Tận tâm đổi mới trưng bày
Nhiều người không khỏi ngạc nhiên trước sự chu đáo, tận tâm từ những việc nhỏ nhặt ngay cổng vào di tích. Tại khu vực để xe máy miễn phí, mỗi chiếc xe đều được phủ trên yên một tấm khăn ướt để tránh nóng. Dọc lối đi có thể gặp những thùng đựng ô che mưa, nắng. Rồi những chiếc ghế dài được đặt đúng chỗ, đúng lúc làm nơi nghỉ chân cho khách tham quan. Ấn tượng ban đầu tốt đẹp này được phát huy khi từ người bảo vệ cho tới quản lý đều hướng dẫn du khách tỉ mỉ nhất một cách thân thiện và thuần thục.
Khu tham quan không lớn nhưng được chia thành bốn khu A, B, C, D và bố trí các bảng hiệu, mũi tên và đánh số khoa học, hiển thị rõ ràng theo lối đi nên du khách không ngại bị nhầm đường hay bỏ sót khu vực nào. Du khách trong và ngoài nước không nhất thiết phải đi cùng hướng dẫn viên mà có thể chủ động thuê những chiếc bộ đàm có tai nghe để nghe thuyết minh chi tiết ở từng phòng, từng khu vực theo số. Lời thuyết minh, âm nhạc, hiệu ứng tiếng động không chỉ được thu vào thiết bị mà còn được đăng tải trên ứng dụng Spotify, giúp khách chủ động tải về và theo dõi trên điện thoại di động.
“Việc bài trí hiện vật, ánh sáng phù hợp mỗi khu trưng bày. Em rất ấn tượng với phần thuyết minh âm thanh. Ở đó không chỉ cung cấp thông tin mà còn dẫn lời các nhân vật lịch sử từng trải qua những năm tháng gian khổ trong nhà tù Hỏa Lò. Đặc biệt, hiệu ứng âm thanh thuyết minh là điểm nhấn rất đặc sắc, như tiếng đóng cửa trại giam, tiếng xiềng xích hay tiếng hát ru trong khu giam nữ tù nhân… Giống như em đang trực tiếp trở về những thời khắc đau thương ấy vậy”, em Nguyễn Thế Huyền Trang (20 tuổi) ở Bạch Mai (Hà Nội) cảm nhận.
Việc trưng bày “tĩnh” những hiện vật, tư liệu trong các chuyến tham quan ban ngày đã được Ban quản lý khu di tích Hỏa Lò thực hiện một cách sáng tạo, phối hợp nhuần nhuyễn giữa hiện vật và hiệu ứng âm thanh, ánh sáng. Nó tạo ra sức hút, khơi gợi trí tò mò của người xem và gây ấn tượng mạnh về một không gian u tối, rùng rợn của nhà tù, từng là nơi tra tấn, đày đọa các chiến sĩ cách mạng. Nhưng không dừng ở đó, từ tháng 10/2020 ban quản lý di tích phát huy cách trưng bày “động” từ 7 giờ các tối cuối tuần. Đặc sắc nhất phải kể tới việc tái hiện hoạt cảnh trong nhà tù hay màn trải nghiệm mà chính du khách được hóa thân thành những người tù chính trị thời xưa trong chương trình “Đêm thiêng liêng 2: Sống như những đóa hoa” hay “Đêm lửa thiêng”.
Kỷ niệm 68 năm Ngày giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2022), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò tổ chức Trưng bày “Khúc ca khải hoàn” từ ngày 5/10 vừa qua. Trưng bày thiết kế theo phong cách cổ động thể hiện ba nội dung chính là Bền bỉ kháng chiến, Ngày về chiến thắng và Hà Nội của ta. Tất cả nhằm tái hiện chặng đường chiến đấu oanh liệt của quân và dân Hà Nội trong những năm kháng chiến gian khổ; gợi nhớ cuộc trở về với biết bao cảm xúc, niềm vui 68 năm trước khi đoàn quân lớp lớp tiến về Thủ đô.
“Địa chỉ đỏ” lan tỏa lòng yêu nước
Bạn Hà Thu Linh (24 tuổi) ở Hà Đông (Hà Nội), tranh thủ cuối tuần đưa bà thăm nhà tù Hỏa Lò vì bà từng chứng kiến nhiều đổi thay của di tích này. “Em đã đi nhà tù Hỏa Lò rất nhiều lần, nhưng lần nào tới cũng thấy tự hào và biết ơn sự gian khổ, hy sinh của những người anh hùng cho cuộc sống như ngày nay. Di tích nhà tù Hỏa Lò có sự khác biệt khi tận dụng lợi thế của truyền thông, quy trình chăm sóc du khách chu đáo, cách bố trí bảng biển hướng dẫn khoa học và dễ hiểu, còn cả ứng dụng máy thuyết minh sinh động… Điểm đến này đang cho thấy sự bắt kịp xu hướng của giới trẻ để lan tỏa những giá trị lịch sử”, bạn Linh bày tỏ.
Giữa nhiều điểm tham quan, vui chơi giải trí khác ở Thủ đô, các bạn trẻ trong nhóm của bạn Nguyễn Thế Huyền Trang lại chọn điểm đến là nhà tù Hỏa Lò sau khi đọc nhiều thông tin cuốn hút trên Facebook và Fanpage. “Sống trong thành phố với nhiều nơi vui chơi, giải trí, chúng em lựa chọn trở về với quá khứ, tìm hiểu điều gì đó đáng nhớ, khác biệt hơn. Cảm nhận chung của nhóm sau khi tham quan nhà tù Hỏa Lò là sự khích lệ, sống hết mình với tuổi trẻ, đam mê cống hiến sao cho xứng với sự hy sinh của ông cha”, bạn Trang chia sẻ.
Sức hấp dẫn của nhà tù Hỏa Lò còn lan tỏa tới cả những du khách nước ngoài đến với Hà Nội. Một cặp vợ chồng mới cưới người Litva đã chọn nhà tù Hỏa Lò làm nơi đầu tiên tham quan trong lịch trình. Chị Korina (24 tuổi) cùng chồng là Tadas (25 tuổi) cho biết: “Chúng tôi thật sự bị sốc sau khi tham quan nơi này và chứng kiến những điều khủng khiếp từng xảy ra ở đây. Nhưng ngay lúc đó chúng tôi càng khâm phục hơn sự bất khuất của những người chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Nếu họ ở thế giới bên kia, đang chứng kiến sự đổi thay của đất nước các bạn, chắc chắn họ sẽ mỉm cười vì sự hy sinh của mình được đánh đổi xứng đáng bằng tương lai tươi đẹp. Nếu có điều gì cảm thấy tiếc nuối, thì đó là chúng tôi kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hơn những kỷ vật của nhà tù này. Chúng tôi cũng rất mong lần tới khi đến Việt Nam, sẽ có dịp đến nhiều nhà tù khác ở các tỉnh và tham gia những chương trình tham quan hấp dẫn như thế này”.