Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 3)

Kỳ 3: Giữ bằng luật, nhận thức và tiếp biến sáng tạo
0:00 / 0:00
0:00
Một số khu nhà tập thể cũ lại đang là những ốc đảo xanh giữa đô thị chật chội.
Một số khu nhà tập thể cũ lại đang là những ốc đảo xanh giữa đô thị chật chội.

(Tiếp theo và hết)

Hiện nay Hà Nội đang thiếu chiến lược bảo tồn và quảng bá di tích kiến trúc thời kỳ mấy thập kỷ trước đổi mới. Các đề án quy hoạch, cải tạo, tiêu chí phân loại các khu tập thể chưa đầy đủ. Việc xây dựng các chính sách liên quan đến bảo tồn di sản kiến trúc thời bao cấp sẽ góp phần kiến tạo thương hiệu cho loại hình di tích có giá trị đặc biệt về lịch sử và văn hóa đô thị này.

Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 3) ảnh 1

Cung Thiếu nhi Hà Nội.

Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 3) ảnh 2

Khu công nghiệp Cao-Xà-Lá thuộc quận Thanh Xuân.

Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Thế Sơn:

“Vốn quý nhiều nơi không có được”

Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 3) ảnh 3

Có thể thấy, quỹ không gian kiến trúc thời chủ nghĩa hiện đại, chủ nghĩa công năng thời kỳ xây dựng xã hộ chủ nghĩa chứa đựng tiềm năng rất lớn mà chúng ta chưa đánh giá đầy đủ. Cũng như một số nước trên thế giới, trong một giai đoạn chưa nhìn nhận đầy đủ giá trị của các di sản, chúng ta đã phá bỏ hết các di sản công nghiệp như Nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo, cảng Ba Son trong TP Hồ Chí Minh. Vì vậy, những công trình như Cung Thiếu nhi, chuỗi công trình nhà tập thể… hoàn toàn nên được nghiên cứu kỹ lưỡng để không bỏ phí giá trị di sản.

Từ kinh nghiệm của các nước đang phát triển, chúng ta nên có sự ưu tiên trong nghiên cứu để đưa ra những chính sách, đặc biệt với những công trình kiến trúc hiện đại thời xây dựng xã hội chủ nghĩa - là vốn quý không phải nhiều thành phố có được. Miền bắc có những công trình chất lượng tốt, đầy đủ công năng cho thấy sự tiếp biến phát triển của lịch sử kiến trúc của đô thị Hà Nội. Đây là vốn quý di sản, hoàn toàn có thể đối xử như một chất liệu nghệ thuật hoặc chất liệu để phát triển công nghiệp văn hóa và kinh tế. Cung Thiếu nhi, nhà tập thể chất lượng tốt hoàn toàn có thể được tận dụng trở thành các không gian sáng tạo.

Nhà làm phim, đạo diễn điện ảnh Nguyễn Hoàng Điệp:

“Di sản níu bước tân kỳ”

Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 3) ảnh 4

Hà Nội là một đô thị dung hợp, nơi cái mới khó lòng triệt tiêu cái cũ và di sản thì níu bước tân kỳ. Ở Hà Nội ngày hôm nay, khó tìm thấy một nơi chốn gây cảm giác bị thời gian quên lãng, vì đất chật người đông, không có gì không bị xâm lấn hoặc chuyển biến trong từng phút giây. Sự lấn vào nhau, sự cơi nới trong nhau, sự xô đẩy, cự tuyệt rồi lại bao trùm lên nhau, sự ăn đời ở kiếp với nhau thành ra một thể thống nhất giữa cái cũ và cái mới…

Ngày nay, khi ngắm nhìn một khu tập thể với tất cả lộn xộn, nhấp nhô, chèn lấn, giằng níu..., ta khó có thể nghĩ đến cái gì đậm chất sống của Hà Nội hơn. Khu tập thể cũ như một sinh thể có sức sống nội tại mạnh mẽ, có cộng đồng trông thì tưởng già và đồng nhất mà hóa ra lại rất đa dạng và ngời ngời sức trẻ; có mối liên kết sâu sắc nhưng lại rất linh hoạt với những cộng đồng quần cư và những công trình công cộng hiện tồn chung quanh.

Khi mở Ơ Kìa Hà Nội phiên bản mini ở khu tập thể Bưu Điện trong ngõ 84 Ngọc Khánh, tôi và kiến trúc sư Nghiêm Quốc Cường đã mượn những ký ức cá nhân để biến nó trở thành một dạng ký ức cộng đồng dễ dàng chia sẻ. Chúng tôi nói với nhau về sự tồn vong của khu tập thể và chúng tôi hòa vào nhịp sinh học của chính khu tập thể với quần cư sống động của nó. Không đảo chiều, không bẻ ghi, không ngăn dòng chảy... việc của chúng tôi đơn giản là sống cùng khu tập thể và đem sáng tạo nhỏ nhắn của mình hòa làm một với dòng chảy nội tại ấy.

TS Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội Khoa học lịch sử TP Hồ Chí Minh:

“Cần luật hóa khái niệm “Di sản đô thị” trong Luật Di sản văn hóa”

Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 3) ảnh 5

Với Hà Nội, ngoài những công trình kiến trúc là di sản thời trung và cận đại còn có nhiều công trình xây dựng từ sau 1954 đến trước “thời mở cửa” vào thập kỷ 1980. Nhiều công trình đã bị phá hủy trong quá trình hiện đại hóa của Thủ đô. Một số công trình ở Hà Nội cần được coi là di sản đô thị, phải được bảo tồn và sử dụng, khai thác với chức năng mới như Cung Thiếu nhi, Cung Việt-Xô, nhà máy cơ khí Cao-Xà-Lá, các khu tập thể Kim Liên, Nguyễn Công Trứ, Trung Tự, Giảng Võ, Nghĩa Tân, Thanh Xuân… Đối với những khu tập thể tiêu biểu cho phong cách kiến trúc và lối sống một giai đoạn, nếu chất lượng công trình còn tốt, nên tiếp tục sử dụng đúng chức năng “chung cư”, nhưng giảm tải về số lượng và mật độ người cư trú, cải tạo hạ tầng điện, nước, vệ sinh, dịch vụ tiện nghi hơn, có thể trở thành căn hộ độc thân hoặc gia đình nhỏ.

Di sản đô thị là các công trình vật thể nhưng hiện diện lâu bền trong “ký ức đô thị” của nhiều thế hệ thị dân, tạo nên dấu ấn đối với du khách. Bảo tồn di sản lịch sử không đơn giản là công việc khoa học mà đó là “không gian đối thoại giữa hiện tại và quá khứ” thể hiện tính nhân văn của một chính thể, một thời đại. Do đó có thể nhận thấy vai trò của “chính quyền đô thị” vô cùng quan trọng, là yếu tố quyết định vận mệnh và tương lai của di sản đô thị cũng như văn hóa-văn minh của thành phố. Vì vậy, khái niệm “Di sản đô thị” cần được luật hóa trong Luật Di sản văn hóa, từ đó có công cụ pháp lý để đánh giá giá trị, bảo tồn các công trình kiến trúc trong đô thị, đồng thời nâng cao ý thức cộng đồng, cùng chung tay bảo vệ và phát huy giá trị di sản đô thị.

Kiến trúc sư Trần Hữu Thọ, sáng lập Gia Mỹ Studio:

“Giữ lại những biểu tượng văn hóa của Hà Nội”

Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 3) ảnh 6

Kiến trúc thời bao cấp của Hà Nội không chỉ là dấu ấn lịch sử mà còn là biểu tượng của những giá trị cộng đồng và bản sắc đô thị độc đáo. Hệ thống các công trình này đều mang trong mình sức sống của một thời kỳ đậm chất lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Cần giữ lại một số công trình như những biểu tượng văn hóa của Hà Nội.

Một thí dụ như gợi ý về việc giữ lại một số công trình điểm nhấn của khu công nghiệp Cao-Xà-Lá để làm bảo tàng hoặc không gian văn hóa. Việc này vừa góp phần gợi nhớ quá khứ mà còn khẳng định một tầm nhìn lịch sử song song với sự phát triển hiện đại của thành phố - một biểu tượng không phải chỉ của những khối bê-tông mà là của ký ức tập thể và tinh thần đô thị.

Hiện nay, nhiều khu nhà tập thể đã xuống cấp, không còn đáp ứng nhu cầu của cuộc sống hiện đại. Với những công trình không còn phù hợp về nhu cầu sử dụng và tuổi thọ quá lâu thì nên dỡ bỏ, xây dựng các công trình khác phù hợp hơn. Hà Nội nên bảo tồn toàn bộ khoảng 10-15% các công trình tiêu biểu, còn lại có thể phá dỡ hoặc tái sử dụng để phục vụ nhu cầu kinh tế và xã hội mới.

Nhiếp ảnh gia, nhà làm phim tài liệu Hà Kin:

“Chuyển đổi công năng là xu hướng của thế giới”

Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 3) ảnh 7

Khu tập thể Giảng Võ gắn liền với tuổi thơ của tôi và hiện giờ, nó vẫn gần nguyên vẹn như những ngày cũ. Trong nhịp sống hiện đại, mọi thứ đều đã thay đổi, thì khu tập thể cũ như thứ còn sót lại của một thời. Mang dấu ấn lịch sử, văn hóa trong một giai đoạn của thành phố nên tôi nghĩ cần lưu giữ những khu nhà này, vì ở đó có rất nhiều câu chuyện và những giá trị của thời gian. Nếu không còn những khu tập thể này, Hà Nội sẽ giống bất cứ thành phố nào của một quốc gia nào. Trong góc nhìn của một nhiếp ảnh gia và một người làm phim, tôi nhận thấy kiến trúc thời bao cấp đẹp hơn rất nhiều kiến trúc lộn xộn hiện nay. Những khu nhà tập thể là điểm nhấn trong phong cách kiến trúc hiện đại vốn giống nhau, nhàm chán và không có dấu ấn riêng.

Tuy nhiên, đối với những khu tập thể quá cũ, quá xuống cấp và không còn cách bảo tồn thì phải dỡ bỏ. Ở các thành phố lớn, sầm uất tôi đã đến như Cali, New York, Texas... những tòa nhà cũ không còn hoặc ít sử dụng nữa đều được chuyển đổi thành khu bán hàng, cafe, không gian sáng tạo. Mọi người rất thích đến đây. Khu chung cư cũ ở TP Hồ Chí Minh được cải tạo thành các cơ sở kinh doanh thu hút rất đông du khách. Tôi nghĩ đây là xu hướng của thế giới.

Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 1)

Giữ lấy di sản kiến trúc thời bao cấp (kỳ 2)