“Mặt trời mọc” của Mai Văn Phấn đến Azerbaijan

Với sự hỗ trợ của Ủy ban Văn hóa của Quốc hội nước Cộng hòa Azerbaijan, Viện Nghiên cứu quốc tế Á - Âu và Phân hiệu Guba của Đại học Sư phạm quốc gia Azerbaijan, buổi giới thiệu cuốn sách đầu tiên của nhà thơ Mai Văn Phấn đã được tổ chức tại Azerbaijan.
0:00 / 0:00
0:00
“Mặt trời mọc” của Mai Văn Phấn đến Azerbaijan

1/Chúng tôi (Ganira Pashayeva - người quản lý dự án tập thơ “Gün doğarkən” (tạm dịch: “Mặt trời mọc”) của nhà thơ Mai Văn Phấn vừa xuất bản tại Azerbaijan) đã đến thăm Việt Nam nhiều lần, gặp gỡ các trí thức, nhà văn, các nhà hoạt động văn hóa và các nghệ sĩ, những người có ý tưởng và sáng kiến mới để mở rộng quan hệ, tương trợ lẫn nhau.

Ngày hôm nay, việc đề xuất những ý tưởng và sáng kiến đó đã được hiện thực hóa với việc dịch các bài thơ của Mai Văn Phấn sang tiếng Azerbaijan. Và việc lần đầu tiên xuất bản cuốn sách của tác giả Việt Nam tại Azerbaijan như một minh chứng sinh động cho tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta. Tác phẩm của Mai Văn Phấn đã phản ánh rõ nét bản sắc văn hóa và tinh thần của Việt Nam. Ông luôn tôn trọng mối quan hệ với đất nước Azerbaijan. Qua đây, chúng tôi cũng thấy rằng, cần thiết phải đào tạo các dịch giả, biên dịch viên chuyên nghiệp để mở rộng hơn nữa mối quan hệ văn hóa, trong đó có văn học Azerbaijan - Việt Nam.

2/Trong buổi giới thiệu sách trực tuyến vừa diễn ra chiều ngày 29/9, nhà thơ Akbar Goshal - Người chủ trì, chuyên gia Ủy ban Văn hóa của Quốc hội Azerbaijan, người đoạt Giải thưởng Văn học quốc tế “Alash” đã chia sẻ về tiến trình dịch thuật, xuất bản tập thơ “Mặt trời mọc”. Nữ thi sĩ kiêm dịch giả Afag Shikhli, Giám đốc Quỹ giáo dục AYB Matx-cơ-va, thành viên Hội đồng cố vấn của Bộ Ngoại giao là người đã dịch các bài thơ của Mai Văn Phấn trong tập thơ “Mặt trời mọc”. Bà đã đánh giá cao tác phẩm của Mai Văn Phấn, một người mà tác phẩm đã vượt ra khỏi biên giới quốc gia đến với bạn đọc quốc tế qua hơn 40 thứ tiếng trên thế giới (trong đó có tiếng Nga, Anh, Pháp, Belarus, Italy, Tây Ban Nha...).

Còn theo ông Ali Masimli - Trưởng nhóm công tác Quan hệ liên nghị viện Azerbaijan - Việt Nam, thành viên nhóm công tác Iltizam Yusifov đánh giá, nhà thơ Mai Văn Phấn đã làm rung động trái tim bạn đọc thế giới bằng những vần thơ giàu cảm xúc. Hơn thế, ông còn được thế giới công nhận và yêu mến bởi sức hấp dẫn của tính dân tộc độc đáo được thể hiện trong các tác phẩm của mình. Việc xuất bản tập thơ “Mặt trời mọc” của Mai Văn Phấn là một sự kiện quan trọng trong mối quan hệ văn hóa, văn học hai nước.

Được biết, từ những năm trước, PGS, TS Tarana Turan Rahimli - Nữ thi sĩ kiêm dịch giả, nhà phê bình văn học, ủy viên Hội đồng cố vấn Liên minh các nhà văn trẻ Thổ Nhĩ Kỳ thế giới, đã dịch 10 bài thơ của Mai Văn Phấn sang tiếng Azerbaijan. Các bài thơ này đã được đăng trên báo chí của Azerbaijan, Việt Nam và Bỉ. Bà Tarana Turan chia sẻ, khi đọc thơ Mai Văn Phấn, bà cảm thấy như đã nhìn bức tranh toàn cảnh về thiên nhiên và con người Việt Nam, độc giả Azerbaijan sẽ thích thú những bài thơ độc đáo này.

Góp mặt tại buổi ra mắt sách trực tuyến, nhà thơ Mai Văn Phấn đã bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến tất cả những người đã đóng góp cho việc xuất bản và trình bày cuốn sách của ông. Ông cũng nhận xét tổng quan về thơ Azerbaijan đương đại, đánh giá tóm tắt phong cách thơ của ba nhà thơ Akbar Goshali, Afag Shikhli và Tarana Turan Rahimli khi ông cùng một số dịch giả Việt Nam dịch thơ của những nhà thơ này sang tiếng Việt.

Cuối buổi giới thiệu cuốn sách, tôi đã mong muốn được gặp gỡ nhà thơ Mai Văn Phấn trong tương lai ở Việt Nam và Azerbaijan, tại các buổi thuyết trình trực tiếp, rộng rãi của thi phẩm “Mặt trời mọc”.

(Shahin Nguyen Le lược dịch từ tiếng Azerbaijan)

Nhà thơ kiêm dịch giả, TS Nguyễn Quốc Hùng, thành viên Viện Hàn lâm Khoa học Liên bang Nga đã đánh giá việc xuất bản cuốn sách “Mặt trời mọc” là đóng góp quý báu cho quan hệ Azerbaijan - Việt Nam, đồng thời bày tỏ mong muốn mở rộng hơn nữa mối giao lưu văn học này trong tương lai.

* Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa của Quốc hội Azerbaijan, Chủ tịch Ủy ban Liên Nghị viện Azerbaijan - Việt Nam.