Khơi dậy sức mạnh văn hóa

Lan tỏa giá trị văn hóa Huế trên báo chí

Báo chí có vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Việc phối hợp chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông sẽ đem lại hiệu quả lớn trong sự nghiệp quảng bá, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa của di sản Huế nói riêng và cả nước nói chung.
0:00 / 0:00
0:00
Huế sở hữu nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc.
Huế sở hữu nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc.

Nguồn tài nguyên văn hóa đồ sộ

Trong lịch sử, với vị trí trọng yếu, là địa bàn mang tính chiến lược, Thừa Thiên Huế luôn được lựa chọn để xây dựng trở thành trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa..., Thừa Thiên Huế đóng vai trò là thủ phủ Đàng Trong giai đoạn 1636-1775, rồi kinh đô của hai triều đại Tây Sơn và nhà Nguyễn (1788-1945). Điều này làm cho Huế có mật độ di sản dày đặc, nhiều loại hình phong phú. Ngày nay, Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc thành quách, cung điện, lăng tẩm, đàn miếu... cùng hàng vạn hiện vật, cổ vật đặc biệt quý hiếm. Huế cũng là nơi có di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh và hệ thống phong phú di tích lịch sử cách mạng. Huế hội tụ bảy di sản được UNESCO vinh danh: Quần thể Di tích Cố đô Huế (1993), Âm nhạc cung đình Việt Nam-Nhã nhạc (2003), Mộc bản triều Nguyễn (2009), Châu bản triều Nguyễn (2014), Thơ văn trên kiến trúc cung đình Huế (2016), Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ (2016), Nghệ thuật bài chòi Trung Bộ (2017).

Sự hội tụ, kết tinh của di sản Huế còn được thể hiện qua nhiều loại hình độc đáo như: ca Huế, ca kịch Huế, tuồng, lễ hội, làng nghề thủ công, áo dài truyền thống… thể hiện đời sống tinh thần của cư dân xứ Huế qua nhiều giai đoạn lịch sử. Trên địa bàn tỉnh, có ba di sản đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Ca Huế (2015), Nghề dệt Dèng của dân tộc Tà Ôi (2016) và Lễ hội truyền thống ADa Koonh (Mừng lúa mới) của người Pa Cô. Thừa Thiên Huế còn đang xây dựng và thực hiện Đề án “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam” nhằm tôn vinh, khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học và vai trò của di sản Áo dài Huế đối với đời sống cộng đồng xã hội đương đại.

Di sản văn hóa Huế là tài sản vô giá của các thế hệ tiền nhân để lại cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Nguồn lực này góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế-xã hội, tạo nền tảng cho việc xây dựng chiến lược phát triển du lịch, là phương tiện để quảng bá về hình ảnh địa phương cho du khách và có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa cho thế hệ trẻ. Trong sự bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Huế luôn có sự đồng hành, ủng hộ, chung tay đóng góp của các cơ quan thông tấn báo chí. Các giá trị văn hóa Huế đã luôn và càng ngày càng được lan tỏa trên các trang báo, các chương trình phát thanh, truyền hình và báo điện tử.

Tận dụng cánh cửa thông tin

Báo chí là kênh thông tin phản ánh đa chiều về các sự kiện, các hoạt động liên quan đến công tác quảng bá, bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa, từ đó giúp cho các cơ quan chức năng và những người làm công tác trùng tu, tôn tạo di tích có thêm nhiều thông tin hữu ích. Mặt khác, báo chí còn chủ động góp phần thiết thực vào việc xây dựng, hoàn thiện các chủ trương, chính sách cũng như luật pháp liên quan đến di sản văn hóa. Các cơ quan quản lý di sản văn hóa và đơn vị trùng tu, tôn tạo di tích ở Huế đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để cho các cơ quan thông tấn báo chí tiến hành tác nghiệp, đưa tin và tăng cường sự tương tác, trao đổi thông tin thường xuyên với các cơ quan báo chí.

Ngành bảo tồn, trùng tu di tích đã trở nên khá quen thuộc với thế giới nhưng ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng, vẫn còn khá mới mẻ, đang trên đường hoàn thiện. Bảo tồn, tu bổ di tích là một khoa học đa ngành và liên ngành. Đội ngũ các nhà bảo tồn, tu bổ di tích chuyên nghiệp, vững tay nghề không nhiều. Đây là một chuyên ngành hẹp, có tính đặc thù cao và rất cần được sự góp ý phản biện. Ở Huế, hoạt động bảo tồn, trùng tu di tích mang nhiều nét đặc thù - không phải chỉ xử lý các vấn đề phức tạp liên quan đến những yếu tố kỹ thuật, thẩm mỹ mà còn phải có phương cách ứng xử, đánh giá phù hợp với các giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc và nghệ thuật. Dư luận đang bày tỏ lo ngại về việc ngày càng có quá nhiều di tích (không chỉ ở Huế) được bảo tồn, trùng tu nhưng không giữ được các giá trị truyền thống. Các cơ quan báo chí có thể góp tiếng nói mạnh mẽ để phản ánh, phản biện những bất cập, sai phạm trong bảo tồn, trùng tu di tích. Nhờ có sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời của các cơ quan thông tấn báo chí, nhiều vụ việc sai phạm trong trùng tu, tôn tạo di tích đã được phát hiện và xử lý kịp thời.

Tuy nhiên, vẫn còn có tình trạng đối diện với những đề tài, vấn đề mới, nhưng một số người viết lại chưa có kiến thức đầy đủ, thậm chí có kiến thức không đúng, sai lệch trong cách nhìn, đánh giá về di sản văn hóa. Vì vậy, đội ngũ phóng viên báo chí cần được trang bị đầy đủ những kiến thức, hiểu biết cơ bản liên quan đến lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa. Những người làm báo muốn bảo vệ tốt di sản văn hóa, cần phải được trang bị kiến thức sâu sắc về di sản văn hóa. Trong đó, cần phải nắm vững các quy định được nêu trong Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18/6/2009; Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Di sản văn hóa. Bên cạnh đó, các nhà báo cũng cần phải có những tri thức nhất định về các Công ước quốc tế liên quan đến hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa cũng như các chính sách về di sản văn hóa của tổ chức UNESCO.

Việc trang bị đầy đủ các tri thức văn hóa trong nước và quốc tế sẽ giúp cho các nhà báo có những sản phẩm báo chí phản ánh đầy đủ, khách quan về công tác bảo tồn, gìn giữ và phát huy các di sản văn hóa ở Huế nói riêng và cả nước nói chung thiết thực và hiệu quả hơn nữa.