Làm mới với nhạc kịch “Hạ Long thần tiên”

Trên thế giới và nay ở Việt Nam, đã có xu hướng thực hiện các vở diễn, các chương trình nghệ thuật để quảng bá du lịch. Những chương trình độc đáo như “Ký ức Hội An”, hay “Tinh hoa Bắc Bộ”… là một số thí dụ kéo du khách đến các điểm tham quan. Trong nỗ lực làm mới mình, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh vừa dàn dựng và chỉnh sửa vở nhạc kịch “Hạ Long thần tiên”, theo đặt hàng của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh.
0:00 / 0:00
0:00
Cảnh trong vở diễn.
Cảnh trong vở diễn.

1/Vở nhạc kịch dựa theo truyền thuyết vịnh Hạ Long, kể về câu chuyện đàn rồng được lệnh của Ngọc hoàng xuống trần gian tiêu diệt lũ yêu ma đang hoành hành, cứu sinh linh và cả một vùng đất. Sau khi dẹp xong lũ yêu ma, vì quá quyến luyến cảnh đẹp nơi đây, đàn rồng đã ở lại, để sau này biến thành hàng nghìn đảo nhỏ, làm phên dậu che chở cho cả Hạ Long. NSƯT Từ Diệu Hương, Trưởng đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh cho biết, từ lâu nay Quảng Ninh đã muốn xây dựng những chương trình nghệ thuật mang màu sắc riêng, nhằm quảng bá cho du lịch của tỉnh, cung cấp chương trình mới cho du khách, để đến với Hạ Long, du khách không chỉ nghỉ dưỡng, mà còn được xem nghệ thuật. NSƯT Từ Diệu Hương đã mời nhà viết kịch Chu Thơm chắp bút cho kịch bản, NSND Hoàng Quỳnh Mai làm đạo diễn. Vở nhạc kịch quy tụ hơn 100 diễn viên và ca sĩ, toàn bộ lời thoại được viết bằng thơ, kèm theo âm nhạc và vũ đạo. Với cấu trúc nhạc kịch, “Hạ Long thần tiên” đưa khán giả đến với thế giới của muôn loài dưới nước, thể hiện vẻ đẹp của vùng vịnh di sản, đồng thời cũng giới thiệu nét đẹp trong cuộc sống lao động của người dân vùng biển. Theo dự kiến, “Hạ Long thần tiên” sẽ được biểu diễn vào các dịp cuối tuần tại Cung quy hoạch, hội chợ và triển lãm tỉnh Quảng Ninh, được gọi với cái tên thân mật là Cung cá heo.

2/“Hạ Long thần tiên” là một sản phẩm nghệ thuật đặt hàng, NSƯT Diệu Hương cho biết. Từ lâu nay, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh đã chuyển sang cơ chế tự chủ về tài chính 100%. “Thú thật lúc đầu khi nhận chủ trương, chúng tôi cũng hoang mang lắm. Chuyển sang một mô hình mới, chưa biết sẽ phải xoay xở thế nào”, NSƯT Diệu Hương tâm sự. “Thế nhưng, chúng tôi tự nhủ, phải nỗ lực bằng tất cả khả năng của mình. Anh chị em trong đoàn đều có nghề, thì chắc chắn sẽ sống được bằng nghề”.

Ngay năm đầu chuyển sang tự chủ, đoàn đã có những thành công khi vở cải lương “Kiếp tằm” xuất sắc giành Huy chương vàng cho vở diễn và 5 Huy chương vàng, bạc cho diễn viên tại Liên hoan Cải lương toàn quốc năm 2018 tại Long An. Những vất vả, bỡ ngỡ cũng qua dần. Hiện tại, Đoàn Nghệ thuật Quảng Ninh vẫn đi bằng hai chân một cách vững chãi. Một mặt, đoàn vẫn đầu tư mạnh cho các vở lớn để đi liên hoan, hội diễn. Mặt khác, đoàn nhận các chương trình kịch ngắn, tiểu phẩm, ca cảnh phục vụ chính trị tại các địa điểm trong tỉnh. Các chương trình nghệ thuật lớn thời gian gần đây của đoàn được đồng nghiệp và khán giả chú ý với dấu ấn riêng của Quảng Ninh, làm về danh nhân cũng như các địa danh nổi tiếng của tỉnh. Các buổi biểu diễn lưu động của đoàn, ở nhiều huyện miền núi và hải đảo có sự kết hợp giữa kịch nói, ca nhạc, ca cảnh để chương trình phong phú và sôi động hơn.

Ở một tỉnh năng động và có nhiều thành phố như Quảng Ninh, cơ hội làm nghề của đoàn là không ít. Yêu cầu đặt ra là các chương trình ngày càng phải nâng cấp để theo kịp nhu cầu thưởng thức ngày một cao của khán giả.