Nâng cao giá trị liên hoan phim nước ngoài tại Việt Nam

Các Liên hoan phim nước ngoài tại Việt Nam luôn được coi là những “bữa tiệc” thịnh soạn, giúp mở rộng văn hóa và tri thức. Liệu những “bữa tiệc” này có đang được tổ chức với quy mô xứng tầm?
0:00 / 0:00
0:00
Cần cung cấp rộng rãi thông tin về các liên hoan phim cho công chúng để thêm nhiều người theo dõi.
Cần cung cấp rộng rãi thông tin về các liên hoan phim cho công chúng để thêm nhiều người theo dõi.

Cầu nối văn hóa

Với mục đích lan tỏa nét đẹp nghệ thuật, văn hóa và đời sống của quốc gia, các bộ phim xuất hiện trong các liên hoan phim luôn được đánh giá cao nhờ sự đa dạng về mặt thể loại, kỹ lưỡng trong khâu lựa chọn sản phẩm. Có những sự kiện nhận được sự quan tâm của công chúng bằng việc vé thường sớm được phát hành hết. Khán giả cũng đa dạng, từ độ tuổi học sinh, sinh viên đến người trung, cao tuổi, người nước ngoài. Nhiều khán giả còn được trò chuyện trực tiếp với các đạo diễn nước ngoài hoặc đại diện ban tổ chức liên hoan phim của mỗi kỳ. Bạn Trang Linh, nhân viên Trung tâm chiếu phim quốc gia chia sẻ: “Thường khoảng một đến hai tháng sẽ có liên hoan phim của những nước khác nhau. Khác với các phim thương mại, liên hoan phim sẽ phát vé mời miễn phí cho các cá nhân theo giới hạn cụ thể. Vậy nên, việc “săn” vé xem phim cũng khá khó khăn. Có những kỳ mà ngay trong buổi đầu mở phát vé, chỉ sau khoảng hai tiếng, số vé đã gần hết. Về phía rạp cũng tạo điều kiện cho những bạn không có vé vẫn xem được nếu trong rạp còn chỗ trống”.

Các kỳ liên hoan phim chính là cầu nối văn hóa đặc biệt, tạo nên một làn sóng văn hóa đặc sắc giúp khán giả Việt Nam có cơ hội để mở rộng văn hóa, tri thức. Tuy nhiên, các sự kiện này mới chỉ được tổ chức ở quy mô nhỏ. Liệu có nên mở rộng quy mô của các sự kiện? Liệu các tác phẩm phim nước ngoài đặc sắc có thể tiếp cận nhiều khán giả hơn?

Thêm một thực tế, không phải buổi chiếu phim nào cũng có số lượng người xem đông. Có những suất “cháy” vé nhưng đến khi phát lại, còn rất nhiều chỗ trống. Có những phim, tỷ lệ ghế trống chiếm khoảng 20-30%. Một trong những nguyên nhân chính được lý giải là do các phim chiếu tại liên hoan thường mang đậm tính nghệ thuật, chứa nhiều yếu tố ẩn dụ, trừu tượng khiến cho nhiều khán giả Việt vốn đang quen với những dòng phim thương mại, cũng khó cảm nhận. Bạn Nguyễn Anh Quân ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Mình từng có dịp theo dõi các bộ phim nước ngoài tại Liên hoan phim Mỹ Latinh 2018, Liên hoan phim EU 2020, Liên hoan phim tài liệu châu Âu Việt Nam 2020. Trong đó, mình đặc biệt ấn tượng với khâu tổ chức và chất lượng của các bộ phim chiếu tại Liên hoan phim EU 2020. Những buổi công chiếu đầu tiên, đặc biệt là buổi khai mạc, khán giả đông kín cả rạp. Về sau thì bắt đầu có các ghế trống. Tuy nhiên với những phim kịch tính và hay như “Budapest” thì rạp vẫn rất đông”.

Làm gì để nâng quy mô?

Liên hoan phim nước ngoài tại Việt Nam thường được nhận định là một “bữa tiệc thịnh soạn” nhưng kén người ăn dù luôn mang lại rất nhiều lợi ích trên phương diện văn hóa. Và trên thực tế, nhiều người đã cảm thấy tiếc nuối vì đã không thể tiếp cận với sự kiện một cách kịp thời. Vì vậy, việc mở rộng quy mô các liên hoan phim là mong muốn của cả ban tổ chức lẫn khán giả. Về vấn đề này, ông Antonio Termenini, thành viên ban tổ chức Liên hoan phim Italia tại Hà Nội 2022 - với tư cách đạo diễn “Liên hoan phim châu Á” tại Rome cho hay: “Chúng tôi luôn mong muốn truyền tải những nét văn hóa đặc sắc nhất của điện ảnh nước nhà, vì vậy hằng năm cứ đến mỗi kỳ liên hoan phim, chúng tôi luôn cố gắng chọn lọc những bộ phim tốt nhất, đa dạng về thể loại nhằm giúp cho khán giả có cái nhìn đa dạng hơn về nền điện ảnh của Italia. Hiện tại chúng tôi đã có lượng khán giả đông và chất lượng. Vậy nên tôi vẫn thấy bảy bộ phim mỗi kỳ liên hoan là vừa đủ. Tuy nhiên nếu có cơ hội được mở rộng về mặt quy mô, chúng tôi sẽ kết hợp nhiều thể loại phim khác để phù hợp nhiều đối tượng hơn và cố gắng mời thêm một vài diễn viên hay đạo diễn nổi tiếng tham dự nhằm giúp khán giả có thể hiểu sâu hơn về những bộ phim, cũng như nền văn hóa và điện ảnh của các nước trên thế giới”.

Song song đó là việc cần phân loại rõ ràng các sự kiện liên hoan phim khác nhau. PGS, TS Trần Quang Minh, Trưởng khoa Nghệ thuật Điện ảnh Trường đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội cho rằng: “Với các liên hoan phim nước ngoài, việc mở rộng quy mô càng nhiều sẽ càng có lợi. Vì mục đích tổ chức nằm ở vấn đề giao lưu văn hóa, mà văn hóa càng được giao lưu rộng thì càng giúp người dân hiểu biết sâu hơn. Nên đưa liên hoan phim đến các tỉnh, tuy nhiên trước mắt vấn đề lực lượng và cơ sở vật chất sẽ là một bài toán lớn. Vì nước ta còn thiếu điều kiện về mặt kỹ thuật để có thể hỗ trợ các tổ chức trên nhân rộng ra. Nhưng vấn đề là liên hoan phim giao lưu văn hóa và liên hoan phim nâng tầm nền điện ảnh là hai cái khác nhau, với nhiệm vụ khác nhau. Cần tránh việc gộp chung hai vấn đề lại thì mới đạt được những hiệu quả tối ưu nhất”.

Bên cạnh đó, việc mở rộng truyền thông cũng cần đặc biệt quan tâm. Hiện nay khán giả nhận được thông tin từ các fanpage phim ảnh cũng như các fanpage chuyên cung cấp thông tin về các dự án tình nguyện, thông tin sinh viên với lượng theo dõi cao. Nhưng như vậy vẫn là chưa đủ, cần đa dạng hơn các trang fanpage cũng như mở rộng truyền thông trên nhiều mạng xã hội có lượng người sử dụng đông đảo như facebook, tiktok… Khi sức hút của các kỳ liên hoan phim đã đạt được, thì việc mở rộng phạm vi cũng là điều mà các ban tổ chức có thể hướng đến.