Những đàn chim phí vẫn bay về cội nguồn

Văn hóa Tây Nguyên, quen mà lạ! Quen và lạ như những gì mà người trải nghiệm đã lờ mờ hiểu và những bí ẩn chưa đủ sức lý giải. Quen và lạ như chính những người bạn núi thân thương của tôi. Tôi và họ đã có với nhau nhiều cuộc gặp gỡ, nhiều dịp cùng đắm đuối trong cơn say đại ngàn. Đó là kiểu say ngả say nghiêng, chếnh choáng phiêu bồng tay gác núi này, chân lội sông kia. Vậy rồi, tôi đã hiểu họ chưa, đã thật sự hòa hợp cùng tâm tính họ chưa?...
0:00 / 0:00
0:00
Nghệ nhân già truyền dạy các em học sinh sử dụng nhạc cụ truyền thống.
Nghệ nhân già truyền dạy các em học sinh sử dụng nhạc cụ truyền thống.

1 Cố gắng để giải mã “nguồn gien văn hóa” trong tâm hồn những người con đại ngàn là điều rất khó. Hiểu để rồi yêu và yêu rồi để hiểu - tôi đã chọn cho hành trình kiếm tìm của mình như vậy nhưng nhiều khi thật sự bất lực trước sự hiểu biết còn nhiều nông cạn. Những lúc đó, tôi đành chọn cách ngước đôi mắt lên bầu trời cao nguyên, dõi tìm bóng hình những đàn chim phí mải miết bay về cội nguồn. Tôi nghĩ, những người bạn núi cũng vậy, họ cũng theo hướng bay của đàn chim tràn đầy sức sống ấy. Họ chỉ có thể tựa vào văn hóa tộc người để làm kháng thể đối diện với mọi chông chênh, chọn tình yêu xứ sở làm sợi dây dẫn dắt bước chân “trở về” với bản thể chính mình.

Như Krajăn Plin, người bạn Cơ Ho của tôi, người đàn ông núi viết nhạc và hát. Plin giỏi nhiều thứ của thế giới hiện đại, đã từng qua định cư ở Mỹ. Nhưng rồi anh vẫn chọn buôn làng dưới chân núi Lang Biang để trở về hoài niệm và góp sức phục hồi những giá trị xưa cũ. Chọn lối trở về vì Plin khát bếp lửa đêm rừng, khát nhịp cồng chiêng, khát vòng xoang huyễn hoặc, khát tiếng nói tộc người, khát một không gian đại ngàn sâu thẳm sau những tháng ngày cô đơn trên miền đất lạ. Trở về tựa cảm xúc vào núi rừng anh viết và hát trong một nỗi niềm da diết: “K’bing ơi em hãy về bên mái nhà sàn mông lung tâm tình quen đó/ K’bing ơi em hãy về bên ché rượu cần đêm nay đang chờ môi em…!”.

Rồi anh bạn Y Phôn Ksor, chàng trai Ê Đê cả đời không thể rời xa nơi chôn rau cắt rốn ở miền rừng cội Ea Hleo. Cất lên dòng thanh âm giữa miền quê xứ, âm nhạc của Y Phôn là thứ âm nhạc của khắc khoải, mênh mang. Những giai điệu của anh thổn thức, hàm chứa cả những ẩn ức, mặc cảm qua bao thế hệ hoang hoải kiếm tìm lẽ sống giữa đại ngàn, qua những mùa biến động. Những câu hát giãi bày tâm tính tộc người; trong đó là thế giới của đắm đuối, hoang dã và nỗi buồn trong lành…

Giải mã “gien văn hóa” của những người bạn núi ư? Làm sao tôi giải mã tận tường. Tôi chỉ là con của đồng bằng lên với núi rồi hồn nhiên yêu núi. Tôi không thể trở thành chim phí khi trong tâm hồn từ thuở ấu thơ của mình chỉ là cánh én nhỏ la đà bay trên ruộng lúa hạ nguồn. Quý bạn rừng rồi tôi mang lòng sẻ chia cùng bạn; gắng kiếm tìm, thấu cảm để hiểu thêm tâm hồn bạn phần nào.

2 Điều này rất thật: Mỗi lần lang thang trên những nẻo núi rừng là trong tôi lâng lâng cảm xúc “trở về”, bởi tâm hồn tôi đã ít nhiều hòa cảm cùng tâm hồn những người bạn núi. Trở về với những tượng hình xa xưa đang được lưu giữ trong không gian và tiềm thức của các tộc người. Tôi tự hỏi, có lời tự tình nào nói thay nỗi lòng cho biết bao những chàng trai, cô gái “da nâu, mắt sáng”. Họ là một thế hệ lớn lên trong những nỗi niềm băn khoăn. Họ muốn được khẳng định với thời cuộc nhưng cũng đang tìm cách níu giữ những khoảnh khắc huyền thoại. Muốn đổi thay và phát triển nhưng họ chưa biết tìm con đường nào để không đánh mất bản sắc của dân tộc mình.

Tôi không hiểu nhiều về những người bạn núi nhưng xin được chấm phá đôi dòng về nỗi khắc khoải của họ. Họ đi ra với rộng dài đất nước, tiếp xúc những nền văn hóa khác nhau. Họ tìm đến cái mới và thích nghi dần với đời sống hiện đại. Nhưng, nơi họ trở về với chính tâm thức của mình vẫn là làng buôn, nương rẫy, với thiên nhiên bí ẩn mà gần gũi. Những chàng trai, cô gái Ê Đê, Ba Na, M’Nông, Mạ, Cơ Ho… uống dòng nước nguồn của những con sông thượng nguồn không thể lớn lên, không thể vững vàng khi rời bỏ cội nguồn, xa lạ với không gian văn hóa mà ông cha đã dày công giữ gìn, bồi đắp.

“Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi, cho tôi tìm lại!…”. Lời hát ấy của một nhạc sĩ người Kinh mà cũng nói thay tâm trạng của những người con đại ngàn. Không gian huyền thoại đang dần dần lùi xa về miền dĩ vãng. Những buôn làng dân tộc thiểu số giờ đây không còn gì nhiều để phân biệt với xóm làng đồng bằng. Lễ hội nhạt nhòa dần. Sinh hoạt truyền thống không còn mấy người quan tâm. Nước ngọt, bia lạnh thay cho rượu cần. Những bến nước thiêng không còn được chăm chút. Những nghệ nhân dân gian cũng dần ra đi, bỏ lại phía sau những khoảng trống không thể bù đắp. Sợi dây thắt chặt một cộng đồng văn hóa hình như đang lơi lỏng, đang tuột dần theo nhịp sống hiện đại…

Những đàn chim phí vẫn bay về cội nguồn ảnh 1

Nhiều di sản văn hóa đang được tiếp nối, trao truyền.

3 Trên bầu trời cao nguyên, những đàn chim phí vẫn đang tìm lối bay về cội nguồn; còn những người trẻ “gen Z”, “gen Alpha” sinh ra giữa buôn làng trong thời đại internet rồi sẽ tiếp nhận sự trao truyền những giá trị văn hóa truyền thống ra sao? Câu hỏi đó không ít lần tôi tự đưa ra và tìm cách trả lời. Thực tế rõ ràng là nhiều giá trị văn hóa cổ truyền đang đứng trước nguy cơ phai nhạt. Nhưng tôi tin rằng, những người con của núi rừng Tây Nguyên vẫn mãi lưu tồn tình yêu tha thiết với làng buôn của mình, yêu trong cảm thức níu kéo nền văn hóa ngàn đời của ông cha truyền lại. Một tình yêu có từ nguồn gốc nhân chủng, như máu thì vẫn chảy trong huyết quản.

Ở miền đất này hôm nay không chỉ tồn tại một gam mầu trầm của sự tiếc nuối. Tôi đã được nhen lên cảm xúc lạc quan khi chứng kiến ở những nơi chốn từng qua, nhiều người trẻ Tây Nguyên đang kể những câu chuyện của làng buôn mình, của tộc người mình bằng cách kể mới. Không chỉ yêu, chỉ giữ mà thế hệ “gen Z”, “gen Alpha” còn biết cách phát huy những di sản văn hóa tộc người làm cứu cánh mưu sinh. Những bạn trẻ Cơ Ho ở vùng núi rừng Lạc Dương (Lâm Đồng), những bạn trẻ Ê Đê ở Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) và nhiều vùng khác đã lập nên những làng du lịch văn hóa thành công. Họ tiếp nhận sự trao truyền một cách có ý thức.

Tôi đã thấy các cháu nhỏ theo chân ông Ya Loan vào lớp dạy ngôn ngữ Chu Ru. Tôi đã thấy các nghệ nhân Ma Bio, Ma Tham hồi sinh những vũ điệu Tamya Ariya, T’rumpô bằng cách truyền lại cho con cháu của mình. Đi qua các buôn làng, tâm trạng vui khi được chứng kiến những hình ảnh đời thường giản dị mà ý nghĩa. Đó có thể là người mẹ dân tộc Cơ Ho tên là Ha Boong ở buôn Bneur C (Lạc Dương) chỉ nghề cho những đứa con gái pha sợi dệt thổ cẩm. Đó có thể là người cha Chu Ru tên Tou Prông Dương ở Pró (Đơn Dương) cầm tay chỉ việc mấy đứa con trai thổi lửa nung gốm. Đó có thể là người chị Ka Uyên ở thị trấn Đinh Văn (Lâm Hà) truyền bí quyết ủ rượu cần cho mấy đứa em.

Trong một cuộc các nghệ nhân trao truyền âm nhạc dân tộc Mạ cho các cháu học sinh ở vùng sâu Lộc Bắc, tôi đã được nghe em K’Thư (học sinh lớp 11) tâm sự: “Em rất tự hào về di sản văn hóa của dân tộc em! Em khao khát muốn đưa cái đẹp, cái quý của dân tộc mình giới thiệu với bạn bè mọi miền đất nước…”.

Một đêm tối trời ở buôn Ka La dưới chân núi Bră Yàng, tôi đã cùng các cháu nhỏ Cơ Ho lên tám, lên mười hòa giọng dân ca cùng các bà, các mẹ. Có một lần ở miền Kông Chro thượng nguồn sông Ba, tôi đã đến với Plei Yơng của người Ba Na. Buổi chiều, các cháu nhỏ tụ tập trước sân nhà rông, những đứa lớn chơi trò cà kheo, những đứa nhỏ hơn chơi trò gì đó rồi hát vang những bài đồng dao bằng tiếng Bahnar mà tôi không rõ nghĩa. Tôi đã lưu ánh mắt của một bé trai, ánh mắt trong veo mà ám ảnh khi cháu ngồi chơi một mình với bức tượng gỗ tạc một chú khỉ nhỏ mà nghệ nhân nào đó đã thổi hồn vào đấy đầy sự sống động. Bé thì thầm trò chuyện với tượng khỉ bằng một cảm xúc vô cùng hồn nhiên…

Những người trẻ Tây Nguyên - tôi rất muốn được xác lập một niềm tin và sự lạc quan về sự nối mạch văn hóa đại ngàn của họ.