Cứ sách “hot” là bị làm giả
Được Trí Việt cho ra mắt hơn ba tháng nay và gây cơn sốt tại thị trường Việt Nam với 180 nghìn bản phát hành, không lâu sau, cuốn sách “Muôn kiếp nhân sinh” trở thành “miếng mồi ngon” của các cơ sở sản xuất sách giả.
Theo thống kê của Trí Việt, đến thời điểm hiện tại đã có ba cơ sở in ấn, làm giả đầu sách này và công khai tung ra thị trường với mức bán rất rẻ. Giám đốc Nguyễn Văn Phước của Trí Việt cho biết, thời gian gần đây, khi đặt ngẫu nhiên 86 đơn hàng sách từ Lazada với đa phần là sách “Muôn kiếp nhân sinh”, đơn vị này phát hiện 100% sách trên sàn thương mại này đều là giả.
Trước đó, vào năm 2019, Trí Việt cũng đã đặt 127 đơn hàng từ kênh này và phát hiện các đầu sách best seller của mình đều bị làm giả, bày bán công khai với mức giá chênh lệch tới khoảng 50%, cá biệt có trường hợp giảm tới 72% so giá bìa. “Từ năm 2019, chúng tôi đã phát hiện rất nhiều đầu sách giá trị bị làm giả, bán nhan nhản trên này. Có cuốn làm giả tinh vi, giống tới 95 - 98% nên không dễ nhận ra. Chúng tôi đã nhiều lần lên tiếng và gửi công văn yêu cầu Lazada thúc đẩy kiểm tra, quản lý các tổ chức, cá nhân buôn bán sách giả trên sàn thương mại điện tử này. Thế nhưng đến nay vẫn chưa có phản hồi thỏa đáng nào. Do vậy chúng tôi quyết định khởi kiện”, ông Phước bức xúc.
“Harry Potter”, “Đời ngắn đừng ngủ dài”, bộ sách “Dạy con làm giàu” hay loạt sách “hot” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh… của NXB Trẻ cùng chung cảnh ngộ. Mặc cho những cảnh báo, sách giả vẫn công khai phủ sóng hệ thống kinh doanh online, từ các trang facebook đến nền tảng thương mại điện tử, gây thiệt hại không nhỏ về doanh thu cho các đơn vị xuất bản, làm sách. NXB Trẻ đã liên tục đề cập vấn nạn này nhưng đến nay, sách giả còn có dấu hiệu gia tăng. Phó Giám đốc NXB Trẻ Nguyễn Thành Nam thở dài: “Có sàn thương mại điện tử hợp tác, cam kết bán hàng thật và gỡ bỏ những kênh bán sách giả, nhưng nhiều nơi chẳng quan tâm. Có sàn cấp cho chúng tôi tài khoản báo cáo những kênh bán sách giả, tuy nhiên, chúng tôi không thể cứ phải bỏ công sức để làm vậy mãi. NXB Trẻ cũng triển khai nhiều giải pháp chống sách giả như mã QR, tem thông minh… nhưng chỉ hiệu quả với sách mua tại hệ thống cửa hàng, còn sách bán trên mạng thì không khả thi”.
Nhiều năm nay, cứ phát hành sách hạng A thì ngay sau đó, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh lại ngậm ngùi phát hiện sách giả đang được bày bán khắp nơi. Không chỉ bản giấy, nhiều nơi còn công khai làm giả sách điện tử của đơn vị này rồi bán nhan nhản trên mạng. NXB đã thông báo trên các kênh truyền thông, công khai các kênh bán sách giả phát hiện được, khuyến cáo độc giả mua sách thật, hỗ trợ cách nhận biết sách giả và cập nhật công nghệ in ấn, dàn trang chứ chưa thể mạnh tay hơn vì… không đủ khả năng. Phó Giám đốc NXB Nguyễn Tư Tường Minh bức xúc: “Thấy sách bị làm giả công khai với số lượng lớn, nhất là những đầu sách giá trị, nhiều tác giả chùn chân, không còn động lực sáng tác. Khi chúng tôi giao dịch với các đối tác nước ngoài, do họ biết được nguồn sách giả tại Việt Nam nhiều, nên rất ngần ngại”.
Đừng chỉ giải quyết phần ngọn
Nhiều NXB, đơn vị làm sách chân chính đang kiệt sức. Bà Minh cho rằng, phải có cơ sở hành lang pháp lý chặt chẽ hơn để ngăn chặn các công ty, cơ sở làm sách giả. Chỉ khi các tổ chức này không sản xuất thì thị trường mới không có sách giả, đó là cái gốc của vấn đề. Chứ để sách giả xuất hiện tràn lan rồi để tự thân các NXB, công ty sách phải đi bắt hay độc giả phải phân biệt thì chỉ là những giải pháp tình thế.
Khẳng định các quy định hiện hành không thiếu, Luật sư Nguyễn Văn Huân (Công ty luật TNHH Hoàng Giáp) cho rằng, nút thắt hiện tại có thể nằm ở sự chồng chéo về mặt cơ chế: “Tôi nghĩ rằng, các cơ quan cùng quản lý vấn đề này sẽ phải làm việc với nhau sát sao hơn về mặt cơ chế. Chúng ta đã quy định về hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả nhưng tại sao không làm? Nếu vẫn dùng những quy định về hành chính để xử lý thì không đủ tính răn đe và chế tài trong việc này”.
Quá mệt mỏi vì nhiều năm ròng “tự thân vận động” trong cuộc chiến gian nan với sách giả, ông Nam cho rằng, cần một hệ thống chung tay. Trước hết, các sàn thương mại điện tử phải chủ động rà soát, yêu cầu các kênh bán hàng của mình cam kết bảo đảm chất lượng những đầu sách bày bán, nếu không, phải mạnh tay xử lý. Và các cơ quan chức năng cũng cần siết chặt hơn nữa việc kinh doanh văn hóa phẩm trên các sàn thương mại điện tử, các trang facebook, fanpage… và có những chế tài đủ tính răn đe chứ chỉ phạt hành chính như hiện nay thì rất khó cải thiện tình hình.
Lần đầu tiên khởi kiện một sàn thương mại điện tử, điều chưa có tiền lệ, Trí Việt cho biết họ chấp nhận gian nan vì muốn đi đến cùng “cuộc chiến” cam go này. Trước đó, Trí Việt cũng đã làm việc với hai sàn thương mại điện tử khác và có được cam kết không bán sách giả từ họ. “Chúng tôi tin mình không đơn độc trên hành trình này vì độc giả bỏ tiền thật phải được mua sách thật. Trước tiên, chúng tôi kiện Lazada ra tòa dân sự, nhưng sẽ cùng đoàn luật sư thu thập hồ sơ để tiếp tục nộp đơn lên vụ án hình sự về tội danh tiếp tay tiêu thụ hàng giả, sách giả ở Việt Nam”, ông Phước cho hay.