Một gia đình trí thức đáng kính trọng

Sinh thời, GS Đặng Thai Mai, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Viện trưởng Văn học, đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa V, được không ít người kính trọng, nể phục. Người ta càng ngưỡng mộ khi trong gia đình nhà văn hóa lớn này cả bảy cha, con đều là GS, PGS.
0:00 / 0:00
0:00
Gia đình GS Đặng Thai Mai.
Gia đình GS Đặng Thai Mai.

1/Tôi gặp PGS, KTS Đặng Thái Hoàng (con trai cố GS Đặng Thai Mai) tại nhà riêng trên phố Nguyễn Huy Tự, quận Hai Bà Trưng. Dẫn tôi xem Phòng lưu niệm của thân phụ, ông chia sẻ: Suốt cuộc đời cha tôi gắn bó với ngành văn hóa, giáo dục và đào tạo. Về với tổ tiên, gia tài ông để lại là mấy giá sách và nếp nhà, nếp học cho các con, cháu. Đáng mừng là sáu chị em tôi với sự nỗ lực của bản thân, đều trưởng thành trên vị trí công tác của mình.

Từ gia đình khoa bảng yêu nước, giữa những năm 30 của thế kỷ 20, Đặng Thai Mai ra Hà Nội dạy học ở Trường tư thục Thăng Long, cùng với các ông Võ Nguyên Giáp và Nguyễn Văn Tố tổ chức phong trào truyền bá chữ quốc ngữ. Thạo Hán học và giỏi tiếng Pháp nên ông sớm tiếp xúc với văn hóa phương Tây, nhưng cũng rất quan tâm nền văn hóa dân tộc dưới ách đô hộ của thực dân Pháp. Năm 1944, trong không khí chuyển mình của phong trào yêu nước tiến tới Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Đặng Thai Mai cho ra đời cuốn “Văn học khái luận”. GS Hà Minh Đức, người học trò của ông cho rằng “Văn học khái luận” được coi là tác phẩm lý luận văn nghệ đầu tiên được viết theo quan điểm cách mạng, đề cao giá trị của tác phẩm phản ánh đời sống của nhân quần, xã hội; đồng thời tùy hoàn cảnh cụ thể mà kết hợp tính dân tộc và tính quốc tế trong mỗi tác phẩm.

“Dấn thân” theo cách mạng, lại có kiến thức uyên thâm nên GS Đặng Thai Mai được Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh giao các trọng trách như Bộ trưởng Giáo dục (năm 1946); Hội trưởng Hội Văn nghệ Việt Nam (1948-1957, sau này là Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam); Hiệu trưởng Trường đại học Sư phạm Hà Nội; Viện trưởng Văn học (1959-1976)... Ngoài tác phẩm “Văn học khải luận”, ông còn để lại các công trình có giá trị như “Tạp văn trong văn học Trung Quốc ngày nay” (1945), “Chủ nghĩa nhân văn thời văn hóa phục hưng” (1949), “Lược sử văn học hiện đại Trung Quốc” (1958), “Trên đường học tập và nghiên cứu”, tập 1 (1959), tập 2 (1969), tập 3 (1970)... Đảng và Nhà nước ta đã truy tặng ông Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật (đợt 1/1996).

2/Bận bịu với công việc xã hội, việc cơ quan cho nên có lần GS Đặng Thai Mai nói với con mình rằng, cha không có thời gian kèm cặp các con học hành, vì vậy mấy chị em bảo ban nhau phát huy sở trường, đọc sách tích lũy kiến thức để ra đời làm việc được thuận lợi, hanh thông. PGS Đặng Thái Hoàng (con trai duy nhất của cụ Mai) chọn cho mình con đường đi riêng là lĩnh vực kiến trúc. Nhờ được đi đào tạo chuyên ngành ở nước ngoài, lại dành tâm sức nghiên cứu nên PGS Hoàng đã xuất bản hơn 20 đầu sách, trong đó có những công trình tiêu biểu như: “Bảo tồn di sản kiến trúc Hà Nội”, “Giáo trình lịch sử kiến trúc thế giới” (2 tập), “Tổng quan về đô thị và kiến trúc Mỹ”, “Chủ nghĩa ẩn dụ trong kiến trúc”, “Đô thị và kiến trúc Nhật Bản”... PGS Đặng Thái Hoàng được nhận Giải thưởng Nhà nước về khoa học - công nghệ năm 2007.

Không giống với các chị mình là PGS Đặng Bích Hà (sử học, phu nhân Đại tướng Võ Nguyên Giáp), PGS Đặng Thị Hạnh, PGS Đặng Anh Đào, GS Đặng Thanh Lê (văn học), người em gái út - PGS Đặng Xuyến Như lại đam mê nghiên cứu sinh học. Bà từng tham gia thực hiện hàng chục đề tài cấp Nhà nước, cấp bộ và giữ vai trò là Phó Viện trưởng Ứng dụng công nghệ kiêm Giám đốc Trung tâm sinh học thực nghiệm (Bộ Khoa học và Công nghệ).

Trong số những người con gái theo đuổi nghiệp giảng dạy và nghiên cứu văn chương của GS Đặng Thai Mai phải kể đến PGS, NGƯT Đặng Thị Hạnh (phu nhân Trung tướng Phạm Hồng Cư), GS Đặng Thanh Lê và PGS Đặng Anh Đào. Cùng với GS, NGND Lê Hồng Sâm, bà Hạnh là một trong rất hiếm nữ cán bộ giảng dạy ở Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội cuối những năm 50 của thế kỷ trước (sau này là Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội). Bộ đôi này, một người chuyên về văn học hiện thực, còn người kia lại chuyên về văn học lãng mạn Pháp thế kỷ XIX.

Nói về quá trình giảng dạy và nghiên cứu khoa học của mình, có lần PGS Đặng Thị Hạnh thổ lộ: Thế hệ tôi may mắn được thụ giáo các bậc thầy lớn như GS Đào Duy Anh, GS Cao Xuân Huy, GS Nguyễn Tài Cẩn... Tôi lại được sinh ra trong một gia đình mà cha tôi luôn có nguồn tư liệu, tác phẩm văn học trong nước và văn học nước ngoài. Những yếu tố đó quả thực đã ảnh hưởng lớn đến công việc giảng dạy và nghiên cứu của mình. Năm 2013, Chính phủ Pháp đã trao tặng PGS Đặng Thị Hạnh Huân chương cành cọ hàn lâm.

Nếu chị gái chuyên sâu về văn học nước ngoài thì người em - GS, NSƯT Đặng Thanh Lê (1932 - 2020) lại nặng lòng với văn học truyền thống của dân tộc. Tốt nghiệp Trường sư phạm cao cấp Liên khu IV năm 1953, sau mấy năm dạy cấp ba ở Bắc Ninh, từ 1959 bà Đặng Thanh Lê về công tác ở Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội. Với sự nỗ lực trong hoạt động đào tạo và đam mê nghiên cứu GS Đặng Thanh Lê từng được giao các trọng trách Chủ nhiệm bộ môn Văn học trung đại, Giám đốc Trung tâm Việt Nam học, Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Theo GS Phan Trọng Luận, bạn học và là đồng nghiệp thì trong khoa học, GS Đặng Thanh Lê là người có chính kiến riêng, khách quan và vô tư. Bà luôn nhạy cảm và sắc sảo trong việc nhìn nhận, đánh giá những biểu hiện quá đà trong nghiên cứu phê bình văn học. Là chuyên gia về lịch sử văn học trung đại và “Truyện Kiều”, GS Lê đã có một số công trình gây được sự chú ý của giới nghiên cứu. Chẳng hạn “Truyện Kiều và thể loại truyện Nôm” (xuất bản năm 1973), là công trình đầu tay nhưng đã được các GS danh tiếng Nguyễn Khánh Toàn, Đinh Gia Khánh bấy giờ đánh giá cao. Khai thác tác phẩm bất hủ của Đại thi hào Nguyễn Du, GS Lê còn có cuốn sách “Giảng văn Truyện Kiều”. Cũng dành sức lực nghiên cứu “Truyện Kiều” nhưng sau khi đọc tác phẩm của GS Đặng Thanh Lê, GS Lê Đình Kỵ (Khoa Ngữ văn, Trường đại học Tổng hợp Hà Nội thời kỳ trước) nhận xét rằng, tác giả đã thể hiện khả năng phân tích, mổ xẻ các hình tượng nhân vật của Nguyễn Du một cách tinh tế, sâu sắc. Đồng thời đưa ra được những nhận định mới mẻ và xác đáng. GS Đặng Thanh Lê còn có các tác phẩm gây ấn tượng trong công chúng bạn đọc như “Mấy vấn đề phát triển văn hóa Việt Nam hiện nay”, “Văn hóa trong phát triển và toàn cầu hóa”.

Riêng về hoạt động của Trung tâm Việt Nam học, với vai trò Giám đốc trong nhiều năm, GS Đặng Thanh Lê đã bộc lộ tầm nhìn văn hóa, về khả năng tập hợp đội ngũ trí thức trong thời kỳ hội nhập của đất nước. Trung tâm không chỉ thu hút được học viên của nhiều nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Pháp, Đức, Italia, Hoa Kỳ...) mà còn mở rộng quan hệ giao lưu với giới khoa học quốc tế cho đội ngũ cán bộ giảng dạy của Trường đại học Sư phạm Hà Nội.

Có một ái nữ nữa của cố GS Đặng Thai Mai không thể không nhắc đến là PGS Đặng Anh Đào, phu nhân Trung tướng Phạm Hồng Sơn. PGS Đặng Thái Hoàng cho biết: Cuộc đời của chị Đào có một bước ngoặt, đó là năm 1967, từ một giáo viên ở một trường cấp III Hà Nội, chị chuyển về giảng dạy tại Khoa Ngữ văn, Trường đại học Sư phạm Hà Nội và không ngừng nghiên cứu, dịch thuật văn học Pháp. Bên cạnh một số cuốn sách chuyên khảo, chuyên luận như “Balzac và cuộc săn tìm nhân vật chính diện trong bộ “Tấn trò đời”, “Đổi mới nghệ thuật tiểu thuyết phương tây hiện đại”,”Hugo-cuộc đời và tác phẩm”, PGS Đặng Anh Đào còn để lại hàng chục tác phẩm dịch nổi tiếng khác được in trong “Tuyển tập truyện ngắn Pháp thế kỷ 19” hay trong bộ “Tấn trò đời” gồm 16 tập. Bà cũng có những sáng tác hoặc hồi ký như “Tầm xuân”, “Võ Nguyên Giáp qua lời kể của những người thân”, “Nhớ và quên”. Mà trong những truyện ngắn, hồi ức này người đọc có thể thấy thấm đẫm tình đời và tình người. Đó là tình cảm trong quan hệ gia tộc, họ hàng và rộng hơn là tình yêu quê hương, đất nước; là quan hệ gắn bó thủy chung như nhất giữa một người phụ nữ làm giảng dạy và nghiên cứu với chồng là một tướng lĩnh quân đội quả cảm, thông minh...