tuyến đườn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng
Lễ khởi công tuyến đườn cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã xác định nghiên cứu, đầu tư phát triển nhiều công trình, dự án chiến lược trên địa bàn tỉnh mang tính lan tỏa, tạo động lực phát triển không chỉ cho tỉnh Sóc Trăng mà cả vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu khẳng định, Đảng bộ tỉnh Sóc Trăng tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao năng lực lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp. Tập trung khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương. Có kế hoạch và những bước đi cụ thể; xác định thứ tự ưu tiên để phân bổ nguồn lực hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm để thực hiện thành công các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng theo Quy hoạch.

Theo Quy hoạch đến năm 2030, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) đạt bình quân 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 124 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27%; công nghiệp - xây dựng đạt khoảng 35%; dịch vụ đạt khoảng 30%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm đạt khoảng 8%. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 14.000 tỷ đồng. Kinh tế chiếm 20% GRDP của tỉnh. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP đạt khoảng 45%.

Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 40 - 45%. Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân 02 - 03%/năm, trong đó, giảm tỷ lệ hộ Khmer nghèo 03 - 04%/năm. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%, trong đó, đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 32,5%. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia là 90%. Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 95%, tỷ lệ giường bệnh/10.000 dân là 33 giường, tỷ lệ bác sĩ/10.000 dân là 11 người.

Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt đô thị, công nghiệp, dịch vụ được thu gom và xử lý đạt 98 - 99%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt khu dân cư nông thôn, làng nghề được thu gom và xử lý đạt 75%. Tỷ lệ khu công nghiệp, cụm công nghiệp đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 100%. Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98 - 100%. Tỷ lệ dân số nông thôn sử dụng nước sạch đáp ứng quy chuẩn đạt 75%. Tỷ lệ che phủ rừng khoảng 03%.

Sóc Trăng tổ chức không gian thành 4 vùng kinh tế - xã hội. Thứ nhất, vùng ven biển là vùng gồm toàn bộ diện tích đất liền của TP. Sóc Trăng với đất liền và phần không gian biển của thị xã Vĩnh Châu và huyện Trần Đề. Đây là vùng động lực trung tâm phát triển, lan tỏa. Vùng ven biển phát triển theo hướng tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực bao gồm: đô thị - công nghiệp - thương mại, dịch vụ hậu cần logistics - du lịch- nông nghiệp, thủy sản gắn với kinh tế biển cảng biển.

Thứ hai, vùng ven sông Hậu là vùng gồm toàn bộ diện tích các huyện Châu Thành, Kế sách, Long Phú. Kinh tế vùng ven sông Hậu phát triển theo hướng tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả cao, công nghiệp, đô thị và dịch vụ.

Thứ ba, vùng nội địa gồm toàn bộ diện tích của thị xã Ngã Năm, các huyện Thạnh Trị, Mỹ Tú, Mỹ xuyên. Vùng nội địa phát triển theo hướng khai thác các điều kiện thuận lợi sản xuất nông nghiệp gắn với công nghiệp, đô thị và dịch vụ.

Thứ tư, vùng Cù Lao Dung gồm huyện Cù Lao Dung định hướng phát triển chủ yếu về dịch vụ kết hợp đô thị, thương mại, dịch vụ và các mô hình nông nghiệp. Đây là vùng đặc biệt, vùng du lịch trọng điểm của Sóc Trăng với tầm nhìn sẽ trở thành nơi nghỉ dưỡng cao cấp và nơi đáng sống của nhân dân trong và ngoài Tỉnh.

Tầm nhìn đến năm 2050, Sóc Trăng trở thành khu vực phát triển động lực của vùng đồng bằng sông Cửu Long gắn với phát triển cảng biển Trần Đề; là tỉnh có kinh tế phát triển khá của cả nước, vận hành theo phương thức chính quyền số, kinh tế số và xã hội số đối với các hoạt động kinh tế - xã hội; các ngành sản xuất, dịch vụ thông minh với các mô hình kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Các lĩnh vực xã hội phát triển hài hòa; môi trường và cảnh quan thiên nhiên được gìn giữ. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, hạnh phúc.

Lãnh đạo tỉnh Sóc Trăng cam kết để thực hiện thành công Quy hoạch, tỉnh đầy mạnh cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là tạo đột phá trong cải cách thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng, thực sự hấp dẫn các nhà đầu tư.

Tỉnh huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực nhà nước, tư nhân và các nguồn lực hợp pháp khác để tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, đảm bảo đồng bộ, hiệu quả, trong đó ưu tiên đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông có ý nghĩa chiến lược, kết nối tỉnh Sóc Trăng với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế.

Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng cũng đưa ra phương án tổ chức 2 hành lang kinh tế. Cụ thể, Hành lang kinh tế Bắc - Nam gồm các tuyến: TP.HCM - Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau (Quốc lộ 1) đảm nhận phần lớn khối lượng hàng hóa liên tỉnh; Cần Thơ - Sóc Trăng - Cà Mau (Quản lộ Phụng Hiệp) và Cần Thơ - Sóc Trăng (Quốc lộ 91B) thu gom nguyên liệu cho các vùng công nghiệp chế biến, mở rộng cửa ngõ vùng cho cảng biển Trần Đề; Sóc Trăng - Bạc Liêu kết nối thông qua tuyến đường bộ ven biển; Quốc lộ 60 kết nối thị xã Ngã Năm - Thạnh Trị - Mỹ Tú - Châu Thành - TP. Sóc Trăng - Long Phú và tỉnh Trà Vinh.

Hành lang kinh tế Đông - Tây gồm các tuyến: cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối cảng biển nước sâu Trần Đề với các tỉnh phía Tây vùng ĐBSCL và Vương Quốc Campuchia; Đường tỉnh 937B kết nối thị xã Ngã Năm - Thạnh Trị - Mỹ Xuyên và thị xã Vĩnh Châu; Đường tỉnh 934B - một trong những trục động lực phát triển của tỉnh kết nối TP. Sóc Trăng với huyện Trần Đề.