Phóng viên (PV): Bà có thể cho biết những khảo sát mới nhất của UNICEF liên quan lao động trẻ em?
Bà Lê Hồng Loan: Trên thế giới, có tới 160 triệu trẻ em trong độ tuổi 5-17 được coi là lao động trẻ em, trong đó gần một nửa đang làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Lần đầu tiên trong vòng 20 năm qua tỷ lệ lao động trẻ em có dấu hiệu tăng do những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19.
Ở Việt Nam, theo Khảo sát quốc gia về lao động trẻ em lần thứ 2 do ILO, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Tổng cục Thống kê thực hiện, năm 2018, có 5,4% số trẻ em trong độ tuổi 5-17, tương đương 1,1 triệu là lao động trẻ em, trong đó có một nửa đang làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Còn theo kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ Việt Nam 2020-2021 do Tổng cục Thống kê và UNICEF phối hợp thực hiện cho thấy có tới 6,6% số trẻ em từ 5-17 tuổi tham gia vào cả công việc gia đình và các hoạt động kinh tế (được coi là lao động trẻ em).
Có sự khác biệt giữa trẻ em trai và trẻ em gái với tỷ lệ trẻ em trai (6%) thấp hơn trẻ em gái (7,1%); trẻ em ở khu vực nông thôn (7,6%) tham gia lao động trẻ em nhiều hơn trẻ em ở khu vực thành thị (4,4%). Sự khác biệt được quan sát thấy ở những trẻ em có hoàn cảnh khác nhau. Trẻ em không đến trường tham gia lao động cao hơn. Trẻ em trong các hộ gia đình nghèo hơn, trẻ em có mẹ có trình độ học vấn thấp hơn cũng như trẻ em ở các nhóm dân tộc thiểu số tham gia lao động trẻ em nhiều hơn.
PV: Ở các quốc gia phát triển trên thế giới có diễn ra việc lạm dụng, bóc lột lao động trẻ em không?
Bà Lê Hồng Loan: Lao động trẻ em vẫn còn phổ biến trên thế giới. Vào đầu năm 2020, trước khi bùng phát đại dịch Covid-19, 160 triệu trẻ em (63 triệu trẻ em gái và 97 triệu trẻ em trai) tham gia lao động trẻ em, tương đương 1/10 trẻ em trên toàn thế giới. 71 triệu trẻ em - gần một nửa trong số đó là trẻ em lao động - làm công việc nặng nhọc, độc hại trực tiếp gây nguy hiểm tới sự phát triển sức khỏe, an toàn và đạo đức của trẻ em.
Hiện nay, thế giới vẫn chưa theo kịp tiến độ trong việc đạt được chỉ tiêu xóa bỏ lao động trẻ em vào năm 2025. Theo dự báo trước Covid-19 dựa trên tốc độ thay đổi từ năm 2008 đến 2016, gần 140 triệu trẻ em sẽ vẫn phải tham gia lao động vào năm 2025. Khủng hoảng do Covid-19 gây ra đang làm cho kịch bản này thậm chí còn đáng lo ngại hơn, với nhiều trẻ em hơn có nguy cơ phải tham gia lao động.
PV: Bà có thể cho biết kinh nghiệm xử lý của các nước như thế nào? Có cơ chế gì giám sát?
Bà Lê Hồng Loan: Xây dựng lộ trình chính sách dựa trên bằng chứng. Mở rộng bảo trợ xã hội có thể giảm đói nghèo và khó khăn về kinh tế là nguyên nhân chính dẫn đến lao động trẻ em, trong khi đầu tư vào học tập miễn phí, chất lượng tốt có thể cung cấp một giải pháp thay thế khả thi và mở ra cánh cửa cho một tương lai tốt đẹp hơn. Mọi trẻ em cần được đăng ký khai sinh để trẻ em có định danh pháp lý và được hưởng các quyền của mình ngay từ khi mới sinh ra. Mở rộng việc làm bền vững sẽ mang lại thu nhập công bằng cho tất cả người lao động trưởng thành và gia đình của họ, bao gồm cả những người làm việc trong khu vực kinh tế phi chính thức, nơi nguy cơ lao động trẻ em cao nhất. Cần có chính sách liên ngành công nhận giá trị bình đẳng của trẻ em gái, trẻ em trai và giải quyết các chuẩn mực giới có hại. Và cần xây dựng luật và chính sách cần thiết để bảo vệ trẻ em, có cơ chế thực thi, giám sát. Cùng với đó, tận dụng ưu thế của công nghệ thông tin và truyền thông trong các nỗ lực trên tất cả các lĩnh vực này…
PV: Xin cảm ơn bà về cuộc trò chuyện này!