Đề án Thư viện số Nguyễn An Ninh - Chuyên đề Nam Bộ được Quỹ Hoa Sen (quỹ hiến tặng phi lợi nhuận được thành lập theo quyết định của UBND Thành phố Hồ Chí Minh vào cuối năm 2016) giới thiệu là một không gian tri thức mở, thực hiện chức năng lưu trữ các nguồn tài liệu là sách vở dưới dạng sách giấy, sách nói, sách và tài liệu được số hóa, phim tài liệu… phục vụ bạn đọc, các nhà nghiên cứu, tham khảo, học hỏi, tìm hiểu về lịch sử con người Nam Bộ.
Quét mã QR, ra kho kiến thức
Đến Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh tham gia các hoạt động trải nghiệm và tìm mua một số tài liệu cần thiết, Nguyễn Ngọc Anh (sinh viên Trường đại học Văn hóa Thành phố Hồ Chí Minh) cùng nhóm bạn tò mò khi thấy nhiều mã QR mang tên “Thư viện Nguyễn An Ninh” được dán trên các tủ kính trưng bày sách phục vụ khách tham quan. Dùng điện thoại thông minh quét mã, Ngọc Anh bất ngờ khi dễ dàng tiếp cận nguồn tri thức về vùng đất, con người Nam Bộ theo nhiều hình thức khác nhau. Ngoài các loại hình quen thuộc như sách nói, sách điện tử, trang web của Thư viện số Nguyễn An Ninh còn có kho phim tài liệu, phim điện ảnh độc đáo về chủ đề này. Tất cả nguồn tư liệu sống động này đều cung cấp miễn phí.
Đề án còn mong muốn trở thành một không gian văn hóa với nhiều chương trình, hoạt động như giao lưu trực tuyến, tọa đàm chuyên đề, podcast, giao lưu tác giả, nhà nghiên cứu, biểu diễn nghệ thuật… hướng đến việc thu hút giới trẻ đọc và tìm hiểu về văn hóa lịch sử vùng đất phương Nam quen thuộc nhưng còn rất nhiều điều mới lạ để khám phá. Bên cạnh tài liệu số, người dân muốn tìm hiểu về văn hóa, lịch sử Nam Bộ đều có thể đăng ký mượn sách giấy từ kho lưu trữ của thư viện.
Thư viện số Nguyễn An Ninh hiện tại bao gồm ba không gian. Trong đó, phần được chăm chút nhất là “Không gian sách, tài liệu” với đa dạng hình thức thể hiện. Chỉ cần thực hiện vài thao tác đơn giản, ai cũng có thể mượn đọc miễn phí kho tài liệu được tập hợp công phu từ rất nhiều nguồn. Bộ tìm kiếm sẽ hỗ trợ bạn đọc tìm đích danh cuốn sách/tài liệu có đề tài đang quan tâm, đồng thời danh mục phân loại cũng mang đến cái nhìn tổng quan cho người dùng về những tựa sách đang có trong từng phân loại. “Không gian tranh ảnh” của thư viện tập hợp những tranh, ảnh liên quan đến chủ đề Nam Bộ xưa và nay. Các tác phẩm, chuyên đề được trình bày như một cuộc triển lãm nghệ thuật trực tuyến với những hình ảnh trực quan sinh động. Còn “Không gian Video Nam Bộ quen mà lạ” tập hợp các chương trình gặp gỡ, trò chuyện trực tuyến về chủ đề Nam Bộ với sự tham gia của các chuyên gia, tác giả, nhà nghiên cứu, giúp bạn trẻ thêm hiểu và yêu vùng đất phương Nam hơn 300 năm lịch sử.
Thêm nhiều hoạt động kết nối cộng đồng
Theo bà Quách Thu Nguyệt, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Hoa Sen, Thư viện Nguyễn An Ninh ban đầu được hình thành từ ý tưởng mô hình “vật lý” với kho sách, tài liệu, các vật phẩm trưng bày phục vụ miễn phí cho cộng đồng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các thành viên đề án nhận ra cần phải có sự thích ứng thời đại số để thu hút đông đảo đối tượng tiếp cận, đặc biệt là giới trẻ. Bà Nguyệt chia sẻ: “Chúng tôi triển khai thư viện số trước khi hình thành thư viện vật lý để lan tỏa thông tin đến mọi người theo cách nhanh và thuận tiện nhất. Với thư viện số, dù ở đâu, lúc nào, chỉ cần có điện thoại thông minh, ai cũng có thể tra cứu, tìm hiểu thông tin hoặc xem những thước phim hay. Không chỉ riêng chúng tôi tìm kiếm, quảng bá, giới thiệu những nguồn tư liệu về mảnh đất Nam Bộ đã có sẵn mà chính bạn đọc, cộng đồng là người sẽ sáng tạo nên nguồn tư liệu mới, những phát hiện mới về mảnh đất Nam Bộ”.
Hiện tại, Thư viện số Nguyễn An Ninh đã hoàn thiện quá trình thử nghiệm, bắt đầu triển khai nhiều chuyên mục cốt lõi và sẽ bổ sung thêm các hoạt động mới trong thời gian tới. Trước mắt, đơn vị thực hiện đề án đã lên kế hoạch tổ chức định kỳ chương trình trải nghiệm trực tuyến và trực tiếp cho bạn đọc về các nội dung xoay quanh văn hóa Nam Bộ. Từ nay đến tháng 9/2024 cũng là giai đoạn đẩy mạnh trao đổi bản quyền với các tác giả, nhà biên kịch, hãng phim, đài truyền hình về các sách, kịch bản phim, phim tài liệu, phim truyện về Nam Bộ... để nâng cao số và chất lượng kho dữ liệu số. Các hoạt động của thư viện sẽ được lan tỏa đến hệ thống trường học trên địa bàn thành phố nhằm mục tiêu đưa tri thức đến với bạn đọc trẻ theo các kênh tiếp cận khác nhau. Sẽ có một không gian vật lý được triển khai ngay tại Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh để người dân, du khách tham quan, trải nghiệm.
Từ cuối năm 2024 trở đi, Thư viện Nguyễn An Ninh sẽ tập trung phục vụ mở rộng tài liệu số, đồng thời tổ chức các hoạt động khuyến đọc, khai thác chuyên sâu và mở rộng đa dạng hệ sinh thái của đề án trong phạm vi 23 tỉnh thành phía nam.