Mở nút thắt cho đầu tư lấn biển

Với hơn 3.200 km đường bờ biển và tiềm năng lấn biển thuận tự nhiên, việc lần đầu tiên Việt Nam có các quy định chi tiết cho hoạt động này được nhiều chuyên gia, doanh nghiệp kỳ vọng về những cơ hội phát triển mới.
0:00 / 0:00
0:00
Một dự án phát triển dịch vụ, bất động sản lấn biển. Ảnh: NAM ANH
Một dự án phát triển dịch vụ, bất động sản lấn biển. Ảnh: NAM ANH

Nghị định số 42/2024/NĐ-CP được Chính phủ ban hành ngày 16/4/2024 quy định về hoạt động lấn biển căn cứ theo Điều 190 của Luật Đất đai cùng nhiều luật liên quan khác. Trong đó, Nghị định có quy định về nội dung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đối với khu vực biển được xác định để lấn biển, dự án đầu tư có hoạt động lấn biển.

Hoạt động lấn biển tại Việt Nam trong thời gian tới sẽ được quản lý, giám sát chặt chẽ hơn với loạt quy định cụ thể về chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giao khu vực để lấn biển, nghiệm thu hoàn thành lấn biển,...

Lấp khoảng trống pháp lý

Với định hướng trở thành cửa ngõ mới, đồng bộ, hiện đại đưa đón nhân dân, du khách ra các tuyến đảo thuộc khu vực Vịnh Bái Tử Long, đồng thời góp phần hoàn thiện đồng bộ hạ tầng Khu kinh tế Vân Đồn trở thành khu kinh tế (KKT) đa ngành, đa lĩnh vực, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp…, theo Quyết định số 1856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư Bến cảng cao cấp Ao Tiên Vân Đồn, với quy mô gần 30 ha. Trong đó, diện tích mặt đất 5,9 ha, còn lại là mặt nước, tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng.

Đây là tổ hợp cảng tích hợp nhiều tiện ích, thiết kế theo chủ đề không gian xanh sở hữu 5 cầu cảng. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu. Khu vực ga hành khách có diện tích sử dụng

4.000 m2, công suất thiết kế 2.600.000 lượt khách/năm (giai đoạn 2020-2025) và mở rộng lên 3.200.000 lượt khách/năm (giai đoạn 2025-2030). Đi kèm với đó là các khu vực cảnh quan, phân khu chức năng, như: đón hành khách, bán vé, nhà chờ, khu làm việc liên ngành, dịch vụ phụ trợ...

Đi vào hoạt động từ tháng 3/2023, bến cảng cao cấp này trở thành một điểm đến mới thu hút du khách. Có thể nói, đây là một trong số ít những dự án lấn biển đã vượt qua được nhiều khó khăn về quy trình, thủ tục trong bối cảnh chưa có quy định pháp lý về hoạt động lấn biển.

Theo ThS Nguyễn Văn Đỉnh, chuyên gia pháp lý về đất đai, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng và lợi thế lớn để mở rộng không gian phát triển ra biển, phục vụ phát triển bền vững. Địa hình nhiều sông ngòi giúp các đồng bằng châu thổ của nước ta được mở rộng tự nhiên do phù sa bồi đắp hằng năm. Hoạt động lấn biển trên thực tế tại Việt Nam đã và đang được thực hiện để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương ven biển như Quảng Ninh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh, Kiên Giang…

Tuy nhiên, do trước đây chưa có các quy định pháp lý cụ thể nên các dự án lấn biển đều gặp vướng mắc từ khâu xin cấp phép để được giao khu vực biển, thực hiện lấn biển. Điều này khiến các dự án lấn biển tại nước ta triển khai khá cầm chừng. “Nhiều nhà đầu tư làm thủ tục xin giao khu vực biển để lấn biển nhưng khi triển khai việc lấn biển xong thì cơ quan nhà nước lại có quan điểm đây là đất sạch cần đấu giá để nhà đầu tư mới được quyền sử dụng đất. Nhà đầu tư bị thiệt hại và rủi ro rất lớn nên họ thường không mặn mà triển khai dự án”.

Tháo gỡ khó khăn này, Nghị định 42/2024 về hoạt động lấn biển nêu rõ: UBND cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất đồng thời với giao khu vực biển để lấn biển. Chủ đầu tư dự án đầu tư lấn biển hoặc dự án đầu tư có hạng mục lấn biển không phải nộp tiền sử dụng khu vực biển để thực hiện hoạt động lấn biển. Quy định này đã cơ bản tháo gỡ nút thắt lớn nhất cho các nhà đầu tư.

Nhiều kỳ vọng mới

Là nhà đầu tư triển khai hàng loạt dự án biển tại Quảng Ninh, ông Tạ Đức Quyết, Giám đốc Công ty du lịch Mai Quyền đã đánh giá rất cao việc ban hành các quy định liên quan đến hoạt động lấn biển. “Nghị định 42 hướng dẫn được giao mặt đất và mặt nước cùng một lúc. Như vậy rất hợp lý để nhà đầu tư yên tâm triển khai dự án. Nếu như trước đây, lấn biển xong lại đi đấu thầu giá thì ít nhà đầu tư muốn tham gia. Tôi cho rằng khi nút thắt được gỡ, doanh nghiệp có dự án lấn biển sẽ rất phấn khởi và hăng hái để đầu tư và triển khai dự án”.

Không chỉ gỡ vướng cho nhà đầu tư, mà về mặt quản lý cũng đồng bộ, thống nhất hơn. Theo khoản 4 Điều 190 Luật Đất đai, khu vực biển được xác định để thực hiện hoạt động lấn biển trong quy hoạch sẽ được quản lý như đất đai thông thường (khung pháp lý sẽ chuyển từ Luật Biển Việt Nam; Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo sang áp dụng Luật Đất đai).

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, ông Trần Ngọc Long, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Ninh đánh giá, việc ban hành Nghị định 42 sẽ giúp hoạt động quản lý được thống nhất và đồng bộ, có căn cứ để lập quy hoạch về xây dựng, tiếp đó có lập ngay quy hoạch sử dụng đất. “Trong trường hợp chưa đồng bộ thì Điều 190 Luật Đất đai cho phép điều chỉnh, cấp nhật, bổ sung. Đây là một điểm rất tích cực, rất mở, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực hiện các nội dung được hiệu quả”.

Chuyên gia Nguyễn Văn Đỉnh nhìn nhận, đất đai là tư liệu sản xuất đặc biệt của mọi nền kinh tế. Bài toán phát triển quỹ đất có ý nghĩa quan trọng với mọi quốc gia bởi diện tích tự nhiên hầu như không tăng thêm, đất đai không nở ra. Do đó, việc khai thác, phát triển, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất có vai trò vô cùng quan trọng.

Thống kê cho thấy, Việt Nam hiện có khoảng 80 dự án lấn biển tại 19 tỉnh, thành phố ven biển. Với đường bờ biển dài hơn 3.200 km, nhiều nơi được phù sa bồi đắp tạo điều kiện lấn biển thuận tự nhiên. Nghị định về hoạt động lấn biển là khung pháp lý chính thức, mở ra cơ hội phát triển từ lấn biển.