Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Nâng cao “chất Hà Nội” trong sáng tác

15 năm Thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, một chặng đường tiếp nhận, bổ sung thêm về nguồn lực xã hội, tiềm lực văn hóa, lực lượng sáng tạo văn học nghệ thuật. Câu chuyện phẩm chất, bản sắc Hà Nội trong bối cảnh hôm nay, thật không dễ định hình. Nhưng cần thiết có những gợi mở cho việc định hướng, phát triển các hoạt động sáng tác của giới văn nghệ sĩ.
0:00 / 0:00
0:00
Núi Ba Vì - Biểu tượng văn hóa lớn của xứ Đoài và cả vùng châu thổ sông Hồng.
Núi Ba Vì - Biểu tượng văn hóa lớn của xứ Đoài và cả vùng châu thổ sông Hồng.

1/Thực tế, sự trải nghiệm, suy ngẫm, và đúc kết như những tiền đề của sáng tạo phụ thuộc vào cá nhân mỗi tác giả. Nhưng sẽ có những tác động nhất định mang tính gợi mở nếu việc tổ chức sáng tác được Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và các hội chuyên ngành tích cực phối hợp triển khai. Khi đó, nét riêng độc đáo của tác giả, nếu gặp điều kiện tốt và sự đồng hành thuận lợi, sẽ có sự hòa quyện, cộng cảm, thăng hoa cùng những gợi mở từ tổ chức, từ chính quyền thành phố, ngành văn hóa, thông tin truyền thông, từ các địa phương, cơ sở...

Vì thế, các đối tượng được hướng tới với mong muốn nhập cuộc tích cực, nâng cao và phát huy vai trò nhà kiến tạo, người gợi mở, thì không chỉ riêng các tác giả hay các thành phần tổ chức hội nghề nghiệp, mà rất quan trọng, chính là các cơ quan chức năng liên quan của Thủ đô. Trong đó có vấn đề tổ chức sáng tác, khởi xướng, tạo điều kiện cho sáng tác về đề tài Hà Nội.

2/Trong cách đánh giá, nhận định, phát biểu trên nhiều những diễn đàn văn hóa, văn học nghệ thuật, dường như đâu đó đã “rất yên tâm” với những cái nhìn chung về nét đặc sắc văn hóa, con người Hà Nội: Hào hoa, thanh lịch, văn minh, sang trọng, anh dũng, quả cảm, ôn tồn, điềm đạm, mực thước… Nhìn chung, nói đến Hà Nội, người ta thấy toát lên vẻ đẹp hùng tráng, thanh thoát, tinh tế, hòa trong bầu không khí đầy trầm tích văn hóa, văn hiến đã vun đắp qua nghìn năm, trăm năm lịch sử và đang được phát huy mạnh mẽ trong công cuộc đổi mới, phát triển, hội nhập ngày hôm nay.

Trân trọng những giá trị đã định hình, đang được lan tỏa, bồi đắp. Nhưng cũng lấy làm băn khoăn với những gợi mở, đề xuất có vẻ hài lòng với nét đẹp Hà Nội linh thiêng hào hoa một thời, nhiều thời dường như đã trở nên “kiểu mẫu”. Có một điều đáng suy ngẫm và nhìn nhận rộng hơn, xa hơn, không chỉ từ khi thành phố mở rộng địa giới hành chính. Là các khu vực, địa bàn của Hà Nội trước kia và hiện nay, sau này, đã và vẫn có những điểm tương đồng, khác nhau về dòng chảy - đời sống văn hóa, sự duy trì các tập quán, những biến động qua lịch sử, và những biến đổi trong thực tế. Những điều đó, góp phần tạo ra những biểu hiện muôn hình muôn vẻ của những đặc điểm tính cách, đặc thù nếp sống, đặc trưng văn hóa mà mỗi vùng đất, địa bàn có được.

Nét thanh lịch, hào hoa được nhận ra nhiều ở nơi phố phường Hà Nội trung tâm, cổ xưa, chốn tập trung phố nghề, phường thợ với sự chắt lọc từ nói năng, cư xử đến cách ăn, cái mặc, nay đang pha trộn những làn sóng vật chất, tinh thần hiện đại, bóng bẩy, sặc sỡ. Nhưng đó chưa hẳn đã là nét chủ đạo ở vùng ngoại thành, đặc biệt ở một số địa bàn trung du, miền núi, nơi vùng đất bán sơn địa cứng chắc, bạc màu, thời tiết lại thêm phần khắc nghiệt. Nơi đó, toát lên vẻ gân guốc, rắn rỏi, mộc mạc được truyền đời từ những người nông dân, người đi rừng, người thợ nghề… Thậm chí hôm nay, ở địa bàn này, cũng đang nổi lên không ít những rung động đa chiều, có xáo trộn, có bâng khuâng, ngỡ ngàng trong dòng chảy hiện đại hóa, đô thị hóa.

Với một số địa bàn vùng sâu nơi đồng bào dân tộc ít người sinh sống như đồng bào Mường, Dao, Tày, thì những dáng nét, phẩm chất đặc trưng lại cần được nhìn, được cảm theo những góc độ khác nữa, có liên quan mật thiết đến truyền thống văn hóa, không gian sinh tồn và các hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh, tín ngưỡng đặc trưng của đồng bào. Đặc biệt, cũng trong những tác động của xu thế hiện đại hóa đang len lỏi khắp các ngõ ngách đời sống, thì nhiều những biến đổi, định hình mới của con người, nếp sống, tập quán nơi đây, cũng cần được nhìn nhận đầy đủ, kỹ lưỡng, sâu sắc hơn.

3/Vài cảm nhận trên đây, là lý do cho gợi ý về những cách đặt vấn đề, đề xuất mới trong quá trình tổ chức các hoạt động sáng tác dành cho lực lượng văn nghệ sĩ Thủ đô. Các hội nghề nghiệp, cũng như cơ quan lãnh đạo thành phố, các địa phương, cơ sở, các cơ quan liên quan, rất nên lưu tâm đến những gợi mở này. Điều đó sẽ có ảnh hưởng nhất định đến quá trình phối hợp tổ chức các cuộc vận động sáng tác, các cuộc thi sáng tác văn học, tổ chức các trại viết, những chuyến đi thực tế cho văn nghệ sĩ trên địa bàn Hà Nội.

Cần nhiều những chuyến đi vào các vùng nông thôn, địa bàn miền núi, những khu vực tập trung đồng bào dân tộc thiểu số. Nên kiến tạo nhiều cơ hội trải nghiệm phong phú cho văn nghệ sĩ với các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng, cùng đời sống canh tác, làm nghề, phát triển sản xuất, kinh doanh dịch vụ, làm ăn kinh tế… của nhân dân các địa phương, địa bàn. Từ những chuyến đi thực tế, trải nghiệm đó, mỗi tâm huyết sáng tác sẽ có cơ hội đón nhận nhiều hơn những biểu hiện của phẩm chất con người, văn hóa Hà Nội trong thực tế đời sống hôm qua, hôm nay. Và có như vậy, thì vai trò kiến tạo, triển khai của hội nghề nghiệp và các địa phương, địa bàn, các cơ quan liên quan mới được phát huy hiệu quả.

Cũng như, trong các cuộc thi, vận động sáng tác, sự mở rộng, đa dạng về văn hóa, xã hội của Hà Nội qua các khu vực, cộng đồng dân cư… cần được nhấn mạnh, đề cao hơn trong chủ đề, mục đích, nội dung. Việc này nhằm khuyến khích các tác giả nhiều hơn trong việc tìm tòi, thể hiện các đề tài trước kia còn ít chạm đến, khai thác những điểm khác, những nét mới. Đặc biệt ở đây, cần chú ý hơn đến yếu tố di dân, đến sự tập trung về Hà Nội sinh sống, làm việc từ nhiều vùng miền, tỉnh thành khác. Thực tế đó từ nhiều chục năm qua và càng mạnh mẽ hôm nay, đã và đang góp những gì vào phẩm chất, phong cách, nếp sống Hà Nội? Và nó thấm nhuần, tiếp biến như thế nào với những gì được coi là gốc gác, là tiêu biểu của Hà Nội xưa kia, trước đây? Đó đều là những điều đáng chú ý, nhấn mạnh đối với các văn nghệ sĩ, các nhà tổ chức, các hoạt động thúc đẩy, hỗ trợ phong trào sáng tác, hoạt động nghề nghiệp.

4/Trên đây không phải là những gợi ý về đề tài sáng tác. Mà chỉ là vài ý kiến gợi mở gửi đến các nhà tổ chức cho hoạt động sáng tác văn học nghệ thuật. Có thể thấy rằng, mở rộng cách nhìn trong sáng tác, trong việc tạo điều kiện cho sáng tác về Hà Nội, với mục tiêu truyền tải, nâng cao phẩm chất Hà Nội, sẽ tạo những tác động đáng kể đến thực tế sáng tạo văn học nghệ thuật.

Nhiều năm qua, chúng ta nói nhiều đến sự hội tụ và lan tỏa, hưởng ứng sự hội tụ và lan tỏa như một cách thể hiện, khẳng định và quảng bá hình ảnh miền đất, bản sắc văn hóa, phẩm chất của cộng đồng, con người. Rất cần thiết và phù hợp trong bối cảnh hôm nay, là cái nhìn rộng mở, phong phú để cảm nhận, đón nhận và khai thác nhiều hơn nữa những dáng nét lâu bền và mới mẻ, những biểu hiện đa dạng trong đời sống tâm hồn, tính cách con người Hà Nội nơi phố cổ, phố cũ, nơi những vùng đất Hà Nội, những miền quê Hà Nội, nơi miền núi Hà Nội, nơi những thành phần dân cư đa dạng ở Hà Nội hiện nay đang sinh sống, phát triển. Để từ đó tiếp tục chắt lọc, tiếp tục tôn vinh những gì bền vững, những gì đặc sắc làm giàu cho con người, cho đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội của Thủ đô. Muốn hội tụ thì phải chủ động đón nhận sự lan tỏa. Và muốn lan tỏa, thì phải biết quy tụ, biết trân trọng những gì tập hợp vào mình. Tiếp nối, phát huy, nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học nghệ thuật, cần có cái nhìn rộng mở ấy.