Mê say luận văn chương

Sau hai cuốn tiểu luận “Vẻ đẹp của yêu tinh - Hỗn luận” và “Lảo đảo giữa nhân gian - Mê luận”, “Mây trong đáy cốc - Bất luận” (NXB Văn học) của TS Đỗ Anh Vũ tập hợp 32 tiểu luận được tác giả viết trong 5 năm trở lại đây và đăng trên một số báo, tạp chí văn nghệ. Cuốn sách vừa được ra mắt tại Hà Nội.
0:00 / 0:00
0:00
Mê say luận văn chương

Sách được chia làm ba phần, mỗi phần giống như mỗi góc trong “khu vườn” ngôn từ và sáng tạo. Tại đó, TS Đỗ Anh Vũ đem tới cho người đọc nhiều ngữ liệu văn học, ca từ, khảo luận, thẩm bình về các chủ đề khác nhau, có những điều tưởng chừng vốn quen thuộc, nay lại mang ý nghĩa mới mẻ.

Từ những thứ nhỏ nhặt như quả cam, quả quýt, hay hình tượng con hổ cho tới những điều lớn lao như hình tượng đất nước trong thơ ca… đối với tác giả đều có thể luận và luận một cách sinh động thông qua các luận cứ, phân tích khoa học và nghiên cứu gốc tích. Như “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du, đã có rất nhiều công trình, bài viết khai thác từ nhiều chiều kích, nhưng Đỗ Anh Vũ vẫn tìm cho mình một lối đi trong “Truyện Kiều, nhìn từ những giấc mơ”. Phần cuối cùng nhưng cũng không kém phần quan trọng, đó là sự dấn thân của tác giả khi chạm tới những đề tài vốn được coi là “hiểm địa” của văn chương như “Hoạt động tính dục qua ngôn ngữ và văn chương” hay “Luận về sinh thực khí”, “Vòm ngực của đời” …

Lựa chọn cái tên “Mây trong đáy cốc”, tác giả Đỗ Anh Vũ chia sẻ: “Tôi muốn tác phẩm thể hiện lăng kính, cách nhìn riêng của mình khi viết về bất kỳ điều gì. Mây là điều có thể thấy ở trên trời cao, nhưng cũng có thể nhìn qua lăng kính phản chiếu của đáy cốc khi tôi vui cùng anh em, bạn bè. Do đó, tôi quyết định chọn tiêu đề từ bốn chữ đầu trong câu thơ “Mây trong đáy cốc vẫn là mây xưa” của người tiền bối và bạn thơ Hồng Thanh Quang”.

Chữ “bất luận” trong cuốn sách cũng mang nhiều ý nghĩa theo ý kiến của tác giả. Trước hết, nó mang ý nghĩa “không luận nữa”, giống như một sự sơ kết trong hành trình viết tiểu luận của tác giả. Chọn viết như vậy xuất phát từ việc muốn người đọc không cảm thấy mệt mỏi và có sự ngẫm ngợi sâu lắng. Nói về người bạn văn của mình, PGS, TS Phùng Gia Thế bày tỏ: “Đỗ Anh Vũ phát hiện ra những điều rất li ti, mỏng manh để tạo ra những thế giới sự vật toát lên tính thẩm mỹ. Anh làm điều đó rất hệ thống, bắt được thần thái sự vật và tái hiện nó trong thế giới riêng của mình. Đồng thời, anh là một người tha thiết với văn học, với ngôn ngữ và tiếng Việt”.