Triển lãm đang diễn ra tại đường Lý Tự Trọng và kéo dài đến ngày 9-5, do NSNA Lý Hoàng Long cùng nhiếp ảnh gia Phan Quang tổ chức và giám tuyển. 47 tác phẩm ảnh của năm tác giả Ngô Trung Dũng (Hà Nội), Trần Bảo Hòa (Bình Định), Nguyễn Văn Thương (Lâm Đồng), Đồng Lâm Thanh Tùng và Phạm Huy Trung (TP Hồ Chí Minh); đề tài đa dạng, cách thể hiện phong phú, nhưng vẫn đậm phong cách riêng của từng tác giả.
Nếu bộ ảnh Việt Nam nhìn từ trên cao của Phạm Huy Trung là những khung cảnh đất nước đầy biến ảo, thì bộ ảnh của tác giả Đồng Lâm Thanh Tùng có một phong cách rất Tây: cân đối, chặt chẽ, cảm xúc nội tâm đầy tư duy... Tác giả Ngô Trung Dũng lại phảng phất nét thơ mộng trong bộ ảnh Cầu Long Biên. Qua bộ ảnh, người xem nhận ra lao động nghệ thuật thể hiện rõ trong mỗi thời khắc bấm máy: thời khắc trong một ngày (sáng, trưa, chiều, tối), thời khắc trong mỗi mùa (xuân, hạ, thu, đông), thời khắc trong mỗi điều kiện thời tiết khác nhau (nắng, mưa, lâm râm)..., cây cầu đều có một vẻ đẹp ý nhị. Trong khi đó, tác giả Trần Bảo Hòa mang đến bộ ảnh Lưới Hòn Yến với những góc nhìn mới lạ về cuộc sống thường ngày của ngư dân miền biển trong mùa đánh bắt cá cơm. Bộ ảnh như những bức tranh nghệ thuật đa sắc mầu. Tác giả Nguyễn Văn Thương lại tạo dấu ấn với một phong cách tinh tế qua bộ ảnh Nét đẹp băng tuyết Y Tý. Nguyễn Văn Thương tâm sự: “Đợt rét hồi đầu tháng 1, lần đầu tiên tôi được chạm tay vào băng tuyết. Tôi thích thú hòa mình giữa giá rét biên giới và ghi lại những khoảnh khắc đẹp qua lăng kính nhiếp ảnh. Chuyến săn ảnh này, tôi nhận thấy sự kỳ diệu của thiên nhiên, các loài động vật và thực vật, cũng như con người ở miền núi cao khi thích nghi khí hậu khắc nghiệt, chịu đựng qua những ngày băng giá và tiếp tục cuộc sống khi nắng lên”.
Có mặt tại triển lãm, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mã Thế Anh, Cục trưởng Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm mong muốn tỉnh Lâm Đồng sớm triển khai đề án xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố nhiếp ảnh. Ông Mã Thế Anh nói: “Tôi rất ấn tượng với mô hình triển lãm như thế này, vì nó hòa vào thiên nhiên. “Dalat Rendezvous” không chỉ là cái cớ để các nghệ sĩ gặp nhau, còn là một sân chơi thú vị cho giới nhiếp ảnh”. Ông Mã Thế Anh cũng gợi ý, là sản phẩm nghệ thuật nhưng đồng thời cũng là sản phẩm du lịch nên trong những lần tổ chức tiếp theo, nhà tổ chức cần lựa chọn những tác phẩm ảnh của những tác giả có phong cách để trưng bày. Như vậy, triển lãm ảnh mới thật sự là một bữa tiệc thị giác, kết nối và kiến tạo không gian đô thị với đời sống tinh thần cộng đồng một cách bền chặt. Ấy cũng là cách mà nhà tổ chức, giám tuyển và nghệ sĩ nhiếp ảnh chung tay xây dựng Đà Lạt trở thành thành phố nhiếp ảnh trong tương lai gần.