Mong đợi từ đề cử Giải thưởng sách quốc gia

Lần đầu tiên danh sách đề cử được công bố trước thềm Lễ trao Giải thưởng sách quốc gia. Số lượng và chất lượng sách tham gia giải thưởng lần thứ 5 - năm 2022, cũng phản ánh phần nào những khó khăn và đôi điều đáng tiếc.
0:00 / 0:00
0:00
Trao giải thưởng sách quốc gia lần thứ tư năm 2021. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân điện tử
Trao giải thưởng sách quốc gia lần thứ tư năm 2021. Ảnh: Báo Quân đội nhân dân điện tử

1/Chỉ có một Giải A được trao cho tác phẩm thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn, còn lại bốn mảng sách chính trị, kinh tế; khoa học tự nhiên và công nghệ; văn hóa, văn học và nghệ thuật; thiếu nhi đều không có Giải A. Đồng nghĩa với việc không tìm được cuốn sách xuất sắc nhất từ các Giải A để trao Giải đặc biệt. Đây là lần thứ năm liên tiếp không đủ Giải A ở tất cả mảng sách.

Năm nay, có 48/57 nhà xuất bản tham gia (tăng một nhà xuất bản so Giải lần thứ tư) với 298 tên sách và bộ sách, bao gồm 386 cuốn (tăng 14 tên sách và bộ sách, 21 cuốn sách so Giải lần thứ tư). Sách gửi dự giải phải được in và nộp lưu chiểu từ 1/11/2020 đến 31/10/2021. Đây cũng là thời gian dịch bệnh khiến nhiều nhà xuất bản, nhà in bị đình trệ. Dù vậy, doanh thu ngành vẫn tăng. Theo số liệu từ Cục Xuất bản, In và Phát hành, năm 2021, doanh thu xuất bản là 3.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay.

Tương tự, dù gặp nhiều khó khăn, tác động trực tiếp đến khâu chấm chọn, tổ chức, giải thưởng vẫn giữ mức thưởng như mọi năm: Giải A: 100 triệu đồng; Giải B: 50 triệu đồng; Giải C: 30 triệu đồng. 26 cuốn sách/bộ sách nhận giải được chấm qua ba hội đồng: Sơ khảo, Chung khảo và Hội đồng Giải thưởng Sách quốc gia.

2/Điểm mới năm nay là danh sách tác phẩm được đề cử tranh giải được công bố trước thềm lễ trao giải. Trước đó, danh sách này thường được giữ bí mật tới phút chót. Ban Tổ chức cho biết, hội đồng mong nhận được những góp ý từ cộng đồng nhằm kiểm định giải được công tâm, trao giải được chính xác hơn nữa. Bên cạnh đó, Hội đồng Sơ khảo trước đây thường gồm 5-6 người, từ mùa giải thứ tư, Ban Tổ chức đã nâng số thành viên, chọn các chuyên gia với đa dạng độ tuổi, đạt tiêu chuẩn về kiến thức chuyên môn, điều kiện, sức khỏe để thẩm định.

Hội đồng đã có những đề xuất với các cơ quan ban, ngành để nâng cao chất lượng giải thưởng. Cụ thể: Đề nghị thêm cơ chế, chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để các nhà xuất bản có nhiều sách hay, đề tài hay, gửi được nhiều sách tham gia tranh giải; tạo điều kiện tổ chức lớp bồi dưỡng tác giả sách, cho các tác giả có cơ hội trải nghiệm để viết được sách chất lượng; kiến nghị tăng phần thưởng trao giải để khuyến khích những cá nhân, tập thể làm sách.

So các mùa giải trước, mảng sách văn học được đông đảo độc giả quan tâm lại không phong phú và chỉ có ba giải. Ở mảng này, điểm sáng là bộ sách “Người sao Chổi” của tác giả 11 tuổi Cao Việt Quỳnh được đề xuất trao giải. Cục trưởng Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên cho biết, dù Ban Tổ chức đã khuyến khích các hội văn học, hội chuyên ngành, các công ty phát hành sách liên kết giới thiệu sách dự giải thưởng, nhưng chưa nhận được nhiều sách từ các đơn vị này. Bên cạnh đó, sau đại dịch, các nhà xuất bản, công ty sách đều đẩy mạnh chuyển đổi số, song vẫn chưa thấy đơn vị nào giới thiệu sách điện tử, sách nói, một sản phẩm của công cuộc này.

3/Một thông tin khác thu hút sự chú ý là một số cuốn sách có tuổi khá “già”, xuất bản lần đầu khoảng chục năm trước cũng được đề cử trao giải lần này, như cuốn “Cô bé nhìn mưa” của PGS Đặng Thị Hạnh, xuất bản lần đầu năm 2008 và cuốn “Văn minh vật chất của người Việt” của họa sĩ, nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng, xuất bản lần đầu năm 2011. Các cuốn sách trên được tái bản năm nay, tuy cho thấy phần nào sức hút nhưng cũng phản ánh sự “ảm đạm”, thiếu hụt đáng tiếc của ngành xuất bản khi chưa cho ra mắt nhiều hơn các đầu sách “trẻ” và hay để đề cử vào giải.

Lễ trao Giải thưởng sách quốc gia lần thứ 5 dự kiến được tổ chức vào tối 3/10 tại Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và đông đảo văn nghệ sĩ, nhà khoa học, giới phát hành xuất bản và công chúng. Lễ trao giải sẽ có nội dung tổng kết sơ kết sách 5 năm. Từ đó, Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra những kiến nghị với cơ quan ban, ngành để nâng cao chất lượng sách, đề nghị tạo điều kiện cho các nhà xuất bản tập trung vào đề tài hay sao cho tất cả các đơn vị cùng tham gia giải thưởng bằng những tác phẩm ấn tượng.