1/Trong nhịp nắng cuối hè, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam vừa trở thành nơi “tụ hội” của sơn mài với những cái tên không còn xa lạ trong giới mỹ thuật như: Lý Trực Sơn, Nguyễn Quang Trung, Phan Cẩm Thượng, Triệu Khắc Tiến, Vũ Văn Tịch, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Thị Quế, Đỗ Thị Kim Đoan, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Trà My.
Mang cái tên “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài” bởi trong triển lãm ta có thể nhìn thấy “muôn mặt” của sơn mài đương đại. Vân Vi - Giám tuyển của triển lãm cho rằng: “Những nghệ sĩ này đều đang khai phá sơn mài theo những cách riêng của bản thân mình. Họ tiếp cận sơn mài theo những quan điểm nghệ thuật riêng, thậm chí hoàn toàn trái ngược, kế thừa cổ truyền hay bác bỏ, để chất liệu dẫn dắt, làm chủ hay hội thoại, phải quy chuẩn hóa về mặt kỹ thuật rồi mới khai phá, hay là cứ khai phá rồi sẽ tìm tiếp… Và chúng tôi dành toàn bộ sự thưởng thức thành quả nghệ thuật của họ, cùng những sự thống nhất cũng như khác biệt cho người xem đánh giá”.
2/Góp mặt tại triển lãm với bộ ba bức tranh nude chất liệu sơn mài trên vóc mang tên “Ngân hà”, sáng tác trong giai đoạn 2000-2019. Họa sĩ Lý Trực Sơn chia sẻ: “Tôi thành kính đối với thế giới của những người phụ nữ trong tranh mà tôi vẽ. Tôi có cảm giác về Đức mẹ hay Phật Bà Quan Âm trong tất cả bức tranh tôi vẽ về phụ nữ. Cuộc sống cá nhân tự do của tôi hoàn toàn khác, nhưng việc vẽ tranh hoàn toàn là thành kính”. Bộ tác phẩm là một gạch nối giữa giai đoạn sáng tác hiện thực và trừu tượng của ông, được lấy cảm xúc từ một câu thơ của Guillaume Apollinaire “Dải ngân hà là em của ánh sáng”.
Lý Trực Sơn là một nhân tài sớm phát lộ khả năng hội họa từ năm 12 tuổi. 14 tuổi ông đã hoàn thiện kỹ năng hội họa hàn lâm và sớm được gặp gỡ các danh họa như Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái. Sau nhiều năm hoạt động nghệ thuật ở châu Âu, ông quay về Việt Nam, sau đó thành lập nhóm “Sơn ta” và được các đồng nghiệp đánh giá là một trong những họa sĩ đứng đầu của nghệ thuật sơn mài đương thời.
Có một điều thống nhất ở họa sĩ, nhà nghiên cứu và phê bình mỹ thuật Phan Cẩm Thượng là mọi thứ chung quanh ông đều theo lối cổ. Ông nghiên cứu văn hóa cổ, vẽ về những con người cũ. Bức tranh với hàng dài các nhân vật đứng bên nhau, trong một truyện thơ Hán Nôm mang tên “Quan Âm Thị Kính” (sơn mài trên vóc 60 x 220 cm) được treo trang trọng nguyên trên một bức tường trong phòng trưng bày. Bức tranh là câu chuyện về một người phụ nữ dù phải chịu oan uổng nhưng vẫn bao dung, bởi tình thương với chúng sinh mới bao trùm lên hết thảy. Bức tranh mang những đặc trưng của Phan Cẩm Thượng về mặt tạo hình, tính nhịp điệu và ngẫu hứng của các mảng mầu trên tranh.
Họa sĩ chia sẻ: “Tôi làm sơn mài theo lối người ta làm tượng phật cổ. Lối này có các tiêu chí rõ ràng như khối phải đầy, mầu phải no, đạt đến độ “đẹp vàng son, ngon mật mỡ” mới chịu thôi. Sơn ta kiểu cũ thì lâu khô nhưng cho hiệu quả trong như nước. Nhưng cuối cùng thì nên hiểu rằng, sơn mài là lối vẽ, chứ không phải là vật liệu, vật liệu thì không nói lên điều gì cả”.
Níu nhịp lại trước sự quyến rũ qua tác phẩm Tình nhân của họa sĩ Triệu Khắc Tiến - TS chuyên ngành về nghệ thuật sơn mài bởi đôi nhân vật chính như đang cùng bay lơ lửng trong không trung rộng lớn. Trong khi sơn mài truyền thống chuyên về mảng miếng và độ nặng của chất liệu thì trong bức tranh này họa sĩ cố gắng tìm kiếm những gì đi ngược lại với cả hai yếu tố đó. Ông mong muốn chuẩn hóa các kỹ thuật sơn ta, nhằm tăng độ bền và mở rộng biên độ chất liệu. Ông không lệ thuộc vào kỹ thuật, bởi theo ông kỹ thuật sẽ tự nảy sinh trong từng tình huống và từng tranh cụ thể.
3/Và còn đó, Đỗ Thị Kim Doan với 28 năm chỉ chuyên tâm sáng tác trên chất liệu sơn mài với lỗi vẽ ước lệ, đồng hiện, thể hiện mỹ cảm Á Đông rõ rệt qua seria tác phẩm “Góc vườn” trưng bày trong triển lãm. Rồi bất ngờ với cách tạo hình độc đáo của họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lục, người xuất thân từ làng nghề khảm trai qua tác phẩm “Trầm tích”. Cảm hứng với chính chất liệu, như những nhà điêu khắc hiện đại, anh muốn khai phá khả năng mới của sơn ta ở ngoài khuôn khổ của hội họa hai chiều. Nguyễn Xuân Lục chia sẻ, chất liệu và kỹ thuật sơn mài không chỉ là chất liệu mà còn là câu chuyện và nguồn cảm hứng.
Tranh sơn mài Việt Nam bắt đầu xuất hiện từ khi có Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và họa sĩ Phạm Gia Trí được coi là người lĩnh xướng của thế hệ đầu tiên. Thế hệ thứ hai là những cái tên như Lê Quốc Lộc, Hoàng Tích Trù, Phạm Hậu… thiên về lối trang trí, tận dụng thế mạnh của mỹ nghệ truyền thống Việt Nam. Tiếp đến là Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm… thuộc thế hệ thứ ba.
Khi đưa công chúng “Dạo bước qua vùng đất của sơn mài”, The Muse - đơn vị tổ chức triển lãm không mong sẽ trả lời được câu hỏi về thế hệ thứ tư của sơn mài Việt Nam đang tiếp diễn và đóng vai trò như thế nào trong nền mỹ thuật. Nhưng qua việc trưng bày các tác phẩm của các họa sĩ tên tuổi đương thời, công chúng cũng sẽ có dịp được thưởng lãm những tác phẩm sơn mài đặc sắc thông qua tứ lựa chọn của The Muse để từ đó ít nhiều sẽ có những nhìn nhận chung của riêng mình.