“Xanh hóa” ngành công nghiệp không khói

Du lịch xanh dựa trên nền tảng khai thác hợp lý, hiệu quả các nguồn lực nhằm bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát huy các giá trị tài nguyên tự nhiên, nhân văn ngày càng trở thành hướng đi được nhiều quốc gia trên thế giới lựa chọn. Và sự xuất hiện của những mô hình du lịch xanh trên dải đất hình chữ S đã thắp lên những ánh sáng hy vọng cho sự phát triển đột phá, bền vững của ngành công nghiệp không khói nước nhà.
0:00 / 0:00
0:00
Khách du lịch tham gia hoạt động trồng san hô tại vịnh Ninh Vân. (Ảnh: Six Senses Ninh Van Bay)
Khách du lịch tham gia hoạt động trồng san hô tại vịnh Ninh Vân. (Ảnh: Six Senses Ninh Van Bay)

Những bước đi mở ra triển vọng

Theo chân hướng dẫn viên trẻ Đinh Tiến Đạt của Công ty cổ phần Tập đoàn Phát triển Doanh nghiệp Cộng đồng Việt (VietED), chúng tôi đến với Giang Biên, vùng đất ven đô thuộc quận Long Biên, Hà Nội. Tham quan nhà vườn của cô Nguyễn Thị Năm, ai nấy đều thích thú vì được tận tay thu hoạch những trái cà chua sạch, chín mọng có thể ăn ngay. Niềm vui tiếp tục nối dài khi chúng tôi được tham gia các công đoạn nấu bánh đúc tại nhà bác Vũ Văn Trượng, được thực hành bện thừng, tìm hiểu nghề làm võng truyền thống của Giang Biên tại nhà cô Nguyễn Thị Hoài Nam… Đây đều là những hoạt động thú vị nằm trong mô hình du lịch nông nghiệp VietHarvest AgriTour, phát triển từ Dự án cộng đồng “Cải thiện sinh kế của nông dân vùng ven đô Hà Nội - Du lịch nông nghiệp như một ngành kinh doanh hỗ trợ đa dạng nguồn thu nhập” do VietED thực hiện và Quỹ Châu Á, Quỹ GSRD tài trợ. Ra mắt sau gần 20 tháng triển khai, mô hình hiện thu hút 18 hộ dân ở Giang Biên tham gia, với các tour: Một ngày làm nông dân; Học kỳ nông nghiệp (1 ngày); Sống xanh-Sống lành (2 ngày 1 đêm), đưa du khách trải nghiệm các công việc của nhà nông kết hợp tham quan những di tích văn hóa lịch sử, hòa mình vào thiên nhiên tươi đẹp của Giang Biên… Ông Nguyễn Trí Thanh đến từ Quỹ Châu Á chia sẻ, trước khi thiết kế thành các tour du lịch, đội ngũ chuyên gia của dự án đã dành nhiều năm hỗ trợ bà con nơi đây cải thiện các biện pháp kỹ thuật canh tác để trồng rau sạch, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giúp nâng cao năng suất và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Sau khi hoàn thành thiết kế sản phẩm du lịch, nhóm chuyên gia cũng đã tiến hành tập huấn, đào tạo, thử nghiệm và chuyển giao để các hộ nông dân có thể tự vận hành, triển khai một cách bền vững trên thực tế. Với cách làm này, mô hình du lịch nông nghiệp xanh tại Giang Biên được kỳ vọng sẽ trở thành mô hình kiểu mẫu để nhân rộng tại các vùng nông thôn Việt Nam trong 5 năm tới.

Cũng hướng tới phát triển du lịch xanh, Khu nghỉ dưỡng Six Senses Ninh Van Bay tọa lạc tại vịnh Ninh Vân (Khánh Hòa) - nơi sinh sống của nhiều loài động vật quý hiếm lại có cách tiếp cận độc đáo thông qua thành lập Quỹ Phát triển Bền vững. Chị Nguyễn Uyên, Quản lý tiếp thị và truyền thông Six Senses Ninh Van Bay cho biết, Quỹ vận hành từ năm 2015 với kinh phí trích từ một phần doanh thu hằng tháng của khu nghỉ dưỡng, được sử dụng cho các dự án bảo tồn hệ sinh thái, cải thiện chất lượng sống cho người dân địa phương và môi trường sống cho các quần thể động vật hoang dã tại khu vực Hòn Hèo. Đơn cử, phối hợp cùng tổ chức phi chính phủ GreenViet, khu nghỉ dưỡng đã thực hiện Dự án Bảo tồn voọc chà vá chân đen-loài linh trưởng có nguy cơ tuyệt chủng xuất hiện trong sách đỏ Việt Nam. Qua đó, 17 gia đình voọc đã được bảo vệ, số lượng cá thể voọc tăng từ 109 năm 2019 lên 157 cá thể hiện nay. Thông qua dự án, du khách lưu trú tại đây có thể tham gia hành trình leo núi khám phá cuộc sống hoang dã của voọc cùng chuyên gia bảo tồn kết hợp khám phá thiên nhiên kỳ thú. Bên cạnh đó, nhờ sự hỗ trợ của Viện Hải dương học Nha Trang, Six Senses Ninh Van Bay cũng đã khôi phục 500 m2 rạn san hô trên vịnh Ninh Vân, đạt kết quả khả quan với tỷ lệ thành công đạt 91%. Trên cơ sở này, khu nghỉ dưỡng đã đưa hoạt động trồng san hô vào hành trình du lịch của du khách nhằm nâng cao nhận thức về bảo tồn đa dạng sinh học và nhân rộng diện tích san hô tự nhiên. Doanh thu từ các hoạt động du lịch xanh này tiếp tục được đưa vào Quỹ Phát triển Bền vững để duy trì, phát triển các dự án. Hiện nay, nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến với khu nghỉ dưỡng không chỉ muốn chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp thiên nhiên hoang sơ, mà còn muốn có cơ hội được trực tiếp tham gia đóng góp cho các dự án phát triển cộng đồng và bảo tồn hệ sinh thái nơi đây. Mới đây, mô hình Quỹ Phát triển Bền vững của Six Senses Ninh Van Bay đã được vinh danh ở hạng mục giải Dự án bền vững của Giải thưởng Hành động vì cộng đồng - Human Act Prize 2023 do Báo Nhân Dân chỉ đạo tổ chức.

Có thể thấy, đầu tư cho du lịch xanh dù tốn không ít chi phí, công sức và thời gian, nhưng nhiều địa phương, cơ sở lưu trú, công ty du lịch trên cả nước đang nỗ lực hiện thực hóa hướng đi bền vững này. Quảng Nam là điểm đến đầu tiên ban hành bộ tiêu chí về du lịch xanh. Huyện đảo Cô Tô (Quảng Ninh) vừa áp dụng thí điểm quy định du khách không mang chai nhựa, túi nylon, vật liệu có nguy cơ ô nhiễm môi trường khi đi du lịch... Một số tour du lịch xanh đã được hình thành và khẳng định thương hiệu. Nhiều doanh nghiệp du lịch cũng đã chuyển đổi hoạt động theo mô hình tiết kiệm nước, điện năng, giảm rác thải nhựa… Đây là những dấu hiệu tích cực đánh dấu sự hình thành xu hướng du lịch xanh tại Việt Nam, mở ra triển vọng đưa Việt Nam trở thành điểm đến du lịch xanh của khu vực và thế giới.

“Xanh hóa” ngành công nghiệp không khói  ảnh 1

Du khách trải nghiệm hái cà chua tại khu nông trại Giang Biên. (Ảnh: Linh Tâm)

Khuyến khích tư duy xanh, hành động xanh

Theo Báo cáo du lịch bền vững được nền tảng Booking.com công bố cuối tháng 4/2023, có tới 97% số du khách Việt mong muốn có những trải nghiệm du lịch bền vững hơn, 52% trong số đó sẵn sàng chi trả cho các hoạt động du lịch xanh, bảo vệ môi trường. Rõ ràng, du lịch xanh không chỉ là đòi hỏi tất yếu của ngành du lịch, mà còn là nhu cầu của du khách hiện đại, đồng thời là giải pháp giúp gia tăng lượng khách có mức chi tiêu cao và có ý thức, hành động văn minh khi tham gia du lịch. Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030 đã xác định phát triển du lịch Việt Nam với định hướng bền vững và bao trùm trên nền tảng tăng trưởng xanh, tối đa hóa sự đóng góp của du lịch cho các mục tiêu phát triển bền vững, đồng thời đưa ra nhiều giải pháp như: ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong kinh doanh du lịch; nâng cao năng lực kiểm soát ô nhiễm, bảo đảm ngăn chặn, giảm và xử lý hiệu quả các nguồn gây ô nhiễm từ hoạt động du lịch; khuyến khích các cơ sở dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, sản phẩm tái chế, tái sử dụng, ứng dụng công nghệ sạch để hạn chế ô nhiễm môi trường và giảm phát thải khí nhà kính...

Phó Chủ tịch Liên chi hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng nhấn mạnh, bên cạnh nâng cao nhận thức về phát triển du lịch xanh, cần rà soát lại các tiêu chí phát triển du lịch xanh của Việt Nam và ban hành bộ tiêu chí phù hợp với bối cảnh mới, trên cơ sở đó có hướng dẫn cụ thể để các địa phương áp dụng thống nhất, dễ dàng chi tiết hóa tiêu chí du lịch xanh phù hợp. Việt Nam cũng cần có thêm những chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển du lịch xanh, như: hỗ trợ chương trình đào tạo về du lịch xanh cho các đối tượng: hướng dẫn viên, chủ khách sạn, nhà hàng, nghệ nhân, cộng đồng địa phương làm du lịch; hỗ trợ hình thành các liên kết, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch với địa phương, cộng đồng nhằm phát triển, quản lý các hoạt động du lịch xanh; hỗ trợ quản lý luồng khách và khắc phục tính mùa vụ trong du lịch nhằm giảm quá tải điểm đến; thực hiện chiến lược truyền thông để chia sẻ thành công và thách thức; có chính sách thiết thực hơn nhằm tăng tín dụng du lịch xanh… Những điều này sẽ góp phần tạo đà để du lịch Việt Nam có những bước đi bứt phá trên hành trình khẳng định thương hiệu là điểm đến xanh trên bản đồ du lịch khu vực và thế giới.