Đem chuyện tán với lính hình sự, điều tra án kinh tế lúc trà dư tửu hậu, anh em gật gù chẳng giấu những vui buồn đánh án. Có những vụ theo kỹ từ khi có dấu hiệu vi phạm mà rồi đến lúc khởi tố, đối tượng đã "thăng" từ bao giờ!?
Như vụ Nhật Cường, đã mấy năm trời, đối tượng vẫn bặt vô âm tín. Vụ Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC, dù xử vắng mặt riêng một vụ đã lĩnh án tù 30 năm và được kêu gọi đầu thú mấy lần, đến nay vẫn không dấu tích.
Mới nhất hồi tháng 10, trong vụ Vạn Thịnh Phát, khi tống đạt quyết định khởi tố đến bảy bị can, thì tất cả đều đã xuất cảnh! Mấy người đó chắc nghĩ đất trời mênh mông, vườn rộng rào thưa, đáy bể mò kim, cứ trốn là thoát chắc!
Trong quan niệm chung, truy bắt tội phạm truy nã, nhất là trốn ra nước ngoài là phạm trù còn "sương khói" lắm. Sốt ruột thì có, nhưng với các sĩ quan an ninh Phòng 5, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp, đơn vị đầu mối của Bộ Công an về tham mưu, xây dựng pháp luật, nội luật hóa các điều ước quốc tế, công tác dẫn độ và chuyển giao phạm nhân đang chấp hành án phạt tù… vẫn có trình tự, đặc thù riêng.
Để phối hợp nước sở tại đưa được tội phạm về, tựu trung có mấy hình thức: trục xuất, đẩy đuổi, dẫn độ, trong đó dẫn độ được nhiều nước chấp nhận nhất. Nhưng muốn vậy phải ký được Hiệp định dẫn độ hoặc Hiệp định tương trợ tư pháp song phương, trong đó có điều khoản cho phép dẫn độ.
"Đàm phán ngắn nhất thì ba tháng! Lâu thì vài ba năm, có khi hơn! Nhiều nước vẫn chưa ký Hiệp định dẫn độ hoặc Tương trợ tư pháp. Nhiều nước chỉ cho dẫn độ nếu đối tác cam kết không tuyên án tử hình, hoặc nếu đã tuyên thì không được thi hành, xem đó là điều kiện tiên quyết. Châu Âu thường yêu cầu thực hiện theo Luật Dẫn độ, thậm chí đưa ra nhiều điều kiện từ chối dẫn độ để bảo vệ quyền con người theo tiêu chuẩn của họ" - Thượng tá Nguyễn Việt Hồng, Phó Trưởng phòng 5 chia sẻ.
Trên thực tế, tội phạm kinh tế, tham nhũng, chức vụ thời gian gần đây trốn đi khá phổ biến. Đó là những người có quan hệ, tiền bạc, thậm chí có cả lý lịch tư pháp "sạch" và "đường dây" đưa-đón.
Đã từng bảo vệ luận án Tiến sĩ luật năm 2016 với nội dung so sánh Luật Dẫn độ giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam tại Bỉ, Thượng tá Nguyễn Việt Hồng điềm đạm giải thích: Nếu chưa dẫn độ được thì hai nước có thể thỏa thuận theo nguyên tắc "có đi có lại". Việt Nam và nhiều nước công khai tuyên bố áp dụng nguyên tắc này. Riêng năm 2023, Cục đã đề xuất cấp có thẩm quyền ký năm Hiệp định dẫn độ với Argentina, Iran, Italia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Lào; sáu Hiệp định chuyển giao người đang chấp hành án, phạt tù với: Argentina, Iran, Italia, Kazakhstan, UAE, Trung Quốc; và một Hiệp định hợp tác phòng, chống tội phạm (cấp chính phủ) với Indonesia; đã đàm phán thành công 14 hiệp định; gửi yêu cầu dẫn độ 13 trường hợp ra nước ngoài.
Với Thượng tá Hồng, chuyến dẫn độ đáng nhớ nhất trong nghề là khi tham gia dẫn độ Bururian Maksim Anatolyevich, một tội phạm lừa đảo công nghệ hồi tháng 7/2023.
Để bắt được đối tượng này, phải cân nhắc rất nhiều yếu tố pháp lý từ phía Việt Nam và phía Liên bang Nga. Cuối cùng, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa vận dụng quy định tại khoản 1, Điều 503 và Điều 113-Bộ luật Tố tụng hình sự, phê chuẩn lệnh bắt, tạm giam theo đề nghị của Công an tỉnh.
Bộ Công an Việt Nam bàn giao đối tượng Dmitriy Viktorovich Serebryakov (đội mũ) bị yêu cầu dẫn độ cho Bộ Nội vụ Liên bang Nga, ngày 03/6/2022. |
Dấu ấn, thậm chí ám ảnh, với Trung tá Phạm Văn Công, Trưởng phòng 5, lại là nụ cười của một thanh niên 18 tuổi, một trong tám đối tượng cướp biển quốc tịch Indonesia được dẫn độ cho Malaysia vào năm 2016, sau gần một năm đàm phán với các nước liên quan. Nhóm này đã cướp tàu Orkim Harmony mang quốc tịch Malaysia ở vùng biển quốc tế, vi phạm lãnh hải Việt Nam.
"Cậu ta cứ vô tư cười hồn nhiên mà không hề biết một điều ghê rợn: Những ông trùm đã chuẩn bị sẵn âm mưu, cho tàu thả trôi về Campuchia, nếu lộ sẽ thủ tiêu hết! Tám con người này đã thật sự may mắn khi thoát lưỡi hái tử thần" - Trung tá Phạm Văn Công, Trưởng phòng 5 kể lại.
Từng theo học bằng Thạc sĩ luật tại Australia, Trung tá Công kể, khi thi hết môn tội phạm xuyên quốc gia, anh đã xin thầy bộ môn được ghi âm, chụp ảnh với thầy để làm tư liệu. Song thầy từ chối, đề nghị liên hệ qua nhà trường! Chuẩn bị tốt nghiệp, anh lại đề nghị lần nữa, thầy nghiêm nghị: "Đến giờ sao em vẫn hỏi chuyện đó? Mafia là vấn đề toàn cầu, nhiều đời, gia tộc, dòng họ! Nếu lộ dữ liệu, không chỉ mất an toàn cho chúng tôi mà còn ảnh hưởng những người khác".
"Sau em mới biết, lý lịch người thầy ấy ghi tình trạng hôn nhân là đã ly dị, có hai con gái. Nhưng thông tin "ly dị" là giả! Đó là một giảng viên hơn 20 năm trong nghề", Trung tá Phạm Văn Công chia sẻ.
Xây dựng các luật thuộc thẩm quyền mang ý nghĩa quan trọng trong việc góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho công tác điều tra, truy bắt tội phạm cả trong nước và nước ngoài.
Thiếu tướng Vũ Ngọc Hùng, Phó Cục trưởng Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp cho biết: "Năm 2023, Thiếu tướng, Cục trưởng Phạm Công Nguyên và tôi được Chủ tịch nước, Chính phủ ủy quyền đàm phán gần 20 hiệp định về dẫn độ; chuyển giao người đang chấp hành án, phạt tù; phòng, chống tội phạm. Dự kiến 2025, Chính phủ sẽ trình Quốc hội cả 4 luật, trong đó có Luật Dẫn độ và Luật Chuyển giao người bị kết án, phạt tù do Bộ Công an chủ trì soạn thảo".
Có vay có trả. Lòng hướng thiện và cái "tham, sân, si" của con người, vốn là hai cực đối lập. Hướng thiện sẽ dẫn tới bến bờ, lối về bình yên, còn trốn chạy chẳng qua chỉ là nhất thời trong "bàn tay Phật". Lưới trời giăng mắc, Phan Văn Anh Vũ, Dương Chí Dũng một thời đình đám rồi cũng bị đẩy đuổi, trục xuất về chịu án.
Đó cũng là cái kết của Nguyễn Xuân Đại, lĩnh án 7 năm tù vì tội cưỡng đoạt tài sản và bỏ trốn sang LB Nga, bị Việt Nam, INTERPOL truy nã toàn cầu năm 2006. Chín năm sau, ngày 10/6/2015, Bộ Công an Việt Nam được cảnh sát LB Nga thông báo đã bắt giữ được Đại tại thị trấn Ulyanovsk và đề nghị gửi yêu cầu dẫn độ qua kênh chính thức. Khi bị bắt, Đại đã lấy vợ và sinh con tại Nga bằng hộ chiếu giả mang tên Nguyễn Xuân Chiến. Ngày 8/11/2016, INTERPOL LB Nga đã bàn giao Nguyễn Xuân Đại cho Bộ Công an Việt Nam.
Mới đây, vào tháng 6/2023,Việt Nam và Hoa Kỳ đã kết thúc thành công chiến dịch bốn tháng tìm kiếm, bắt giữ và trao trả về Mỹ hai đối tượng truy nã là Polie Phan và Jaiden Nguyen liên quan vụ giết người ở Huston (Hoa Kỳ) tháng 1/2023. Với quan hệ song phương đã nâng lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện trong năm 2023, hy vọng hai nước sẽ sớm đàm phán để ký kết Hiệp định Dẫn độ và chuyển giao người bị kết án, phạt tù, phù hợp lợi ích của hai quốc gia, hai dân tộc.
"Tết Quý Mão 2023, em đi đàm phán "Công ước quốc tế toàn diện về chống sử dụng công nghệ thông tin cho mục đích tội phạm" hai tuần ở Vienna (Áo). Tất niên, mấy anh em xa nhà mua ít bia, đồ ăn mừng năm mới với nhau thôi, mồng 1 Tết mới về đến nhà"- Thượng tá Hồng cười.
"Còn em năm nay xác định "mất Tết" rồi! Bọn em có lịch sang đàm phán Công ước này ở New York (Mỹ) đúng Tết con Rồng luôn!" - Trung tá Công kể…
Không dứt những dự định, đầu việc, kế hoạch mà những sĩ quan an ninh vẫn đêm ngày theo đuổi. Lặng thầm, kín tiếng, họ "đan" những "mắt lưới trời"...
Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam là thành viên của 22 Điều ước quốc tế đa phương, 10 Hiệp định Tương trợ tư pháp song phương có quy định dẫn độ và 16 hiệp định song phương về dẫn độ. Bộ Công an đã tiếp nhận, xử lý 38 yêu cầu dẫn độ của nước ngoài; đã chuyển 68 hồ sơ yêu cầu dẫn độ đến các nước (trong đó đã dẫn độ được bảy đối tượng về Việt Nam); đôn đốc nước ngoài xem xét 48 yêu cầu dẫn độ còn lại; hiện tiếp tục lập yêu cầu dẫn độ với 18 đối tượng khác.