Lương hưu chưa đủ sức hấp dẫn

Bảo hiểm xã hội là một chính sách lớn, tác động trực tiếp đến đời sống của hàng chục triệu người dân, nên rất cần sự tính toán kỹ lưỡng các giải pháp linh hoạt, đa tầng, mở rộng đối tượng thụ hưởng. Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), vì vậy, tiếp tục được dư luận quan tâm bàn luận.
0:00 / 0:00
0:00
Công nhân, người lao động mong mỏi chính sách bảo hiểm phù hợp thực tiễn.
Công nhân, người lao động mong mỏi chính sách bảo hiểm phù hợp thực tiễn.

Vẫn lo lắng chuyện lương hưu

Nhằm hạn chế tình trạng người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần, Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định theo hướng người lao động không được nhận bảo hiểm xã hội một lần từ ngày 1/1/2025, trừ các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu, hoặc ra nước ngoài định cư hoặc bị mắc một trong những bệnh hiểm nghèo. Đây là một trong những vấn đề được người dân cũng như các chuyên gia quan tâm nhất trong thời gian qua.

Mới đây, tại Thành phố Hồ Chí Minh, hội thảo "Lấy ý kiến người lao động về chế độ bảo hiểm xã hội một lần trong dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)" do Ủy ban Xã hội của Quốc hội và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ghi nhận rất nhiều trăn trở.

Không ít công nhân, người lao động nêu lý do rút bảo hiểm xã hội một lần là muốn có một khoản tiền lớn để cùng lúc trang trải cuộc sống, tìm hướng kinh doanh. Một số người đưa ra so sánh, trong khi lãi suất ngân hàng 8-10%, nếu trượt giá chỉ 2% thì mức lương hưu sẽ thấp. Bà Nguyễn Thị Hoa, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Quadrille Việt Nam (đóng tại khu công nghiệp Amata, tỉnh Đồng Nai) chỉ ra một thực tế: "Công ty vừa có mấy người nghỉ hưu, người nhận mức lương cao nhất là 3,2 triệu đồng/tháng, người thấp nhất là 2,4 triệu đồng/tháng. Mức này quá thấp, không đủ trang trải cuộc sống. Ai cũng mong về già có lương hưu, nhưng...". Rất nhiều người lao động cho rằng, dù không khó khăn nhưng vẫn có người rút một lần là vì họ thấy việc rút một lần có lợi hơn hưởng lương hưu. Trước vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Lộc, Viện Nghiên cứu đời sống xã hội, phân tích: Việc rút thời gian đóng bảo hiểm xã hội xuống 15 năm nhưng tuổi nghỉ hưu đang tăng theo lộ trình, đó là một nghịch lý, tạo nên khoảng trống từ khi người lao động nghỉ làm cho đến khi được lĩnh lương hưu. Nhiều người còn lo ngại, bản thân có thể phải nghỉ việc từ năm 47 tuổi và đủ năm đóng bảo hiểm, trong khi lại phải chờ đến 60-62 tuổi mới được lĩnh lương hưu.

Tăng tính hấp dẫn của chính sách

Theo Tiến sĩ Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam), phản ánh của cán bộ làm công tác bảo hiểm xã hội và người lao động các tỉnh cho thấy, nhiều người lao động đang và sẽ tìm cách chấm dứt hợp đồng lao động để rút bảo hiểm xã hội trong thời gian tới. Dự báo trong quý I - II/ 2024, số lượng người rút bảo hiểm một lần sẽ gia tăng. Do đó, cần có giải pháp tổng thể và chủ động từ sớm trong việc điều chỉnh chính sách để xây dựng hệ thống an sinh xã hội lâu dài cho người lao động.

Thực tế, Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã cụ thể hóa quy định 11 nội dung lớn, như mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; bổ sung quyền lợi hưởng chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt động không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm... Theo Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Dự thảo Luật bổ sung quy định: "Người lao động khi đến tuổi nghỉ hưu mà chưa đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng lương hưu (chưa đủ 15 năm đóng) và cũng chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội (chưa đủ 75 tuổi) thì được lựa chọn hưởng trợ cấp hằng tháng cho thời gian trước khi đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, tùy thuộc vào thời gian đóng, tiền lương, thu nhập tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động; đồng thời trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng, vẫn được hưởng bảo hiểm y tế...".

Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, để hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần, cần có chính sách giảm sốc đi kèm như hạ tỷ lệ hưởng theo lộ trình, tăng quyền lợi cho người "theo đến cùng". Ông Phạm Minh Thành-Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh Đồng Nai cho rằng, việc hạn chế rút bảo hiểm xã hội một lần là cần thiết nhưng đi kèm với các rào cản kỹ thuật là tăng thêm quyền lợi ngắn hạn để người lao động thấy yên tâm. "Về nguyên tắc, tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 32% (trong đó người lao động đóng 10,5% tiền lương, người sử dụng lao động đóng 21,5%. Vậy, nếu người lao động rút bảo hiểm xã hội một lần thì họ chỉ nên nhận được phần đóng góp của bản thân (10,5%), phần của doanh nghiệp cần được giữ lại để sau này chi trả lương hưu cho người lao động"-ông Thành đề xuất.

Cũng theo ông Thành, tăng quyền lợi cho người lao động là điều bắt buộc phải tính đến, để họ thấy rõ lợi ích của việc để lại bảo hiểm xã hội. Với lao động thất nghiệp, mức trợ cấp trong sáu tháng đầu nên tăng từ 60% lên 100% mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm, giúp người mất việc vượt qua khó khăn ban đầu. Việc này thúc đẩy người lao động quay lại thị trường lao động để tiếp tục tham gia bảo hiểm.

Đồng quan điểm, bà Trần Thị Diệu Thúy-Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, Đại biểu Quốc hội cho biết thêm, nên hạn chế số tiền hưởng khi rút bảo hiểm xã hội một lần, đồng thời nên quy định mức sàn đóng bảo hiểm xã hội để từ đó có được mức sàn lương hưu bảo đảm mức sống tối thiểu. "Nhiều người ở Thành phố Hồ Chí Minh khi về hưu, hưởng lương hai triệu đồng, tương đương mức thu nhập bình quân đầu người theo chuẩn nghèo đa chiều của Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2025. Điều đó rất cần có sự tính toán của cơ quan chức năng".