Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Nâng chất lượng trại sáng tác

Mỗi năm, có trên dưới 80 trại sáng tác được tổ chức. Tuy nhiên, không phải trại nào cũng đem lại hiệu quả như mong muốn. Điều đó đặt ra yêu cầu cho các nhà tổ chức cần đầu tư hơn và đổi mới cách thức tổ chức hơn để các trại sáng tác phát huy hiệu quả như kỳ vọng.
0:00 / 0:00
0:00
Các tác giả trẻ tham gia trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình.
Các tác giả trẻ tham gia trại sáng tác kịch bản phim hoạt hình.

Trại viết, xúc tác và tồn tại…

Năm 2020, Trung tâm Hỗ trợ sáng tác văn học nghệ thuật tổ chức 77 trại sáng tác với 54 trại tổng hợp và 23 trại chuyên sâu, thu được 3.059 tác phẩm văn học, nghệ thuật. Năm 2021, do dịch Covid-19, chỉ có 12 trại được tổ chức. Năm 2022, có 68 trại gồm 57 trại tổng hợp và 11 trại chuyên ngành với sự tham gia của 936 tác giả và 4.100 tác phẩm được nghiệm thu.

Trại viết là sự xúc tác cho sáng tạo, là dịp để giới sáng tác gặp gỡ, giao lưu, trao đổi, học hỏi và khích lệ nhau trong sáng tạo. Gần 80 trại viết mỗi năm là con số đáng để hy vọng khi hàng nghìn tác giả dự trại với số tác phẩm được phác thảo, hoàn thiện, nghiệm thu… cũng lên đến hàng nghìn. Nhưng nhìn vào đó để hy vọng sẽ có những tác phẩm đỉnh cao với sự vào cuộc hào hứng của giới văn nghệ sĩ… thì có phần thiếu thực tế. Nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ từng nhận xét, người viết thật họ không đi trại sáng tác, hoặc đi để hoàn thiện sách đã viết rồi. Không ít người đi trại là… đi chơi. Nhiều người trại nào cũng đi...

Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du thì cho biết: “Ở lĩnh vực sân khấu những năm gần đây tham gia các trại hầu như toàn người cũ, vẫn tư duy ấy, vẫn vấn đề, góc nhìn cũ không có đột phá, sáng tạo mới. Trong số này có những tác giả đã có những tác phẩm viết trong trại được dàn dựng, công diễn vì họ có đột phá sáng tạo trong cách viết, cách nhìn nhận theo kịp cuộc sống hôm nay. Nhưng cũng có những tác giả viết “như thụi”, viết rất đều như cách họ viết mấy chục năm trước nên không có tác phẩm nào được dựng, cứ mang đi trại, rồi lại mang về cất trong ngăn kéo”.

Một nữ biên kịch khác rất tâm tư khi kể lại chuyến đi trại sáng tác năm 2022. Trại viết được tổ chức tại Nha Trang với hơn 20 trại viên nhưng phần lớn ở độ tuổi 65-70. Phần lớn các trại viên đã lâu “đứng ngoài” quy trình sản xuất phim vì nhiều lý do nên những vấn đề họ quan tâm, trao đổi cũng có khoảng cách với hoạt động làm phim thực tế. Bởi thế, việc đi trại của họ chủ yếu là gặp gỡ, ôn lại quá khứ một thuở và dưỡng sức. Kết thúc trại, các đề cương được nghiệm thu và… xếp kho, chẳng ai rà soát xem có bao nhiêu “chất xám” từ trại viết được tiếp tục sử dụng, dựng phim, dựng kịch, xuất bản sách và đến được với công chúng.

Cũng theo nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, chất lượng tác giả sẽ làm nên chất lượng của mỗi trại viết. Muốn các trại viết có chất lượng, có hiệu quả thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng sáng tác văn học nghệ thuật của đất nước thì phải thay đổi cách thức tổ chức trại.

Thay đổi như thế nào?

Khi nói đến hiệu quả của trại viết, nhiều người thường hay có sự so sánh với mô hình các trại viết do tạp chí Nhà văn và tác phẩm hay tạp chí Văn nghệ quân đội tổ chức: Trại viết thực tế. Đó là liên hệ các địa phương, đưa các cây viết có chất lượng, sung sức đi thực tế tại cơ sở. Ở lĩnh vực sân khấu, nhà viết kịch Hoàng Thanh Du khẳng định, việc chấm, chọn tác phẩm dự trại phải có sự đột phá là một tiêu chí đúng. Thí dụ, chọn 15 tác phẩm có số điểm cao nhất là một chủ trương công bằng, hợp lý. Tuy nhiên, nếu hội đồng chấm chọn là những người có uy tín, các tác giả sẽ tâm phục, khẩu phục. Còn chỉ có lãnh đạo tổ chức hội chọn thì dễ dẫn đến cảm tính và việc mời “cánh hẩu”, hay coi trại viết là trại an dưỡng để ban phát. Như thế, trại viết sẽ có kết quả kém là tất yếu. “Đã có lần tôi đề xuất, ngoài việc mời một hội đồng đọc chọn kịch bản tham gia trại viết, hội nghề nghiệp nên mời đích danh các tác giả đã có tác phẩm được dàn dựng trong năm qua dự trại. Để các trại viết có hiệu quả thì các hội chuyên ngành phải tự làm mới về hình thức cũng như nội dung khi tổ chức trại viết”, ông Hoàng Thanh Du nói.

Nếu đã khẳng định cần phải đổi mới cách tổ chức để nâng cao hiệu quả các trại viết thì tại sao… không mạnh dạn đưa ra các mô hình mới, như trại viết theo chủ đề tập trung vào một số ngày lễ lớn trong các năm tiếp theo để tạo nguồn kịch bản, tác phẩm chất lượng đáp ứng đầu tư của Nhà nước; nhân rộng các mô hình trại viết trực tiếp để các tác giả có điều kiện đẫm mình trong thực tế cuộc sống, chắt lọc, đưa thực tế vào tác phẩm bằng tài năng, sự thẩm ngấu thực tế cá nhân. Với các nhà tổ chức, nếu coi trọng hiệu quả trại viết, thì đừng bao giờ coi trại viết là nơi an dưỡng, là “phiếu đãi ngộ”. Chỉ có như thế, việc chọn tác giả dự trại mới được rà lọc, chọn tuyển có chất lượng, đáp ứng tiêu chí của từng trại và nắm được “đầu ra” ngay khi trại viết bắt đầu.