Mong manh thổ cẩm đất Mường

Dệt thổ cẩm vốn là nghề truyền thống của người Mường ở xã Yên Nghiệp, Lạc Sơn, Hòa Bình từ bao đời nay. Những người phụ nữ nơi đây đang cố gắng giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Nhưng trong bối cảnh hiện tại, họ vẫn lo lắng chiếc khung cửi dệt thổ cẩm sẽ lùi dần vào dĩ vãng.

Bà Kiểm vẫn ngày ngày cần mẫn dệt thổ cẩm.
Bà Kiểm vẫn ngày ngày cần mẫn dệt thổ cẩm.

Đã có hợp tác xã…

Tìm đến làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống của người Mường tại xóm Lục, xã Yên Nghiệp, huyện Lạc Sơn, cách Hà Nội hơn 100 km, quan sát, chúng tôi thấy nhiều nhà có khung cửi đặt ở góc sân, nhiều phụ nữ Mường ngồi dệt vải khi chiều về. 

Được biết bốn năm trước, địa phương thành lập Hợp tác xã nông nghiệp và dệt thổ cẩm truyền thống Lục Nghiệp Thành, chuyên sản xuất các sản phẩm thổ cẩm và cung cấp cho nhiều nơi như Thanh Hóa, Nghệ An... Nay hợp tác xã đã có hơn 200 người tham gia, sản xuất và tiêu thụ khoảng 27.500 sản phẩm/năm. Thời gian qua, các sản phẩm của hợp tác xã đã được xếp hạng sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh.

Sản phẩm dệt tại đây chủ yếu được sản xuất theo phong cách truyền thống bằng khung cửi. Năm 2021, hợp tác xã được Nhà nước hỗ trợ chiếc máy dệt đầu tiên·và cũng là chiếc máy duy nhất được sử dụng đến nay để dệt các sản phẩm có kích thước như chăn, gối, khăn, đệm, với số lượng lớn. Hiện, máy dệt đang được sử dụng tại nhà bà Dương Thị Bin, Chủ nhiệm hợp tác xã. Tuy nhiên, theo quan sát cùng với lời chia sẻ của bà thì máy dệt chỉ có thể sản xuất các sản phẩm giá thành rẻ. Còn các sản phẩm được ưa chuộng như cạp váy Mường, bắt buộc phải làm thủ công, đòi hỏi người làm phải cực kỳ tỉ mỉ và khéo léo. Dệt bằng khung cửi phải kỳ công hơn rất nhiều.

…Nhưng quan tâm còn mỏng

Có một thực tế tại đây, dù người dân đã cố gắng rất nhiều trong việc lưu truyền và phát huy, nhưng số lượng người theo học nghề dệt thổ cẩm đang ngày càng ít đi. Nhiều địa phương tại Hòa Bình khó lòng duy trì nét truyền thống văn hóa này. Thậm chí, như Hợp tác xã Lục Nghiệp Thành cũng chỉ giúp những người dân địa phương có thêm thu nhập như một nghề “tay trái”. Trung bình các thành viên cũng chỉ có thể kiếm được khoảng 3,5 triệu đồng/tháng. 

Đáng suy nghĩ nữa, với công việc mang đậm bản sắc truyền thống của dân tộc Mường, hiện tại, nghề dệt thổ cẩm ở đây lại chưa có ai được ghi nhận là nghệ nhân. Bà Bùi Thị Lán, một thành viên hợp tác xã cho biết, nơi đây đã được công nhận là làng nghề, nhưng nghệ nhân thì vẫn chưa có. Mong có người được Nhà nước ghi nhận, góp phần giúp cho việc đưa sản phẩm đi quảng bá, cải thiện thêm về giá cả cho những sản phẩm. 

Một thực tế khác, giá cả của sản phẩm dệt ở từng nơi cũng không giống nhau. Có nơi còn thấp hơn nhiều so giá bán của Hợp tác xã Lục Nghiệp Thành. Bà Bùi Thị Kiểm, sống tại xóm Sơ, xã Vũ Bình, huyện Lạc Sơn chia sẻ, ngày xưa còn sức thì bỏ dệt để đi làm nông, làm ruộng, nay già rồi sức khỏe không còn, ở nhà trông cháu phụ con cũng buồn chán nên mới đi dệt lại. Làm cái này không được nhiều tiền đâu. Người ta thuê tôi làm có 9.000 đồng một mét rưỡi thôi. Ngày rảnh làm nhiều nhất được hơn ba mét. Cũng chỉ là có tiền thi thoảng cho các cháu tiêu vặt”. 

Hiện nay, chưa có chính sách hỗ trợ và còn nhiều thiếu thốn, người dân nơi đây vẫn tiếp tục bám nghề. Hợp tác xã cũng đang ấp ủ để gửi đơn đề xuất sự ghi nhận nghệ nhân nghề dệt. Bà Dương Thị Bin bày tỏ: Giờ cả tỉnh chỉ có một vài vùng như Yên Nghiệp là còn giữ nghề dệt thổ cẩm, những người hành nghề lâu năm cũng đang ngày càng già đi. Vậy mà giờ vẫn chưa có ai được công nhận là nghệ nhân để bảo tồn và truyền dạy các giá trị văn hóa dệt. Đó là lý do khiến những người yêu nghề như chúng tôi rất lo lắng. Khi nghề dệt của chúng tôi vẫn chưa được quan tâm nhiều, cũng khó để hợp tác xã có thể phát triển lớn mạnh hơn nữa”.

Được biết, bà Bin đã cố gắng quảng bá sản phẩm dệt thổ cẩm bằng việc tham gia nhiều hoạt động văn hóa, tham gia giảng dạy ở những lớp  ngắn hạn do địa phương tổ chức nhằm dạy các bạn trẻ về nghề dệt của cha ông. Có khoảng thời gian bà lên thành phố Hòa Bình, cộng tác với Bảo tàng Không gian văn hóa Mường, giới thiệu nghề dệt đến du khách trong và ngoài nước. Tuy nhiên, bà vẫn lo nghề dệt thổ cẩm của dân tộc mình chưa được gìn giữ và phát triển như mong đợi. 

Một dải thổ cẩm đẹp cần người mắc co giỏi. Những chiếc khung cửi vẫn ngày ngày giữ căng dây chỉ. Thổ cẩm đất Mường cần những người giỏi nhưng cần cả mối quan tâm tốt hơn từ cơ chế, chính sách để có thể bảo tồn và phát huy nét đặc sắc. 

Với bà Lán, bà Kiểm, dệt thổ cẩm là công việc làm thêm, làm để nhớ lại thời “sắc son” của những miếng lụa sặc sỡ. Nhưng nếu thiếu cơ chế phát huy và “nâng cấp” giá trị sản phẩm, thì sau này cũng khó có người, đặc biệt là lớp trẻ, sẽ tiếp tục ấp ủ công việc này. Lại thêm dịch Covid-19 hoành hành, sự ngưng trệ của du lịch trong nước thời gian qua cũng khiến các sản phẩm thổ cẩm đã lênh đênh lại càng thêm sóng gió.