Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam

Mong việc phong tặng công tâm, xứng đáng

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) đang lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định mới quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND), Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT). Dự thảo thu hút mối quan tâm của các hội chuyên ngành nghệ thuật, nhiều nhà quản lý văn hóa, đông đảo văn nghệ sĩ, mong việc phong tặng danh hiệu thực chất và công tâm hơn. Thời Nay đã có cuộc trao đổi với NSND Vương Duy Biên, nguyên Thứ trưởng VHTT&DL, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam về dự thảo.
0:00 / 0:00
0:00
Cần có những tiêu chí đánh giá phù hợp để vinh danh các nghệ sĩ. Ảnh: KHIẾU MINH
Cần có những tiêu chí đánh giá phù hợp để vinh danh các nghệ sĩ. Ảnh: KHIẾU MINH
Mong việc phong tặng công tâm, xứng đáng ảnh 1

Phóng viên (PV): Việc dự thảo Nghị định mới là để hoàn thiện, khắc phục những vấn đề còn bất cập của Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu. Vậy theo ông, một số vấn đề còn bất cập đáng chú ý nhất ở đây là gì?

NSND Vương Duy Biên: Chỉ qua thực tế đời sống văn học nghệ thuật và bản thân là nghệ sĩ, là người trong cuộc, tôi cho rằng có nhiều điều chưa sát ở các nghị định cũ. Lần điều chỉnh này nên xuất phát từ đời sống thực tế của văn nghệ sĩ trong lĩnh vực được xét tặng danh hiệu.

Có thể nêu hai vấn đề lớn như quy định cứng về giải thưởng và quy định cứng về thời gian. Một nghệ sĩ tài năng thật sự không phải lúc nào cũng căn cứ vào hai tiêu chí trên. Nhiều ca sĩ nổi tiếng hiện nay tự tạo nên tên tuổi bằng tài năng mà không cần đi thi liên hoan ca múa nhạc, không cần huân, huy chương. Họ hoạt động tự do nhưng vẫn được công chúng ghi nhận và cống hiến cho văn hóa nghệ thuật nước nhà. Các đối tượng này rất khó áp dụng những tiêu chí bình xét trước đây.

Ngoài ra, có thể kể tới một số trường hợp ca sĩ lớn tuổi trong TP Hồ Chí Minh. Mặc dù tuổi cao, họ vẫn cống hiến giọng hát hay của mình, tuy nhiên không được bình xét vì trước đó họ không có giải thưởng, huy chương nào của Nhà nước. Ở vào độ tuổi đời và tuổi nghề lớn như thế, những người được coi như bậc thầy thành danh lại phải tham gia các cuộc thi cùng các nghệ sĩ trẻ thì có phần khó xử, e ngại và thiếu tế nhị. Ở các lĩnh vực nghệ thuật khác cũng gặp phải những bất cập tương tự.

Tiếp theo, quy định về thời gian hoạt động nghệ thuật cũng không thật sự sát thực tế. Tài năng nghệ thuật không phụ thuộc thời gian, không phải cứ sau một vài năm mới được công nhận. Có một số loại hình nghệ thuật cống hiến cả đời, nhưng có một số loại hình như múa, xiếc sau hơn chục năm là chuẩn bị nghỉ hưu. Có khi chuẩn bị xét tặng danh hiệu thì tài năng đã bắt đầu xuống dốc, không có sự khuyến khích kịp thời.

PV: Có ý kiến cho rằng, việc xét tặng danh hiệu cần cân nhắc nhiều yếu tố để không bỏ sót tài năng, nhưng cũng không được làm đại trà, tràn lan, chồng chéo tránh làm giảm giá trị danh hiệu và không xác đáng gây mất đoàn kết trong giới nghệ sĩ. Dưới góc độ một nhà quản lý văn hóa lâu năm, xin ông chia sẻ một số ý kiến nhận định về vấn đề trên?

NSND Vương Duy Biên: Cũng phải khẳng định, có nhiều nghệ sĩ hoàn toàn xứng đáng với danh hiệu NSƯT và NSND mà Nhà nước trao tặng bởi những cống hiến của họ cho văn hóa nước nhà và có chỗ đứng vững chắc trong lòng công chúng. Để nghị định mới có thể duy trì và nâng cao uy tín của việc phong tặng danh hiệu nhà nước này, việc xét tặng phải hết sức minh bạch, công bằng. Muốn như vậy, ngay từ việc chọn lựa các thành viên trong hội đồng xét duyệt đủ năng lực, uy tín và sự công tâm cũng rất quan trọng. Ngoài ra, dù là nghệ sĩ tự do hay trong nhà nước, những nghệ sĩ tài năng nhất được trao tặng danh hiệu cao quý còn phải có tư cách đạo đức, thượng tôn pháp luật, tuyệt đối không được có những tư tưởng chống phá Nhà nước và nhân dân, hoặc những “lùm xùm” cá nhân, vi phạm quy chuẩn đạo đức, xã hội…

PV: Trong số 9 hội chuyên ngành được Bộ gửi văn bản xin ý kiến về việc mở rộng đối tượng xét danh hiệu NSND, NSƯT, bổ sung thêm người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, chỉ có ba hội đề xuất, còn sáu hội từ chối. Ông đánh giá thế nào về thực tế này?

NSND Vương Duy Biên: Theo quan điểm của tôi, việc mở rộng một số đối tượng bình xét như đề xuất trên khó lòng thuyết phục. Nghị định trước đây xác định phong tặng NSƯT và NSND cho những người có tài năng tham gia trực tiếp vào lĩnh vực biểu diễn, còn những loại hình khác không có tính chất biểu diễn trực tiếp, sẽ căn cứ vào tác phẩm để trao Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh. Lấy thí dụ trong một vở kịch, ê-kíp tham gia đóng góp trực tiếp vở diễn thành công xuất sắc, bao gồm đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, diễn viên, thiết kế âm thanh, ánh sáng, âm nhạc… Họ là những đối tượng được bình xét danh hiệu NSƯT và NSND. Điều này khác với những nhà sáng tác như họa sĩ, nhạc sĩ, nhà điêu khắc… phải căn cứ vào tác phẩm để trao các giải thưởng khác như Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước. Cũng cần phải phân biệt rõ, việc phong tặng danh hiệu NSND và NSƯT là để xác định, tôn vinh tài năng trực tiếp tham gia trong lĩnh vực biểu diễn, khác với việc công nhận những cống hiến của cá nhân, tập thể theo hình thức trao tặng huân chương lao động, bằng khen của Nhà nước.

PV: Theo ý kiến của ông, vai trò quản lý của Nhà nước và sự ghi nhận của công chúng có ý nghĩa thế nào đối với việc soạn thảo Nghị định mới?

NSND Vương Duy Biên: Nghệ sĩ trước hết phải có nhiều sự ủng hộ của công chúng, đó mới là thành công. Liệu có chắc các chương trình toàn NSND, NSƯT có chắc sẽ bán được nhiều vé hơn, được công chúng quan tâm hơn chương trình của các nghệ sĩ tự do nổi tiếng như Hà Anh Tuấn, Mỹ Tâm hay Hồng Nhung? Nhiều lúc chúng ta quên mất một trong những tiêu chí quan trọng của nghệ thuật là giải trí. Nghệ thuật phải phục vụ quần chúng và phải hiểu nhu cầu của quần chúng là gì. Nắm bắt được thị hiếu, phát huy được thực tài là những yếu tố quan trọng giúp nghệ sĩ có chỗ đứng trong lòng công chúng. Đối với việc bình xét phong tặng NSND cho các nghệ sĩ đã đạt danh hiệu NSƯT, nên chăng Hội đồng cấp Nhà nước có thể tham khảo thêm tiêu chí về sự yêu thích của khán giả.

Tuy vậy, bên cạnh nhu cầu, thị hiếu chạy theo xu hướng mới của xã hội thì vai trò quản lý của Nhà nước đối với sự phát triển văn hóa nghệ thuật rất quan trọng. Bởi vậy, tôi đánh giá cao việc Bộ VHTT&DL lắng nghe các ý kiến xây dựng từ đông đảo nghệ sĩ, các nhà văn hóa và công chúng cho việc soạn thảo Nghị định mới. Vai trò này còn thể hiện ở việc Nhà nước kiên định đầu tư bảo tồn nhiều giá trị truyền thống, những điều không phải lúc nào cũng hấp dẫn với thị hiếu đám đông.

Mặc dù vậy, Nhà nước nên đẩy mạnh xã hội hóa, không chỉ cho việc bảo tồn các di sản trên, mà còn có thể tận dụng nguồn lực này tạo thêm những “sân chơi” cho các nghệ sĩ. Có một số tỉnh như Thái Bình đã kêu gọi thành công sự hỗ trợ của rất nhiều doanh nghiệp địa phương cho các đoàn chèo tại đây. Hay một mô hình khác tại tỉnh Bắc Ninh, lãnh đạo địa phương không cấp ngân sách thường xuyên kiểu cũ. Nhưng nếu nghệ sĩ có đề án hay phát triển văn hóa văn nghệ, thì tỉnh sẵn sàng cấp ngân sách nhiều hơn cả ngân sách thường xuyên.