Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám:

Mở hướng mới trong không gian di sản

Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp Viện Văn hóa, nghệ thuật quốc gia Việt Nam khai mạc triển lãm “Đối thoại thư pháp và Graffiti” tại Khu Thái học, Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Triển lãm đã nhận được những hưởng ứng tích cực và sẽ kéo dài đến hết ngày 30/9. Ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm chia sẻ với Thời Nay.
0:00 / 0:00
0:00
Các tác giả thể hiện tác phẩm tại triển lãm.
Các tác giả thể hiện tác phẩm tại triển lãm.
Mở hướng mới trong không gian di sản ảnh 1

Phóng viên (PV): Thưa ông, từ đâu mà có cuộc phối hợp bộ môn nghệ thuật thư pháp đậm nét truyền thống với một bộ môn nghệ thuật hiện đại gắn liền với văn hóa đường phố, không gian công cộng trong sự kiện này?

Ông Lê Xuân Kiêu (LXK): Xuất phát từ mong muốn tìm hướng đi mới cho các hoạt động tại di tích, định hướng trở thành không gian sáng tạo và từng bước thay đổi cách nhìn về thư pháp và Graffiti, những quan niệm chưa đầy đủ về cả hai loại hình này, chúng tôi đã bắt tay thực hiện triển lãm này. Chúng tôi mong muốn tìm điểm chung giữa thư pháp và Graffiti trong việc sáng tạo ra những tác phẩm có giá trị cả về mặt nội dung lẫn nghệ thuật nhằm tạo ra những cảm xúc mới mẻ cho người xem khi đến di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội.

PV: Những người tổ chức đã làm thế nào để thư pháp và Graffiti phối hợp với nhau một cách nhuần nhuyễn mà không bị “phô”?

LXK: Chúng tôi đã lựa chọn những chủ đề phù hợp để hai bên đối thoại được với nhau và thể hiện được thông điệp chung cũng như kết nối, điều phối hoạt động sáng tác chung hiệu quả, tạo cảm xúc và động lực trong quá trình sáng tác của các nghệ sĩ.

Tất nhiên việc lựa chọn những nghệ sĩ sáng tác của cả hai lĩnh vực này cũng rất quan trọng. Họ là những gương mặt trẻ, quen thuộc, chủ yếu thuộc thế hệ 9X, đang hoạt động trong lĩnh vực thư pháp chữ quốc ngữ và Graffiti, đến từ Hà Nội, Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Với thư pháp chữ quốc ngữ, có sự tham gia của nhà hoạt động thư pháp Ngẫu Thư Nguyễn Thanh Tùng, Võ Tuấn Xuân Thành, Nguyễn Hữu Pháp. Còn với Graffiti có sự tham gia của nghệ sĩ Đỗ Thế Thành, Nguyễn Tấn Lực, Trang Nhơn Khoa, Lưu Đoàn Duy Linh. Họ đều là những nghệ sĩ có tinh thần tận hiến, cởi mở, sẵn sàng tiếp thu cái mới để hướng tới giá trị nghệ thuật.

PV: Cá nhân ông có cảm nhận gì về cách làm này?

LXK: Quá trình làm việc của các nghệ sĩ trong suốt ba tháng để sáng tác nên các tác phẩm đã tạo ra cảm xúc mạnh mẽ đối với tôi. Phải nói là cuộc đối thoại rất thú vị, hấp dẫn và đã mở ra những hướng đi mới trong việc kết hợp các loại hình sáng tác tại một không gian di sản, cống hiến cho khách tham quan những tác phẩm đẹp về hình thức, sâu sắc về nội dung thông qua những thông điệp từ cuộc triển lãm nói chung cũng như trong từng tác phẩm.

PV: Thế còn cảm nhận từ phía khách tham quan thì sao?

LXK: Khách tham quan đã có những phản hồi rất tích cực, đặc biệt là những người trẻ. Lượng khách đến di tích để thăm triển lãm nhiều hơn. Các ý kiến của khách trên các kênh thông tin đều dành tình cảm, sự trân trọng với các nghệ sĩ sáng tác và bày tỏ sự ngạc nhiên, thú vị với việc kết hợp giữa thư pháp và Graffiti.

PV: Hoạt động này có gợi mở cho những người làm tổ chức điều gì trong thời gian sắp tới?

LXK: Đến giờ phút này thì có thể khẳng định triển lãm đã thành công và điều đó cho thấy sự thử nghiệm của chúng tôi là hoàn toàn đúng đắn. Từ triển lãm này, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu để tổ chức những hoạt động văn hóa theo hướng sáng tạo, kết hợp giữa các loại hình sáng tác để tạo ra những tác phẩm có giá trị nghệ thuật, phát huy giá trị của di sản để đóng góp cho văn hóa của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến. Trong tháng 10 tới, chúng tôi sẽ tổ chức triển lãm “Bia đá kể chuyện” với mong muốn biến những thông tin trên bia đá tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trở nên gần gũi với khách tham quan.

Triển lãm “Đối thoại thư pháp và Graffiti” đã mang đến người xem 39 tác phẩm, nội dung xoay quanh các chủ đề về đạo nghĩa thầy - trò; học tập, rèn luyện bản thân; sách và văn hóa đọc; Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Việt Nam và các địa danh nổi tiếng của đất nước.