Lưu giữ ký ức cách mạng hào hùng

Sau 77 năm từ những ngày sôi sục của Cách mạng Tháng Tám, có những hiện vật vẫn được trưng bày tại các bảo tàng, gợi lại âm hưởng hào hùng của thời khắc đập tan xiềng xích nô lệ, đem tự do về với nhân dân Việt Nam.
0:00 / 0:00
0:00
Báo Nước Nam mới - Cơ quan tuyên truyền của Khu giải phóng, ra ngày 21/8/1945.
Báo Nước Nam mới - Cơ quan tuyên truyền của Khu giải phóng, ra ngày 21/8/1945.

Bên cạnh những trang sử thuật lại các sự kiện, các hiện vật cách mạng, kháng chiến là sự tái hiện sinh động quá trình chuẩn bị, chờ thời cơ và vận dụng sức mạnh toàn dân để vùng lên giành thắng lợi. Tại Hà Nội, ký ức về mùa thu cách mạng năm 1945 được tái hiện qua nhiều hiện vật gốc được trưng bày tại các bảo tàng. Mỗi bảo tàng có những cách tổ chức, bài trí nhằm mang lại cho công chúng những miền ký ức thiêng liêng, đẹp đẽ về dòng chảy lịch sử hào hùng của dân tộc.

Tại Bảo tàng Hồ Chí Minh có trưng bày các hiện vật liên quan tới Bác, cùng với các chỉ thị, nghị quyết của Đảng. Với cách sắp xếp, trưng bày theo hành trình thời gian, cả quá trình từ năm 1941 đến khi cách mạng giành thắng lợi năm 1945 được tái hiện sinh động. Mở đầu là hình ảnh, tư liệu khi Bác Hồ về nước, đặt căn cứ tại Pác Bó, Cao Bằng sau đó chuyển tới Tân Trào, Tuyên Quang. Những đồ dùng được Bác sử dụng khi ở hang Pác Bó, hình ảnh lán Nà Lừa nơi Bác sống và làm việc ở Tân Trào đã cho thấy cuộc sống giản dị, tất cả vì dân tộc của vị lãnh tụ phong trào cách mạng khi ấy.

Lưu giữ ký ức cách mạng hào hùng ảnh 1

Bộ quần áo dân tộc Nùng và đồ dùng cá nhân của Bác khi hoạt động tại hang Pác Bó.

Nhiều thư từ, chỉ thị và nghị quyết về Cách mạng Tháng Tám được bảo tàng trưng bày như: Chương trình Việt Minh, Chỉ thị “Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, Thư kêu gọi toàn quốc tổng khởi nghĩa, Lệnh tổng khởi nghĩa... Những tư liệu quý giá này cho thấy sự chuyển mình, phát triển từng bước của lực lượng chính trị và lực lượng vũ trang Việt Nam. Tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, bạn Phương Linh, 21 tuổi, chia sẻ: “Qua tham quan, mình thấy nơi ở và đồ dùng của Bác vô cùng giản dị, có phần đơn sơ. Dù khó khăn chồng chất nhưng Bác và cơ quan lãnh đạo của Đảng vẫn dẫn dắt đất nước giành độc lập thành công. Các hiện vật ở đây đều rất ấn tượng, giúp mình hiểu rõ quá khứ, trân trọng hiện tại”.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng giới thiệu nhiều hiện vật ý nghĩa liên quan tới quân và dân trong thời kỳ Cách mạng Tháng Tám. Tiêu biểu có thể kể đến: Truyền đơn, báo chí phát hành trước, trong và sau cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám, vũ khí thô sơ của nhân dân được sử dụng trong quá trình khởi nghĩa… Theo đó, có thể thấy, báo chí của Đảng ta trong thời kỳ này tuy hoạt động bí mật nhưng được xuất bản thường xuyên để tuyên truyền đến nhân dân về phong trào cách mạng. Cùng với trang báo của Trung ương Đảng, các địa phương, đoàn thể khi ấy đều bí mật xuất bản báo. Báo chí đã trở thành vũ khí sắc bén để Đảng và các lực lượng cùng nhân dân từng bước tiến tới Tổng khởi nghĩa.

Các hiện vật về vũ khí đánh giặc mùa thu năm ấy cũng thể hiện sắc nét tinh thần sôi sục đấu tranh. Từ những lưỡi giáo, dao và kiếm tới những khẩu súng tự chế, súng cướp của địch, người dân từ già trẻ, gái trai đều hăng hái bảo vệ căn cứ cách mạng, chiến đấu để giành lại tự do.

Lưu giữ ký ức cách mạng hào hùng ảnh 2

Một số vũ khí được dùng trong cuộc khởi nghĩa giành chính quyền.

Cả hai bảo tàng trên đều trưng bày nhiều tranh ảnh tái hiện các cuộc mít-tinh giành chính quyền tại Hà Nội và hình ảnh chiến đấu của một số tỉnh, thành phố. PGS, TS Phạm Xuân Mỹ, nguyên Trưởng khoa Lịch sử Đảng, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cảm nhận: “Các hiện vật đã tái hiện lại cả quá khứ oanh liệt của dân tộc, của cách mạng Việt Nam. Những bức ảnh, hiện vật là vật chứng quý giá, góp phần củng cố lịch sử đất nước. Hiện vật cũng làm chúng ta thấy gần gũi hơn, đôi khi ấn tượng, dễ ghi nhớ hơn việc học qua sách vở”.

Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã trở thành một chiến tích vĩ đại, làm nên một trang sử vàng của đất nước. Đây là thành quả của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòa quyện với tinh thần yêu nước và ý chí quật cường của nhân dân. Việc tiếp tục gìn giữ, trưng bày kết hợp thuyết minh về lịch sử hiện vật sẽ giúp nêu cao lòng yêu nước, tự tôn dân tộc cho người dân, đồng thời tăng sự hiểu biết về lịch sử, cách mạng Việt Nam cho bạn bè quốc tế.