Nét đẹp trang phục Vân Kiều

Trong vô số lý do khiến bản sắc văn hóa của các dân tộc bị mai một thì sự trở lại của trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc, đặc biệt là các dân tộc thiểu số cho chúng ta tín hiệu đáng mừng.
0:00 / 0:00
0:00
Nét đẹp trang phục Vân Kiều

Từ nội lực của chính cộng đồng, từ sự trăn trở về những giá trị truyền thống của đồng bào mình, chị Hồ Thị Thương, dân tộc Vân Kiều, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Long (huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị) cùng các hội viên đã dần tạo nên thương hiệu “Đẹp…Vân Kiều” với chất liệu, trang phục làm mê đắm hàng triệu con tim.

Về với Tà Long

Trong cơn mưa ướt át của một ngày cuối năm, chúng tôi lên xe ngược ngàn. Đi gần trăm cây số đường rừng giữa mùa mưa mới thấy hết cảnh núi rừng Trường Sơn hùng vĩ. Dọc đường đi, anh Trọng Thi, phóng viên tạp chí Cửa Việt trầm trồ, dường như rừng đẹp hơn khi có mưa, nghe cô Thương (tức chị Hồ Thị Thương) làm du lịch cộng đồng, rồi nay đến khôi phục lại trang phục truyền thống đồng bào Vân Kiều hay lắm!

Lý lẽ về cái “hay” này có nhiều nghĩa, Khu du lịch cộng đồng Tà Lao với quy mô không lớn nhưng từ sự chỉn chu trong các khâu tạo nên cảnh quan khu du lịch sinh thái cùng với ý thức bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường, sự tiếp thị của các món ăn đặc sản, sự nồng hậu của đồng bào Vân Kiều Tà Long đã tạo nên hiệu ứng tốt, lan tỏa đến cộng đồng không chỉ ở Quảng Trị mà còn ở một số thành phố lớn trong cả nước. Năm 2020, trong một chuyến đi thăm và hỗ trợ cho đồng bào Vân Kiều ở Tà Long, nhà văn Nguyễn Thị Thu Trân cùng các thành viên của Nhà văn nữ TP Hồ Chí Minh đã không khỏi quyến luyến với mảnh đất này, với văn hóa, con người Vân Kiều ở Tà Lao. Chị chia sẻ rằng, có dịp mọi người sẽ quay lại đây chứ không phải đâu ở dải đất miền trung này, rừng Trường Sơn đẹp quá, bản làng Vân Kiều đẹp quá, người Vân Kiều càng tuyệt vời hơn.

Không gì quảng bá văn hóa tốt hơn du lịch, cũng không gì giữ gìn bản sắc văn hóa tốt hơn du lịch. Bởi từ cội nguồn này, các lễ hội được truyền bá, giới thiệu, phục dựng cùng với nó là lễ nghi, trang phục… tạo nên chỉnh thể thống nhất trong phát triển du lịch đi đôi với bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số trên dãy Trường Sơn. Trong số đó, trang phục truyền thống của đồng bào là con đường ngắn nhất giúp mọi người nhận ra thành phần dân tộc, giúp đồng bào ý thức về cội nguồn của mình, là nét đặc sắc của đồng bào tạo nên thương hiệu văn hóa.

Nét đẹp trang phục Vân Kiều ảnh 1

Sắc mầu trang phục xưa vẫn được đồng bào sử dụng trong đời sống văn hóa, xã hội hôm nay.

Từ những tấm dệt thổ cẩm

Sinh ra và lớn lên giữa bản làng Vân Kiều, nhìn những đổi thay về kinh tế, đời sống đồng bào được cải thiện, chị Thương rất đỗi vui mừng. Đặc biệt là vai trò của giới nữ trong cộng đồng bản làng Vân Kiều có nhiều thay đổi khiến chị vui hơn. Nhưng cùng với những thay đổi về kinh tế, văn hóa có xu hướng mai một khiến chị trăn trở rất nhiều.

Hơn 10 năm tìm tòi, lặn lội để tạo nên bản làng biết làm du lịch, biết tạo dựng địa chỉ văn hóa cũng là thời gian chị tìm tòi những tấm thổ cẩm từ những địa chỉ dệt của đồng bào Vân Kiều khắp nơi. Đi hết bản làng Trường Sơn ở Quảng Trị, tìm hiểu thổ cẩm và trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều ở một số tỉnh lân cận như Thừa Thiên Huế, Quảng Bình. Rồi ngay cả việc dệt thổ cẩm và trang phục của đồng bào Pa Cô chị cũng tìm tòi thấu đáo.

Từ địa chỉ dệt thổ cẩm ở thị trấn Khe Sanh, xã Hướng Việt, thị trấn Lao Bảo (huyện Hướng Hóa) đến xã Hướng Hiệp, xã Đakrông (huyện Đakrông) chị tìm kiếm, so sánh và cuối cùng lựa chọn ra chất liệu ưng ý để làm nên trang phục. Chị chia sẻ với chúng tôi rằng, không quá gian nan nhưng việc tìm những tấm thổ cẩm mất rất nhiều thời gian, đi rất nhiều nơi, có so sánh, góp ý để làm ra sản phẩm thổ cẩm bảo đảm chất liệu và hoa văn truyền thống vừa phù hợp thị hiếu của người dùng. Đó là niềm vui, cũng là niềm tự hào của người con bản làng Vân Kiều biết giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa ở trang phục của đồng bào mình.

Một số chị em trong các chi hội cùng nhau làm du lịch cộng đồng rồi cùng nhau mày mò tạo nên những bộ trang phục Vân Kiều cho nam và cho nữ, vừa giữ bản sắc vừa hợp thời trang, chị Thương chia sẻ. Việc tạo dựng lại trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều nằm trong ý tưởng khôi phục và tìm đầu ra cho trang phục truyền thống Vân Kiều. Từ trang phục của các bà mẹ, các chị Vân Kiều mặc thường ngày, chúng tôi đã cải tiến trang phục cho gọn gàng, lịch sự hơn. Giáo viên, cán bộ công chức… không những có thể mặc mà còn mặc đẹp để lên bục giảng và tham dự các sự kiện văn hóa khác, chị Thương kể thêm.

Từ những tấm thổ cẩm, với chiếc kéo trong tay, đường kim mũi chỉ…, các chị em đã tạo nên thương hiệu trang phục truyền thống bằng chất liệu thổ cẩm của người Vân Kiều. Để mỗi khi một sản phẩm ra đời, nó nhận được sự tán thưởng không chỉ của đồng bào Vân Kiều mà nó thu hút rất nhiều ánh mắt của những người yêu thích cái đẹp dưới góc nhìn thẩm mỹ văn hóa.

Nét đẹp trang phục Vân Kiều ảnh 2

Trang phục truyền thống của phụ nữ Vân Kiều.

Đẹp… Vân Kiều

Chúng tôi đã không thể rời mắt với trang phục truyền thống, những sản phẩm được làm hoàn toàn bằng thủ công bởi bàn tay của phụ nữ Vân Kiều ở xã Tà Long như chị Hồ Thị Thương, Hồ Thị Phước, Hồ Thị Hiền… vừa thanh lịch, trẻ trung, nó tạo sức bật, bản lĩnh văn hóa của người Vân Kiều. Sự nối tiếp từ thế hệ này sang thế hệ khác để tạo nên sản phẩm hoàn hảo hơn.

Trong tiến trình lịch sử của dân tộc, những biến đổi về kinh tế đi đôi với những thay đổi về giá trị, trong đó có sự thay đổi về giá trị văn hóa là điều hiển nhiên. Sự phát triển không dành cho những người đổ lỗi, nó chỉ dành cho những ai biết nhìn nhận thời thế để thay đổi cho hợp với thời đại. Việc làm của chị Hồ Thị Thương và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tà Long chính là hành động nắm bắt được thời thế. Bà Hồ Thị Minh, đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh Quảng Trị, người từng ngày dõi theo những đổi thay của con người, của kinh tế, của văn hóa cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đặc biệt là văn hóa của đồng bào Vân Kiều, chia sẻ với chúng tôi, rằng bà rất vui mừng vì thế hệ trẻ của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó có đồng bào Vân Kiều, Pa Cô vừa biết lao động, sản xuất vừa biết giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa của dân tộc mình. Đó không những là vấn đề sống còn của dân tộc mà nó còn là đòn bẩy để phát triển kinh tế.

Không chỉ là những tín hiệu đáng mừng, bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào Vân Kiều trên dãy Trường Sơn hùng vĩ là việc làm rất đỗi bình thường giản dị nhưng là sứ mệnh vĩ đại của những người phụ nữ Vân Kiều xã Tà Long. “Để dân tộc Vân Kiều tồn tại lâu dài thì ngoài lễ hội, ngoài phong tục tập quán tốt đẹp còn phải giữ trang phục truyền thống. Con người đẹp trang phục, giữ gìn được vẻ đẹp của đồng bào là giữ được vẻ đẹp của con người…”. Đúng như thế, trong thước đo giá trị thì văn hóa là thước đo bất tử, với loài người và dân tộc của mình.