Đồng chí Trần Việt Trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Cần Thơ. |
Trải qua 20 năm khi thành phố Cần Thơ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, tầm nhìn chiến lược trở thành đô thị loại I trực thuộc Trung ương ngày càng văn minh, hiện đại, trở thành đô thị hạt nhân, có vai trò trung tâm động lực phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long luôn được thể hiện xuyên suốt trong các chủ trương, quyết sách của Trung ương, của thành phố.
- Đồng chí có thể chia sẻ một số cột mốc quan trọng của thành tựu 20 năm xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trực thuộc Trung ương?
Đồng chí Trần Việt Trường: Năm 2009 là một dấu mốc quan trọng, thành phố Cần Thơ đã hoàn thành mục tiêu đầu tiên hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược, được Thủ tướng Chính phủ công nhận là đô thị loại I trực thuộc Trung ương tại Quyết định số 889/QĐ-TTg ngày 24 tháng 6 năm 2009, đã có những thay đổi đáng kể.
Nhiều khu đô thị mới, khu dân cư - thương mại, dịch vụ ở các quận, huyện, nhất là ở Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy được đầu tư theo hướng hiện đại; đầu tư hình thành một số khu chức năng đặc thù, các công trình dịch vụ phức hợp, hệ thống công trình hạ tầng phục vụ cộng đồng của thành phố đã phát huy hiệu quả.
Thành phố Cần Thơ được vinh danh “Cảnh quan đô thị châu Á 2016”. Cơ bản phát triển và đổi mới hạ tầng giao thông cả về đường bô, đường thủy nội địa, hàng hải, hàng không.
Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư hoàn thành và đưa vào sử dụng, kết nối lan tỏa, tạo động lực mới cho phát triển, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bằng sông Cửu Long nói chung và thành phố Cần Thơ nói riêng.
Năm 2020, qua kết quả tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 45-NQ/TW của Bộ Chính trị, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, hỗ trợ tích cực của bộ, ngành Trung ương và các địa phương, Cần Thơ đã nắm bắt kịp thời, tận dụng thời cơ thuận lợi, tăng cường liên kết với các địạ phương và phát huy các nguồn lực xã hội để xây dựng và phát triển thành phố phù hợp với điều kiện thực tiễn, tạo được những dấu ấn phát triển đáng tự hào, từng bước trở thành một trong những động lực tăng trưởng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Từng bước khẳng định vai trò trung tâm của vùng về công nghiệp và dịch vụ, hướng tới là đô thị hạt nhân của vùng và là một trong sáu đô thị trọng điểm thực hiện Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thành phố Cần Thơ hoàn thành trước thời hạn chựơng trình nông thôn mới và tiếp tục xây dựng các xã nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu. Thành phố được vinh danh, nhận Chứng chỉ thành phố không khí sạch ASEAN năm 2017, tiềm năng trở thành thành phố bền vững về môi truờng ASEAN lần thứ 3; năm 2021 nhận Giải thuởng các thành phố ASEAN bền vững về môi trường lần thứ 5.
- Riêng lĩnh vực tài chính - ngân hàng có những bước phát triển, đóng góp cho nền kinh tế địa phương như thế nào, thưa đồng chí?
Đồng chí Trần Việt Trường: Cơ cấu thu ngân sách chuyển biến tích cực, nguồn thu nội địa phát sinh từ hoạt động sản xuất kinh doanh ngày càng tăng, tạo sự chủ động và tăng tính ổn định của ngân sách.
Tổng thu ngân sách nhà nước theo dự toán Trung ương giao tăng dần qua từng giai đoạn: Khoảng 3.400 tỷ đồng giai đoạn 2004 - 2005 lên gần 17.800 tỷ đồng giai đoạn 2006 - 2010; gần 34.900 tỷ đồng giai đoạn 2011 - 2015 và hơn 54.500 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020. Năm 2021 tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 10.000 tỷ đồng và 11.000 tỷ đồng năm 2022, ước năm 2023 đạt 11.400 tỷ đồng.
Quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, đúng dự toán được duyệt, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tiết kiệm, đúng quy định; tăng nguồn chi cho đầu tư phát triển, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng và đảm bảo chi thường xuyên, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.
Tổng chi ngân sách địa phuơng hơn 17.300 tỷ đồng giai đoạn 2006 - 2010, đạt trên 38.800 tỷ đồng giai đoạn 2011 - 2015, đạt trên 51.800 tỷ đồng giai đoạn 2016 - 2020 và đạt trên 38.500 tỷ đồng giai đoạn 2021 - 2023.
Trên địa bàn có 48 chi nhánh tổ chức tín dụng và 7 Quỹ tín dụng nhân dân với 188 phòng giao dịch ngân hàng. Các tổ chức tín dụng chấp hành tốt các quy định về tín dụng, lãi suất, tỷ giá, ngoại hối, bảo đảm hoạt động ngân hàng tiếp tục ổn định và an toàn.
Tổng vốn huy động hằng năm đều tăng, từ 3.600 tỷ đồng năm 2004 tăng lên hơn 25.300 tỷ đồng năm 2010; năm 2015 đạt hơn 49.000 tỷ đồng, hơn 87.000 tỷ đồng năm 2020 và đạt 112.000 tỷ đồng năm 2023.
Tập trung vốn cho vay đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, nguời dân tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Tổng dư nợ cho vay hằng năm đều tăng, đạt hơn 120.600 tỷ đồng năm 2021 và khoảng 157.000 tỷ đồng năm 2023, góp phần tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phục hồi sau dịch Covid-19. Một trong những đơn vị thực hiện tốt, tích cực và nổi bật các hoạt động này là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Tây Đô.
- Với những kết quả đã đạt được, đồng chí đánh giá như thế nào về các điều kiện để thành phố Cần Thơ đạt mục tiêu phát triển theo Nghị quyết đã đề ra?
Đồng chí Trần Việt Trường: Thành phố Cần Thơ luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, ưu tiên trong chính sách đầu tư và phát triển; được xác định vị trí rất quan trọng với vai trò trung tâm công nghiệp, trung tâm thương mại - dịch vụ, du lịch, trung tâm giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và y tế; là đầu mối quan trọng về giao thông vận tải nội vùng và liên vận quốc tế; là địa bàn trọng điểm giữ vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh của vùng và cả nước.
Đặc biêt, Bộ Chính trị (khóa XII) ban hành Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 5 tháng 8 năm 2020 về xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 45/2022/QH15 ngày 11 tháng 1 năm 2022 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Đây là cơ sở để Trung ương xem xét, phân bổ nguồn lực đầu tư cho thành phố theo tinh thần nghị quyết đề ra.
Đồng thời, là cơ hội để thành phố cụ thể hóa chính sách, tập trung huy động mọi nguồn lực thu hút đầu tư phát triển, xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo cơ chế thu hút đầu tư, tạo động lực mới cho phát triển thành phố và cả vùng.
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố có truyền thống đoàn kết, kế thừa và phát huy những thành tựu đạt được, những kinh nghiệm thực tiễn sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015 - 2020 và thành tựu 15 năm thực hiện Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), là tiền đề quan trọng góp phần phát triển thành phố nhanh và bền vững trong thời gian tới.
Ứng dụng mạnh mẽ các thành tựu của khoa học - kỹ thuật để bắt nhịp, bứt phá và vươn lên xây dựng và phát triển thành phố Cần Thơ trở thành trung tâm động lực phát triển, là đô thị hạt nhân của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí.