Năng lượng sinh khối ở nông thôn Cuba

Nhiều trang trại đã tham gia Biomass Cuba, dự án tăng cường sử dụng khí sinh học (biogas) tại các vùng nông thôn. Sau gần 15 năm triển khai, dự án đã thu được những kết quả đáng kể.
0:00 / 0:00
0:00
Bể phân hủy sinh học giúp xử lý chất thải nông nghiệp và tạo ra sinh khối. Ảnh: BIOMASS CUBA
Bể phân hủy sinh học giúp xử lý chất thải nông nghiệp và tạo ra sinh khối. Ảnh: BIOMASS CUBA

Gia đình Yunia Cancio là một trong những hộ dân đã lắp đặt bể phân hủy sinh học tại trang trại của họ ở Cabaiguán, tỉnh Sancti Spíritus, miền trung Cuba, trong khuôn khổ Dự án năng lượng sinh khối (Biomass) Cuba. Trước đây, bà Cancio thường đun nấu bằng bếp củi, nhưng từ khi lắp đặt hệ thống Biomass, gia đình bà đã thay đổi nhiều thói quen cũ. Bà nói: “Cuộc sống đã cải thiện rất nhiều từ khi sử dụng khí sinh học. Đó là một loại nhiên liệu rất sạch, thoải mái và an toàn hơn, mọi thứ vệ sinh hơn. Trước đây tôi thường nấu ăn bằng bếp củi còn bây giờ công việc đun nấu nhẹ nhàng hơn”.

Bà bắt đầu sử dụng hầm biogas tại trang trại rộng 28ha của gia đình từ tháng 7/2014. Hầm biogas được đặt gần khu chuồng chăn nuôi lợn, giúp xử lý hoàn toàn chất thải chăn nuôi đồng thời tạo ra một nguồn phân bón và nước thải dùng để tưới tiêu cho cây trồng. “Điều quan trọng là chúng tôi đã tiết kiệm điện đáng kể. Hiện nay gia đình tôi sử dụng nồi cơm và tủ lạnh, thắp sáng bằng khí biogas”, bà Cancio cho biết thêm.

Biomass giúp tạo ra nhiên liệu sạch và thông qua mạng lưới dẫn khí sinh học từ các khu chăn nuôi đến tận bếp đun hoặc vận hành máy phát điện... Nhờ đó, các khu dân cư ở nông thôn có thể sử dụng sinh khối trong sản xuất cũng như sinh hoạt hằng ngày.

Theo Thông tấn xã Cuba (ACN) dự án Biomass Cuba được khởi xướng vào năm 2009 và hoàn thành vào năm 2022 với sự tài trợ của Cơ quan Hợp tác và Phát triển Thụy Sĩ (SDC). Ông Giraldo Martín, Giám đốc quốc gia chương trình Biomass Cuba đánh giá: “Kết quả của dự án rất có giá trị vì các trang trại tham gia đã cắt giảm được 30-40% năng lượng tiêu thụ so trước đây”. Ông cho biết thêm, trong mỗi giai đoạn của dự án, Biomass Cuba đã cung cấp công nghệ tương thích để người dân ở vùng nông thôn có thể thu được năng lượng tái tạo từ chính các hoạt động chăn nuôi, trồng trọt.

Chất thải từ các bể phân hủy sinh học sau khi xử lý trở thành phân bón và được đưa trở lại đồng ruộng, góp phần phục hồi đất bạc màu. Bà Cancio cho biết, tại trang trại của gia đình, nước thải từ bể phân hủy sinh học đã trở thành nguồn phân hữu cơ quan trọng. Nhờ đó bà đã trồng thêm các loại rau, cây thuốc cũng như cây ăn quả. “Tất cả đều tạo ra sản phẩm hữu cơ”, bà chia sẻ.

Thông qua việc thực hành tạo sinh khối và năng lượng sạch, các trang trại tham gia Biomass tại Cuba đồng thời phát triển nông nghiệp sạch và hướng tới mục tiêu sử dụng năng lượng tái tạo tại địa phương. Mục tiêu của Cuba là đạt được 24% năng lượng đến từ các nguồn tái tạo vào năm 2030.

Trang trại của bà Cancio hiện cũng đã trở thành một mô hình trang trại sinh thái được đưa vào chương trình giáo dục của địa phương. Thường xuyên có những đoàn học sinh từ nhiều trường học đến tham quan và học tập để tìm hiểu về thực hành nông nghiệp sạch tại đây, qua đó tạo những chuyển biến và tác động tích cực. Việc thực hành sinh khối do vậy đã giúp trang trại cải thiện cả về kinh tế, sức khỏe và môi trường.

Dự án sinh khối của Cuba đã bước đầu lan tỏa tầm quan trọng của các nguồn năng lượng tái tạo ở khu vực nông thôn, đồng thời đề cao vai trò và những đóng góp của các chủ trang trại khi họ thử nghiệm hệ thống phân hủy sinh học và xử lý chất thải trong trang trại chăn nuôi.

Theo số liệu của Phong trào sử dụng khí sinh học (MUB) ở Cuba, tính đến năm 2022, có khoảng 4.500-5.000 bể phân hủy sinh học trên khắp đất nước. Các hầm biogas đã được lắp đặt tại quốc gia vùng Caribe từ những năm 80 của thế kỷ trước và đang dần tăng trưởng cùng với sự phát triển của những công nghệ mới giúp sử dụng năng lượng sinh học hiệu quả hơn.