Trà Vinh phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững

Phát huy truyền thống đoàn kết, năng động, sáng tạo, quyết tâm cao, năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Trà Vinh nỗ lực thực hiện đạt, vượt nhiều chỉ tiêu quan trọng về kinh tế, xã hội.
0:00 / 0:00
0:00
Khu cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải, thị xã Duyên Hải.
Khu cảng biển Trung tâm Điện lực Duyên Hải, thị xã Duyên Hải.

Trước thềm Xuân mới, chúng tôi có cuộc phỏng vấn đồng chí LÊ VĂN HẲN, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về nhiệm vụ, giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế để đưa Trà Vinh trở thành một trong những tỉnh trọng điểm phát triển kinh tế biển của vùng đồng bằng sông Cửu Long, đạt chuẩn nông thôn mới trước năm 2025.

Trà Vinh phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững ảnh 1

Xin đồng chí cho biết các thành tựu nổi bật trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Trà Vinh năm 2023?

Đồng chí LÊ VĂN HẲN: Với sự quan tâm lãnh đạo của Trung ương, của Tỉnh ủy, công tác quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh, nỗ lực, phấn đấu của các cấp, các ngành, tinh thần vượt khó, vươn lên của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế, xã hội tỉnh Trà Vinh tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt so với kế hoạch, nghị quyết đề ra.

Năm 2023, tăng trưởng GRDP của Trà Vinh đạt 8,25%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, quy mô kinh tế của tỉnh đạt 83.375 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt hơn 81,7 triệu đồng. Công tác giải ngân vốn đầu tư công đạt hơn 95% kế hoạch. Thu ngân sách 17.175 tỷ đồng, đạt 133% dự toán. Hoạt động tín dụng tăng trưởng khá với tổng vốn 48.300 tỷ đồng, tổng dư nợ cho vay 43.550 tỷ đồng và nợ xấu dưới 3%.

Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thứ hạng các chỉ số phản ánh năng lực cạnh tranh cấp tỉnh như PCI, PAR INDEX, PAPI, SIPAS được nâng cao. Trong đó, chỉ số PCI tăng 25 bậc; chỉ số PGI cấp tỉnh năm 2022, Trà Vinh đứng đầu cả nước.

Triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách đối với người có công; dân tộc, tôn giáo và an sinh xã hội. Tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh hiện còn 1,19%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo dân tộc Khmer 2,03%. Số hộ có mức sống trung bình, có thu nhập khá, giàu trên địa bàn tỉnh tăng.

Chương trình nước sạch nông thôn toàn tỉnh có 112 trạm cấp nước. Cuối năm 2023, tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nước sạch đạt 82,2%, cao hơn bình quân cả nước 1,4 lần. Toàn tỉnh có 85/85 xã đạt tiêu chí nước sạch trong nông thôn mới, có 71/85 xã đạt tiêu chí nước sạch trong nông thôn mới nâng cao. Tỉnh tiếp tục duy trì 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới, 8/9 huyện, thị xã, thành phố đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Tháng 10/2023, dự án xây dựng cầu Đại Ngãi trên tuyến Quốc lộ 60 thuộc địa phận hai tỉnh Trà Vinh, Sóc Trăng được khởi động, với tổng mức đầu tư hơn 7.962 tỷ đồng. Dự án đưa vào khai thác sẽ nối thông tuyến Quốc lộ 60, tạo sự kết nối giao thông giữa các tỉnh duyên hải phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh, rút ngắn khoảng 80km so tuyến Quốc lộ 1A khi di chuyển từ Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu về Thành phố Hồ Chí Minh.

Tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu kinh tế Ðịnh An; khu đô thị, dịch vụ, công nghiệp Ngũ Lạc; khu phi thuế quan. Đến nay, Khu kinh tế Ðịnh An thu hút 48 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư hơn 148.000 tỷ đồng.

Đồng chí có thể thông tin định hướng công tác chỉ đạo quản lý, điều hành, các nhiệm vụ, giải pháp khai thác tiềm năng, lợi thế để đưa tỉnh Trà Vinh phát triển nhanh và bền vững?

Đồng chí LÊ VĂN HẲN: Trà Vinh có vị trí chiến lược về kinh tế, quốc phòng, an ninh, là tuyến đường ra biển quan trọng của vùng đồng bằng sông Cửu Long, là tỉnh trọng điểm về kinh tế biển. Được Trung ương quan tâm đầu tư các công trình trọng điểm cấp quốc gia như: Trung tâm Ðiện lực Duyên Hải với tổng công suất 4.900 MW; dự án luồng cho tàu có trọng tải lớn vào sông Hậu; quy hoạch Khu kinh tế Ðịnh An là một trong 16 khu kinh tế trọng điểm ven biển của cả nước.

Đồng thời, Trà Vinh có tiềm năng lớn về nông sản, thủy, hải sản giá trị cao; có lợi thế tài nguyên rất lớn về năng lượng tái tạo; có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái, văn hóa, lịch sử; có nguồn lao động trẻ dồi dào.

Năm 2024, tỉnh tập trung thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ đột phá, nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Trà Vinh lần thứ 11 đề ra. Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra 23 chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội chủ yếu. Trong đó, có một số chỉ tiêu quan trọng như: GRDP đạt 8,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 88,89 triệu đồng/người/năm; tỷ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, thuế sản phẩm trong GRDP đạt 73,7%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 34.000 tỷ đồng; phát triển mới 520 doanh nghiệp; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 69,67%; tạo việc làm tăng thêm cho 23.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,3%; dự toán thu ngân sách hơn 10.764 tỷ đồng; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng tỉnh đạt chuẩn nông thôn mới.

Thời gian tới, tỉnh triển khai quyết liệt, hiệu quả Quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Trong đó, đặc biệt là các nội dung quan trọng: ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển, hình thành các vùng và các trục động lực phát triển, các cửa ngõ kết nối, sớm hình thành ba trục động lực phát triển, gồm trục phát triển theo tuyến đường bộ ven biển, trục phát triển theo tuyến quốc lộ 60 và trục phát triển theo tuyến cao tốc Hồng Ngự-Trà Vinh.

Huy động tối đa và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển; tập trung phát triển hệ thống đô thị, đầu tư kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Định An, các Khu công nghiệp Cổ Chiên và Cầu Quan. Tập trung đầu tư hoàn thiện hạ tầng giao thông, trọng tâm là đường hành lang ven biển, các tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh; nâng cao hiệu quả các cảng biển, phát triển logistics.

Tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, tăng năng suất cạnh tranh các ngành, lĩnh vực thế mạnh, trên nền tảng chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn. Phát triển du lịch dựa trên khai thác các giá trị lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa.

Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, doanh nghiệp. Tiếp tục tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả gắn với xây dựng đội ngũ công chức viên chức có chất lượng, được đào tạo bài bản; đổi mới tác phong lề lối làm việc, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Đặc biệt, quan tâm đến công tác dân tộc, tôn giáo, giữ vững ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Ưu tiên đầu tư cho giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là cho các ngành nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng tái tạo, du lịch, dịch vụ logistics.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!