Hiểm họa khôn lường
Thuốc là mặt hàng đặc biệt, thiết yếu. Số lượng thuốc sản xuất, lưu hành tại thị trường nước ta hiện có khoảng hơn 25.000 mặt hàng, với gần 1.000 hoạt chất tân dược, mỗi hoạt chất lại có rất nhiều chủng loại, hàm lượng, quy cách đóng gói, dạng bào chế, nhà sản xuất khác nhau. Cũng bởi vậy mà việc ngăn chặn mối nguy từ thuốc kém chất lượng luôn là đòi hỏi bức thiết không chỉ từ phía người dân. Từ đầu tháng 9-2015 đến nay, Cục Quản lý Dược đã ra quyết định rút số đăng ký lưu hành khoảng 70 loại thuốc, trong đó có nhiều loại thuốc không bảo đảm chất lượng. Trước đó, trong hai năm (2013-2014), qua kiểm tra cơ quan chức năng đã đình chỉ lưu hành, hoặc buộc phải tái xuất hơn 110 lô thuốc do không bảo đảm tiêu chuẩn.
Cảnh báo về mức độ nguy hại của thuốc kém chất lượng, bác sĩ Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Trung tâm Dị ứng, miễn dịch lâm sàng - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, người bệnh luôn đối mặt với những di chứng khó lường khi không may sử dụng phải thuốc kém chất lượng. “Với một bệnh nhân bị đái tháo đường được chỉ định sử dụng thuốc hạ đường huyết, nhưng do mua phải thuốc kém chất lượng khiến đường huyết chẳng những không xuống mà lại tăng cao hơn, rất dễ tử vong. Bên cạnh đó, khi thuốc không bảo đảm các hoạt chất như đăng ký, còn có thể chứa các chất có tác dụng phụ gây hại sức khỏe như gây dị ứng, nhiễm độc...”, bác sĩ Đoàn nói. Tại Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) đã tiếp nhận không ít trường hợp cấp cứu do dùng phải thuốc giả, thuốc kém chất lượng bị ngộ độc. Đại diện Trung tâm Chống độc cũng thông tin, một số loại thuốc thường gây ngộ độc là thuốc kháng histamine (thuốc chống dị ứng), thuốc á phiện, thuốc ngủ, thuốc nhỏ mũi, thuốc hạ sốt, thuốc giảm đau nhức các loại… Thuốc giả không chỉ đánh lừa người tiêu dùng, chúng còn vô hiệu hóa các liệu pháp điều trị để cứu sống bệnh nhân và trong rất nhiều trường hợp thuốc giả gây ra tác hại to lớn như gây dị ứng, nhiễm độc kim loại nặng... Đã có những trường hợp bệnh nhân bị ngộ độc thuốc không được cứu chữa kịp thời đã tử vong.
Nguy hiểm là vậy, song theo thừa nhận của các cơ quan quản lý, việc phân biệt được đâu là thuốc thật, đâu là thuốc kém chất lượng lại không thể tiến hành bằng mắt thường. Phát hiện thuốc kém chất lượng chỉ có cách duy nhất là đưa đến kiểm nghiệm tại Viện Kiểm nghiệm thuốc Trung ương. Việc phát hiện thuốc giả được trông chờ vào các cơ quan như quản lý thị trường, hải quan, căn cứ vào mẫu mã sản phẩm không giống hàng thật, hoặc nhái hàng thật để phát hiện.
Kẽ hở trong quản lý
Theo lý giải của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế, để tình trạng thuốc kém chất lượng lưu thông trên thị trường là do các đơn vị được giao nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra còn hạn chế về nguồn nhân lực, không thể vươn tới hết các hiệu thuốc lớn nhỏ ngoài thị trường. Bên cạnh đó, bản thân các cơ quan này vẫn chưa tận dụng được sức mạnh trong việc phối hợp với các đơn vị chức năng liên quan như quản lý thị trường, công an để thường xuyên thanh tra, kiểm tra, giám sát việc lưu hành thuốc, cũng như việc thu hồi thuốc kém chất lượng khi có kết luận chính thức từ cơ quan chức năng.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia y tế, bên cạnh những khó khăn có tính khách quan nêu trên, một bất cập mang tính chất nội tại xuất phát từ bản thân cơ quan quản lý khiến cho lượng thuốc kém chất lượng vẫn còn “đất sống” đó là công tác thu hồi thuốc vẫn còn nhiều kẽ hở. Qua tìm hiểu phóng viên được biết, thời gian để thông tin thu hồi thuốc của Cục Quản lý Dược đến được các nhà thuốc là khá lâu. Trong khi, bản thân các nhà thuốc nhiều trường hợp đã nhận được thông báo thu hồi nhưng cố tình kéo dài thời gian nhằm tranh thủ “tẩu tán” số thuốc còn lại kiếm lợi. Ngay cả trong trường hợp nhà thuốc muốn thông báo về quyết định thu hồi thuốc đến người sử dụng thì cũng chẳng biết đâu mà tìm, bởi mặt hàng thuốc ở thị trường Việt Nam hiện vẫn được mua bán vô tư như... mớ rau, con cá, không cần cả đến đơn chỉ định của bác sĩ, nên cũng không cần lưu thông tin người bệnh.
Liên quan tới vấn đề quản lý chất lượng thuốc, vừa qua, Bộ Y tế đã trình Quốc hội Dự thảo Luật Dược (sửa đổi), trong đó nhấn mạnh tới nhiều yếu tố quan trọng nhằm kiểm soát chất lượng thuốc lưu thông, song trách nhiệm của cơ quan quản lý ra sao khi người dân bị sử dụng thuốc kém chất lượng vẫn chưa được Dự thảo Luật nêu rõ. Bà Ngô Hoa Lư - Giám đốc Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc và mỹ phẩm cho rằng, Dự thảo Luật Dược (sửa đổi) vẫn chưa nêu rõ trách nhiệm và quyền của cơ quan kiểm nghiệm thuốc, bởi nếu chỉ kiểm tra, kiểm nghiệm trên sản phẩm thành phẩm thuốc là chưa đủ, mà phải kiểm tra đánh giá cả cơ sở, nhà máy sản xuất.
Còn theo ông Huỳnh Thành Lập - Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh, đối với thuốc nhập khẩu, việc kiểm tra nhà máy sản xuất thuốc tại chính nước xuất khẩu vào nước ta đang bị bỏ ngỏ. “Một số nhà máy dược của Việt Nam khi xuất sang các nước khác thì cơ quan chức năng của nước đối tác qua tận nơi sản xuất của chúng ta để kiểm tra một cách rất cặn kẽ và chi phí này do phía doanh nghiệp có nhà máy của Việt Nam chi trả. Còn thuốc của các nước, Việt Nam nhập khẩu vào rất nhiều nhưng việc kiểm tra nhà máy của đối tác thì chưa do cơ quan nào tiến hành thực hiện”, ông Huỳnh Thành Lập nêu quan điểm.
![]() |
Thuốc giả lưu hành trên thị trường bị các cơ quan chức năng phát hiện.
Tiền kiểm hơn hậu kiểm
Thuốc là hàng hóa đặc biệt có ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh cũng như sự an toàn, sức khỏe của người dân. Chính vì vậy, việc kiểm tra, giám sát chất lượng thuốc sản xuất, nhập khẩu, lưu thông là đòi hỏi bức thiết đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh và hệ thống các cơ quan chức năng.
Để ngăn ngừa nạn thuốc giả và kém chất lượng, theo ông Lê Văn Truyền - nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm soát chất lượng thuốc ở cả khâu tiền kiểm và hậu kiểm, đồng thời xử phạt nghiêm những doanh nghiệp nhập khẩu, phân phối thuốc kém chất lượng. Còn theo bà Ngô Hoa Lư, để bảo đảm đánh giá chất lượng thuốc sản xuất trong nước cần thực hiện công tác tiền kiểm về điều kiện cơ sở, nhà máy sản xuất của doanh nghiệp chứ không chỉ thực hiện công tác hậu kiểm như hiện nay, bởi vì nếu chỉ tiến hành hậu kiểm, khi thuốc đã lưu hành trên thị trường một thời gian mới lấy mẫu kiểm nghiệm, nếu có vấn đề xảy ra, người dân chỉ biết “kêu trời” vì đã trót uống hết thuốc.
Trong khi chờ các cơ quan quản lý vào cuộc gắt gao hơn nhằm kiểm soát tốt chất lượng thuốc chữa bệnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo để bảo đảm mua được thuốc tốt, giá rẻ, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức, khi mua thuốc cần khám bệnh, kê đơn, mua thuốc ở những cơ sở lớn, có tên tuổi, xem kỹ thời hạn sử dụng ghi trên sản phẩm, ghi nhớ thông tin về những loại thuốc đã bị làm giả và kém chất lượng do cơ quan quản lý dược công bố để khỏi hứng chịu cảnh “tiền mất tật mang”.