Chất lượng sản phẩm được nâng cao
Thời gian qua, Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị đã phối hợp với cơ quan chuyên môn cấp huyện, chính quyền cấp xã tổ chức khảo sát thực trạng sản phẩm để tư vấn lựa chọn ý tưởng, định hướng cho chủ thể phát triển và xây dựng hồ sơ sản phẩm.
Tiến hành rà soát, lựa chọn sản phẩm gắn với lợi thế của địa phương, ưu tiên các sản phẩm chế biến, sản phẩm truyền thống, làng nghề và sản phẩm du lịch nông thôn. Hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện, phát triển sản phẩm về mẫu mã, bao bì, chất lượng, tem truy xuất nguồn gốc, công bố, quản lý chất lượng sản phẩm, ứng dụng khoa học công nghệ sản xuất sản phẩm, phát triển liên kết chuỗi, vùng nguyên liệu…
Tỉnh Quảng Trị hiện có 136 sản phẩm OCOP. |
Đến nay, tỉnh Quảng Trị có 136 sản phẩm OCOP (tăng 21 sản phẩm so với năm 2022), trong đó có 46 sản phẩm 4 sao; 90 sản phẩm 3 sao; trong đó có 2 sản phẩm 4 sao tỉnh đang đề xuất hội đồng Trung ương công nhận 5 sao. Chị Trần Thị Lan, xã Triệu Sơn, huyện Triệu Phong, chủ cơ sở sản xuất sản phẩm nông nghiệp Trần Lan cho biết sản phẩm của chị khẳng định được thương hiệu và tìm được chỗ đứng đối với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
Cơ sở sản xuất của chị có trên 15 sản phẩm đạt tiêu chuẩn, trong đó có 5 sản phẩm gồm bột gừng sấy lạnh; bánh cốm gạo lứt mè, ngũ cốc cao cấp, bột sen quê… được chứng nhận sản phẩm 3 sao, giải quyết việc làm cho gần 10 lao động địa phương với thu nhập trung bình 5 triệu đồng/tháng. Nhờ sản phẩm OCOP chất lượng nên cơ sở của chị Lan luôn “cháy” hàng, nhất là dịp lễ, tết.
Bắt đầu tham gia chương trình OCOP từ năm 2018, đến nay Công ty TNHH Nhiên Thảo ở Gio Linh đã có 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP 4 sao gồm: nước lau sàn bồ hòn, cao bồ kết thảo dược, xịt dưỡng tóc dầu bưởi, bồ kết túi lọc và nước súc miệng thảo dược.
Nhiên Thảo bán được hơn 20.000 sản phẩm tiêu thụ trên toàn quốc, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động trực tiếp sản xuất và liên kết tạo việc làm cho 200 hộ chuyên trồng, thu hoạch nguyên liệu sản xuất sản phẩm.
Chị Trần Thị Mỹ Dung, sáng lập Công ty TNHH Nhiên Thảo cho biết, khi tham gia chương trình OCOP, ngoài nhận được sự hỗ trợ về bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, kiểm nghiệm, sản phẩm còn được chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng, xây dựng hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn ISO.
Qua đó khẳng định ưu thế vượt trội của sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cũng như dễ dàng tiếp cận được các chuỗi bán lẻ, vào các siêu thị lớn.
Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Hoàng Minh Trí cho biết, các sản phẩm khi đạt chứng nhận OCOP đã tạo thêm niềm tin cho khách hàng. Chủ thể sản phẩm cũng thuận lợi trong việc tiếp cận các nguồn vốn, được hỗ trợ máy móc, công nghệ, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại kết nối cung cầu, các diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản, hội chợ, triển lãm.
Đặc biệt, sản phẩm khi ký kết được với các kênh bán lẻ, các siêu thị sẽ được ưu tiên có điểm trưng bày riêng thuận lợi cho việc tiếp cận với người tiêu dùng. Qua đó giúp tăng cao doanh số sản phẩm và doanh thu cho các chủ thể.
Đến nay Quảng Trị đã có trên 95% sản phẩm OCOP giao dịch trên các sàn thương mại điện tử, có 3 doanh nghiệp đã lên sàn thương mại điện tử Alibaba. Tổng doanh thu bán sản phẩm của các chủ thể OCOP đạt hơn 100 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Nhiều chủ thể đã làm các đoạn phim ngắn về cuộc sống thường ngày, quá trình lao động làm ra sản phẩm đã thu hút hàng triệu lượt thích của khách hàng trên kênh TikTok và các kênh khác.
Những câu chuyện nông sản OCOP Quảng Trị hấp dẫn khách hàng không chỉ là chỉ dẫn địa lý, cách sản xuất, tính độc đáo, mà còn chứa đựng cả thông điệp gắn với bản sắc truyền thống văn hóa địa phương và quảng bá hình ảnh quê hương một cách độc đáo, khiến nhiều người yêu thích.
Chú trọng công nghệ sản xuất
Theo ông Hoàng Minh Trí, xác định sản phẩm OCOP góp phần khơi dậy tiềm năng, lợi thế của các vùng miền và thúc đẩy phát triển kinh tế, để lan tỏa hơn nữa những sản vật mang giá trị, tâm huyết, tự hào của người nông dân rộng rãi đến người tiêu dùng trong và ngoài nước, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị có kế hoạch thực hiện, phấn đấu đến cuối năm 2025 toàn tỉnh có gần 200 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên.
Trong đó có ít nhất 2-3 sản phẩm đạt 5 sao, 1-2 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch. Củng cố và nâng cấp ít nhất 50% sản phẩm đã được đánh giá và phân hạng.
Ưu tiên phát triển các hợp tác xã, doanh nghiệp nhỏ và vừa, phấn đấu mỗi năm có thêm 4-6 hợp tác xã có sản phẩm OCOP; đến cuối năm 2025 có ít nhất 40% chủ thể OCOP là hợp tác xã và 30% chủ thể là doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Đặc biệt có ít nhất 30% chủ thể xây dựng được chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, OCOP xanh gắn với vùng nguyên liệu ổn định, mỗi huyện, thị xã có 1-2 điểm bán hàng.
Huyện Cam Lộ là địa phương dẫn đầu tỉnh Quảng Trị khi có nhiều sản phẩm được công nhận và xếp hạng cao của chương trình nhờ luôn chú trọng công nghệ trong sản xuất, chế biến. Phần lớn sản phẩm OCOP ở huyện này đều được làm từ các cây dược liệu.
Bà Trần Lê Quỳnh Diễm, Giám đốc Công ty Dược liệu hữu cơ An Xuân ở huyện Cam Lộ cho biết, các sản phẩm như trà tía tô, trà diếp cá, trà mướp đắng, cao cà gai leo, cao chè vằng mang thương hiệu An Xuân đã có mặt hơn 10 sàn thương mại điện tử lớn, xuất hiện trên kệ hàng nhiều siêu thị trong nước và ngoài nước.
Mỗi năm công ty phân phối 20 đến 30 nghìn sản phẩm, trong đó có sản phẩm cà gai leo dạng bột đang được tỉnh đề xuất công nhận sản phẩm 5 sao. Đồng thời, An Xuân cũng trở thành đối tác cung ứng nguyên liệu cho thị trường Mỹ và một số thị trường châu Âu.
Để đạt kết quả này công ty luôn chú ý đầu tư công nghệ hiện đại để sản xuất sản phẩm cũng như chú trọng quảng bá thương hiệu trên các sàn thương mại điện tử.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng, các sản phẩm OCOP đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nhiều vùng sản xuất nông sản sạch, an toàn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với các chuỗi giá trị sản phẩm được hình thành.
Từ đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế tại khu vực nông thôn, là giải pháp để thực hiện nhóm tiêu chí về sản xuất, thu nhập trong xây dựng nông thôn mới.
Ngoài ra, chương trình OCOP đã phát huy sức mạnh và vai trò của cộng đồng trong phát triển sản phẩm truyền thống, làm chuyển biến tích cực nhận thức của các chủ thể về sản xuất kinh doanh theo hướng sản xuất hàng hóa bền vững; tăng cường hơn nữa liên kết giữa các khâu, công đoạn từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm, đem lại uy tín về sản phẩm và thương hiệu, từng bước giải quyết việc làm, cải thiện mức sống cho người dân.
Để phát huy hơn nữa giá trị sản phẩm OCOP, đề nghị các chủ thể cần định vị rõ ràng phân khúc thị trường trước khi đề ra kế hoạch xúc tiến thương mại cho các sản phẩm. Cần có được câu chuyện văn hóa vào mỗi sản phẩm để tăng thêm sự chú ý của người tiêu dùng.
Tăng cường hơn nữa ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; mẫu mã và bao bì phải đáp ứng được cả thị trường trong nước và thị trường quốc tế; xây dựng được thương hiệu và đăng ký bảo hộ với cơ quan quản lý.
Tỉnh Quảng Trị luôn quan tâm hỗ trợ, có các cơ chế, chính sách để không ngừng nâng cao giá trị các sản phẩm OCOP. Mỗi sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang mang trên mình vai trò như một đại sứ của vùng, miền, chuyển tải những câu chuyện nhiều tính nhân văn đến người tiêu dùng, từng bước đáp ứng được nhu cầu của thị trường ngày càng đòi hỏi khắt khe hơn.